Điểm cuối đường Trường Sơn

Điểm đầu của tuyến đường Trường Sơn, mặc dù cho đến nay vẫn còn có ý kiến tranh cãi, tuy nhiên, theo tài liệu lịch sử cũng như hồi ức của các CCB Trường Sơn thì điểm tập kết đầu tiên của Đoàn 301 làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn là Làng Ho (Quảng Bình). Nay ở đó vẫn còn bia di tích lịch sử.
Điểm cuối đường Trường Sơn

Điểm đầu của tuyến đường Trường Sơn, mặc dù cho đến nay vẫn còn có ý kiến tranh cãi, tuy nhiên, theo tài liệu lịch sử cũng như hồi ức của các CCB Trường Sơn thì điểm tập kết đầu tiên của Đoàn 301 làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn là Làng Ho (Quảng Bình). Nay ở đó vẫn còn bia di tích lịch sử.

Điểm thứ hai là bản khe Hó, một bản Vân Kiều nay thuộc xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Mặc dù chưa đặt bia di tích, nhưng tại đây, đơn vị 301 mới thực sự bắt tay vào làm nhiệm vụ đặc biệt - xoi đường mở tuyến. Tại thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An cũng có một tượng đài ghi rõ “cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh”. Đó được coi là cột mốc số 0 của đường Hồ Chí Minh vận tải cơ giới. Điểm đầu thì vậy, còn điểm cuối đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn nằm ở đâu?

1. Năm 2009, trước khi tổ chức Gala phát động Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, Ban tổ chức chương trình ra Hà Nội gặp Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Ông có nhiều chức danh: nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nhưng chúng tôi gặp ông với tư cách là vị tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn trong những năm chiến tranh ác liệt nhất cho tới ngày hòa bình. Chúng tôi báo cáo với ông về mục đích của chương trình và trân trọng mời ông dự lễ phát động.

Khi nghe chúng tôi trình bày mục tiêu của chương trình là xây nhà tình nghĩa tặng các CCB, cựu TNXP, dân công hỏa tuyến Trường Sơn và đồng bào các dân tộc sinh sống trên các bản làng Trường Sơn, mà cuộc sống hiện đang gặp nhiều khó khăn, xây dựng các công trình dân sinh góp phần cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc tại các bản làng dọc Trường Sơn và một số đền đài tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn tại những tọa độ lửa, điểm di tích lịch sử trên tuyến đường Trường Sơn…, ông bày tỏ sự đồng tình và đề nghị chúng tôi lưu ý đến điểm di tích lịch sử Trường Sơn ở phía Nam: Sở Chỉ huy tiền phương Đoàn 559 đóng tại Lộc Ninh. “Có thể coi đó là cột mốc cuối cùng của đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh trong chiến tranh” - ông bảo!

Lộc Ninh là một huyện biên giới của tỉnh Bình Phước, nằm cách TPHCM khoảng 150km, là vùng đất lịch sử cách mạng. Sau cuộc tổng tấn công mùa xuân 1972, mang tên chiến dịch Nguyễn Huệ, một vùng đất rộng lớn chạy dọc biên giới, từ Lò Gò, Xóm Giữa, Đồng Pan, Cà Tum, Suối Mây, Tống Lê Chân (Tây Ninh) đến Lộc Ninh, Lộc Tấn, Bù Đốp, Bù Đăng (Bình Phước) được giải phóng. Lộc Ninh – thị trấn của huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Long lúc đó, trở thành trung tâm của vùng giải phóng này. Cuối năm 1972, đầu năm 1973, khi Hiệp định Paris chuẩn bị ký kết, Lộc Ninh được chọn làm “thủ phủ” của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Lộc Ninh cũng là địa điểm chính đón tiếp hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị giam cầm trong các nhà tù chính quyền tay sai Sài Gòn chiến thắng trở về.

Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn cùng với nhà tài trợ khánh thành công trình Trạm xá xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn cùng với nhà tài trợ khánh thành công trình Trạm xá xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

2. Đơn vị tôi hành quân vào chiến trường với tấm giấy thông hành ghi B2-470. B2 là Nam bộ, còn 470 thì không ai biết. Mãi khi vào đến các trạm giao liên thuộc địa phận tỉnh Stung-cheng, Cra-chê của nước bạn Campuchia, chúng tôi mới biết đó là phiên hiệu của sư đoàn vận tải và tổ chức đường dây khu vực phía Nam, cũng thuộc Đoàn 559. Lúc ấy, do chiến trường miền Nam bị đánh phá ác liệt, đường mòn Hồ Chí Minh “lật cánh” sang phía Tây Trường Sơn, đi trên địa phận của nước bạn Lào và Campuchia trước khi vào vùng giải phóng miền Nam. Từ điểm đi bộ đầu tiên, trạm Làng Ho Quảng Bình, đến Sa-nuol, một thị trấn biên giới của nước bạn Campuchia, đơn vị tôi đi hết 4 tháng. Đứng chân ở Sa-noul, nghe nói chỉ cách cửa khẩu Hoa Lư của biên giới Việt Nam 10km và cách Lộc Ninh khoảng 30 - 40km, chúng tôi nôn nao nghĩ đến ngày được đặt chân đến mảnh đất phương Nam của Tổ quốc. Vậy mà cái khoảng cách 30 - 40km ấy, tôi phải “đi” từ cuối năm 1971 mà mãi đến đầu năm 1973 mới tới nơi.

Đối với các CCB đã từng chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ, sau khi Hiệp định Paris được ký kết cho đến ngày giải phóng, Lộc Ninh là địa chỉ thân thiết. Những chuyến hành quân chiến đấu hay đi công tác lẻ, hễ có dịp là chúng tôi ghé Lộc Ninh. Thị trấn lúc đó rất hoang sơ, do một phần đã bị bom đạn phá nát. Quốc lộ 13 là con đường nhựa duy nhất chạy qua thị trấn cũng bị bong tróc, còn trơ đá hộc. Khu vực ngã ba Đồng Tâm, chỉ cách thị trấn 5 - 7km, không có sự sống. Có lúc chúng tôi đi qua, còn nhìn thấy không ít xương cốt nằm vương vãi dưới những vạt cỏ hai bên đường vừa bị đốt cháy. Dân Lộc Ninh rất tốt đối với bộ đội giải phóng. Mỗi lần chúng tôi đi công tác, ghé bất kỳ nhà nào xin ngủ nhờ đều được chào đón vui vẻ. Gạo thì mang sẵn, thức ăn có thể ra chợ mua nếu còn sớm hoặc chủ nhà san sẻ nếu chợ không còn. Cứ thế, sáng hôm sau chúng tôi lại đi. Có khi chủ nhà và khách chưa kịp biết tên nhau…

3. Chiến tranh đi qua, những người lính trở lại đời thường với bao lo toan tất bật. Thời gian cứ thế trôi. Có những CCB, cho đến nay, sau hơn 40 năm, muốn được một lần trở lại chiến trường Lộc Ninh, Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, cũng khó. Tôi may mắn hơn họ là từ sau khi tổ chức thực hiện Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, đã nhiều lần được trở lại chiến trường xưa: Tân Biên, Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập... Thực hiện mục tiêu của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, chúng tôi đã khảo sát, tài trợ xây dựng trên địa bàn này hai trạm xá, hàng chục căn nhà tình nghĩa trị giá hơn 4 tỷ đồng. Giá trị vật chất chưa đáng kể so với khó khăn của đồng bào nghèo vùng biên giới này. Tuy nhiên, với tôi, mỗi lần trở lại vùng đất này là như một lần được trở về.

Ước nguyện xây dựng một ngôi đền tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sơn tại Lộc Ninh - nơi đánh dấu điểm cuối của tuyến đường Trường Sơn - luôn nung nấu trong các thành viên Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo Sài Gòn Giải Phóng. Gần 4 năm thực hiện, Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã vận động tài trợ, khởi công và khánh thành được 3 đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn tại 3 địa điểm lịch sử: Bến phà Long Đại (Quảng Bình), cầu treo Bến Tắt (Quảng Trị), điểm hợp lưu Đông - Tây Trường Sơn tại Kon Tum.

Hy vọng, trong dịp tổng kết Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn cuối tháng 7-2013 này, chúng tôi sẽ tìm ra nhà tài trợ cho ngôi đền Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn tại Lộc Ninh, như một nghĩa cử tri ân của đồng bào phía Nam với Trường Sơn lịch sử?

NGUYỄN ĐỨC

Tin cùng chuyên mục