Di tích lịch sử cách mạng Điểm cao 601 cạnh quốc lộ (QL) 14, cách TP Kon Tum (Kon Tum) chừng 17km về phía Bắc. Tháng 4-1972, nơi đây đã xảy ra cuộc chiến cam go giữa quân cách mạng và quân địch. Người Bahnar ở vùng này gọi địa danh đó là Kon Loong Phă, có nghĩa dốc có nhiều cây Trắc và Điểm cao 601 là thuật ngữ quân sự gọi cứ điểm quân sự của địch trên đồi K’Rang Loong Phă.
Cách đây tròn 40 năm (tháng 4-1972), Điểm cao 601 là chốt điểm quân sự quan trọng của địch trong hệ thống vành đai phòng thủ bảo vệ thị xã Kon Tum và QL14, con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường Bắc Tây Nguyên. Tại đây, địch bố trí trận địa pháo binh và xe tăng trên mỏm đồi hình yên ngựa. Phía Bắc có Đồn Bảo an số 23 Hà Mòn đóng giữ, có xe thiết giáp tăng cường. Phía Nam có Sở chỉ huy (SCH) Lữ đoàn dù 3, trận địa pháo lớn, xe tăng, xe bọc thép chốt giữ. Ngoài ra, còn có các trận địa pháo, Đồn Bảo an ở Kon Trang K’Lả, Bãi Ủi, phía Bắc thị xã Kon Tum... sẵn sàng yểm trợ Điểm cao 601.
Nhận rõ vị trí chiến lược quân sự quan trọng của Điểm cao 601, ta quyết tâm đánh chiếm, địch cũng bằng mọi cách cố thủ. Sau nhiều ngày chiến đấu quyết liệt, đến ngày 10 và 11-4-l972, ta đã làm chủ Điểm cao 601, cắt đứt chi viện của địch trên QL14, góp phần quan trọng vào Chiến dịch giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh (24-4-1972). Sau Hiệp định Paris, tại đây đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh chính trị gay gắt, quyết liệt kết hợp với đấu tranh quân sự để giành từng tấc đất. Tuy vậy, ta vẫn làm chủ hoàn toàn Điểm cao 601, giữ vững vùng giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh; kiểm soát được khu vực vùng ven thị xã Kon Tum, tiến đến giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum vào ngày 16-3-1975.
Cách đây gần 9 năm (17-5-2003), Điểm cao 601 đã được UBND tỉnh Kon Tum xếp hạng Di tích cấp tỉnh. Và, tròn 38 năm sau kể từ ngày ta làm chủ Điểm cao 601 (4-1972), ngày 3-4-2010, được sự nhất trí của UBND tỉnh Kon Tum, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Kon Tum đã tổ chức Lễ Đặt đá xây dựng Khu du lịch “Phật pháp Khánh Phước Tâm Linh” và Tôn tạo tượng Bồ Tát Quan Thế Âm lộ thiên trên “sườn yên ngựa” đối diện Điểm cao 601. Tượng cao 37m (chưa tính chân đế), được đúc tại chỗ bằng bê tông cốt thép, là tượng Phật lớn nhất khu vực Tây Nguyên. Khu du lịch “Phật pháp Khánh Phước Tâm Linh có diện tích xây dựng 2ha.
TRẦN HOÀI NAM