Năm 2015, trong lúc nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khi xuất khẩu thì nhân điều vẫn gia tăng về sản lượng và kim ngạch. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm nay kim ngạch ngành điều xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD, bao gồm nhân điều 2,3 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay, còn lại là dầu hạt điều và sản phẩm chế biến sâu. Không chỉ 10 năm liên tục dẫn đầu về xuất khẩu, ngành điều còn duy trì thị phần trên 50% tổng giá trị thương mại nhân điều toàn cầu, khoảng 5 tỷ USD/năm.
Chế biến hạt điều tại Bình Phước. Ảnh: CAO MINH
Sản xuất sạch hơn nhờ công nghệ
Hơn 300 đại biểu doanh nghiệp (DN) là các nhà xuất nhập khẩu ngành điều, trong đó 65 là DN nước ngoài từ 30 nước đến với Hội nghị Điều quốc tế lần thứ 7 - năm 2015 do Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức tại TPHCM tuần qua.
Ông Babatola Faseru, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Điều châu Phi, cho rằng đây là “điểm hẹn vàng” của cộng đồng DN điều toàn cầu. Bởi Việt Nam là nước nhập khẩu điều thô hàng đầu của châu Phi, cũng là nước chế biến nhân điều để xuất khẩu nhiều nhất. Quan trọng hơn, Việt Nam còn là nước sản xuất các thiết bị giúp cơ giới hóa ngành chế biến nhân điều mà các nước châu Phi muốn đến tìm hiểu. Vì vậy, ngoài các DN, còn có gần như đầy đủ các tổ chức là đại diện những nước cung cấp hạt điều (thô) nguyên liệu từ châu Phi như Liên hiệp hội Điều châu Phi (ACA), Hội đồng Bông và hạt điều Bờ Biển Ngà (CCA), Ban Hạt điều Tanzania (CBT), hiệp hội điều các nước (Nigeria, Benin, Tanzania, Bờ Biển Ngà…). Các tổ chức quốc tế như Hội đồng Điều toàn cầu (GCC), Hội đồng Hạt quả khô quốc tế (INC), Hiệp hội Công nghiệp thực phẩm Hoa Kỳ (AFI), Hiệp hội Hạt Trung Quốc cũng có mặt.
Có thể nói, sự kiện hàng năm này của ngành điều Việt Nam ngày càng thu hút những người trong ngành điều toàn cầu bởi vai trò, vị trí và nhất là chất lượng hạt điều Việt Nam được những nhà nhập khẩu nước ngoài xác nhận là ngon nhất, không chỉ mùi vị đặc trưng riêng mà các chỉ số như chất béo có lợi cho sức khỏe đều cao hơn nhân điều nước khác (theo dự án Nghiên cứu giá trị hạt điều do INC tài trợ).
Trước xu thế hội nhập, các nước nhập khẩu và sử dụng nhiều loại hạt, trong đó có nhân điều, đều nâng dần rào cản kỹ thuật. Việc sản xuất sạch hơn để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và cơ giới hóa các khâu chế biến nhân điều trở thành yêu cầu cấp bách cần giải quyết.
Theo ông Phạm Văn Công, Phó Chủ tịch Vinacas, khoa học công nghệ giữ vai trò rất quan trọng trong quy trình sản xuất hạt điều. Để hoàn thiện quy trình chế biến điều bằng máy, ngành điều Việt Nam đã và tiếp tục cải tiến, hoàn thiện công nghệ phù hợp cho từng công đoạn để đạt hiệu quả cao. Với công nghệ và sự ra đời của các thiết bị bóc vỏ lụa, máy cắt tách vỏ hạt điều, máy phân loại màu, máy phân loại kích cỡ…, DN ngành điều đã giảm được hơn 70% - 80% lao động, nâng công suất chế biến tăng thêm 1,5 lần, giảm chi phí sản xuất 30% - 40% so với thủ công, giảm 30% - 50% thời gian trong các công đoạn chế biến, giúp chủ động thời gian sản xuất, đảm bảo việc giao hàng, tỷ lệ nhân bể giảm còn 5% so với trước gần 20%.
Đây là bước đột phá trong sản xuất chế biến điều bằng máy móc, gia tăng giá trị sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế. Do sản xuất tập trung, ít sử dụng lao động chân tay nên kiểm soát được chất lượng, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và quan trọng hơn vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo hơn.
Thách thức mới
Dù vệ sinh an toàn thực phẩm là lợi thế đã được ngành điều Việt Nam giải quyết nhưng thách thức mới lại xuất hiện. Đó là nhu cầu chế biến ngay tại vùng nguyên liệu châu Phi ngày càng được các nước ở đây đặt ra để nâng cao giá trị sản phẩm, thay vì chỉ xuất điều thô như hiện nay. Theo ACA, các nước hội viên đưa ra mục tiêu chế biến 35% sản lượng vào năm 2020. Ngay cả nhà nhập khẩu châu Âu và người điều phối Hội đồng Điều toàn cầu (GCC) cũng ủng hộ quan điểm này, vì rút ngắn thời gian chế biến, vận chuyển và giá so với hiện nay. Theo Phó Chủ tịch ACA, một số nước châu Phi hạn chế việc xuất thô do ưu tiên chế biến tại chỗ (như Kenya, Đông Phi).
Trước mắt, ngành điều Việt Nam chưa bị đe dọa nhiều từ xu hướng này, vì không phải các nước châu Phi cứ xây dựng nhà máy, lắp đặt thiết bị là có thể hoạt động trơn tru như Việt Nam. Cần có con người biết vận hành, có lao động chuyên nghiệp cũng như việc quản trị nhà máy hiệu quả. Những điều này, hiện rất ít nước châu Phi có thể giải quyết, nhưng về lâu dài sẽ là thách thức thật sự. Không chỉ là nhu cầu chế biến tại chỗ của các nước châu Phi, mà ngay cả khách hàng lớn thứ ba là Trung Quốc cũng có ý định hình thành một trung tâm chế biến thay vì nhập nhân điều sơ chế từ Việt Nam.
Những nguy cơ này đòi hỏi Vinacas phải định hướng chiến lược phù hợp, như cách mà ngành điều Việt Nam đã vượt qua khó khăn trước đó do khan hiếm lao động. Việc chọn lọc để thay thế giống điều già cỗi hiện nay bằng giống điều cao sản, mà Vinacas cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện từ vài năm nay nhằm nâng cao chất lượng cây điều cả về năng suất và chất lượng, mới có thể giúp người dân không quay lưng lại cây điều khi vùng đất Đông Nam bộ và Tây Nguyên chịu sự cạnh tranh quyết liệt của các loại cây công nghiệp khác.
Vì vậy, việc chủ động xây dựng nguồn nguyên liệu trong nước, đặc biệt là vùng nguyên liệu vốn được xem như “thủ phủ” ngành điều là tỉnh Bình Phước với chất lượng hạt hơn hẳn các nước về dinh dưỡng và độ thơm phải thành hiện thực, cùng với kinh nghiệm trong chế biến mà những DN xuất khẩu nhân điều hàng đầu Việt Nam đang có sẽ là những ưu thế giúp tiếp tục duy trì lợi thế cạnh tranh của ngành điều Việt Nam với các nước.
CÔNG PHIÊN