Bóng đá Việt Nam vốn có nhiều dị biệt so với cách vận hành chung của bóng đá thế giới, tuy nhiên có một điều rất lạ mà có lẽ chẳng ở đâu có: Đó là việc đòi thay đổi cả một bộ máy quản lý nền bóng đá chỉ sau thất bại của một đội bóng trẻ - tức U.22 tại SEA Games 29 vừa rồi.
Thông thường, nếu phải truy cứu trách nhiệm thì phải xem hệ thống đào tạo hoặc thi đấu của các tuyến trẻ, nhưng trên thực tế chưa có lúc nào mà bóng đá trẻ Việt Nam lại phát triển tốt như hiện nay. Các đội U.16, U.19, U.23 đã và sẽ tham dự các VCK châu Á trong vòng 3 năm qua, chưa nói đến kỳ tích World Cup của U.20. Như vậy, thất bại ở SEA Games vừa qua chưa phản ánh đúng thực trạng. Hơn nữa, thất bại ấy không phải về chuyên môn mà lại thuộc về yếu tố tâm lý, bản lĩnh.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Dù không nên lấy thất bại của U.22 để phê phán sự yếu kém của nền bóng đá, nhưng cũng không có nghĩa là bóng đá Việt Nam đang phát triển một cách bình thường. Nếu ví nền bóng đá là một cơ thể thì hiện nay, cơ thể đó đang èo uột. Lý do chính xuất phát từ cái “xương sống” của nó là giải vô địch quốc gia (V-League), đang bị lệch hoặc đứt gãy nhiều phần. Đó mới chính là điều mà những người muốn cải tổ nền bóng đá nên tập trung tìm giải pháp chứ không phải là thay đổi bộ máy lãnh đạo VFF hiện tại.
Lấy ví dụ: tại sao từ đầu năm đến nay, giải đấu số 1 quốc gia lại tạm ngưng đến 2 lần, mỗi lần hơn 2 tháng nhưng chẳng thấy các nhà tổ chức lẫn các CLB có ý kiến. Thay vì chỉ đá trong khoảng 5 tháng, V-League năm nay phải kéo dài đến tận tháng 11, tiêu tốn biết bao tiền của của các CLB cũng như sinh hoạt chuyên môn của các cầu thủ. Quyền lợi hình ảnh của nhà tài trợ ai chịu? Sự quan tâm của người hâm mộ bị giảm sút, ai chịu? Làm sao có một giải vô địch mạnh khi mà những người trong cuộc lại thờ ơ với chính quyền lợi đang bị tổn hại của mình, chưa nói đến tính khoa học trong thi đấu thể thao đỉnh cao bị phá vỡ bất chấp hậu quả. Và một giải đấu được xem là chuyên nghiệp nhất lại vận hành theo kiểu nghiệp dư như vậy thì lấy đâu ra chất lượng? Khi V-League cứ “bạ đâu hay đó” thì đừng đòi hỏi thành tích ở cấp đội tuyển, bởi cầu thủ hay HLV cũng từ môi trường đó mà ra.
Sự việc sát sườn, cốt lõi như vậy nhưng chẳng thấy ai nói, thay vào đó lại đòi cải tổ VFF, trong khi có một thực tế rất rõ ràng là VFF không hề điều hành V-League. Nói đúng hơn, chính vì sự yếu kém của tổ chức này mà hồi năm 2012, Công ty VPF mới ra đời để tiếp nhận quyền điều hành. Hơn nữa, đây là yêu cầu bắt buộc từ LĐBĐ châu Á (AFC) nhằm phân biệt rõ trách nhiệm xây dựng nền tảng (phong trào, đào tạo trẻ) của các liên đoàn bóng đá với hoạt động thi đấu đỉnh cao (CLB chuyên nghiệp). Nếu xét trên quan điểm này thì VFF đang làm tốt (bóng đá trẻ), ngược lại, chính các CLB và các tổ chức khác mới là nơi phải nhận trách nhiệm về sự èo uột của nền bóng đá (V-League và đội tuyển quốc gia).
Tất nhiên, VFF phải có trách nhiệm với mọi diễn biến của đời sống bóng đá Việt Nam, nhưng cũng cần phải có cái nhìn đúng đắn, sòng phẳng hơn nếu muốn cải thiện “cơ thể” đang èo uột hiện nay. VFF không phải là đơn vị trực tiếp kiểm tra hệ thống các tuyển trẻ, năng lực tài chính, bộ máy vận hành, đạo đức cầu thủ, mục đích thi đấu… của hơn 20 CLB từ V-League đến hạng nhất - những thành tố quyết định đến chất lượng nền bóng đá. Trong khi đó, VFF lại phải chịu ảnh hưởng nhất định về định hướng của cơ quan quản lý nhà nước, phụ thuộc vào tài chính được cung cấp từ các CLB, như thế liệu thay đổi bộ máy VFF có phải là “cải tổ thực sự”.
Tóm lại, cái cần tập trung chất xám, nguồn lực để cải tổ đó là hoạt động thi đấu của V-League. Bắt đầu từ nguyên tắc lấy chất lượng thay cho số lượng, tăng số trận đấu trong năm để thu hút tài chính, mạnh mẽ thay đổi thể thức thi đấu để đem đến cho khán giả thêm nhiều lựa chọn chất lượng, qua đó tăng thêm sự tự chủ cũng như khả năng tự chịu trách nhiệm của các CLB hiện nay.
Một khi không có cái xương sống vững chắc, giàu sức sống thì cơ thể mãi mãi không thể phát triển được.