Trong ngày 1-4, công ty đã xuất 1 container xoài, 1 container nhãn qua đường biển và 3 container thanh long đỏ bằng đường hàng không vào thị trường Mỹ. Dù sản lượng xuất khẩu đã giảm so với trước kia, song đây vẫn là tín hiệu tốt cho đơn vị.
Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cũng cho biết, tháng 3-2020, lần đầu tiên sản lượng thép xây dựng Hòa Phát đạt mức kỷ lục hơn 351.000 tấn, tăng 42,2% so với tháng 3-2019. Thị trường xuất khẩu ghi nhận kết quả “rực rỡ” với gần 68.000 tấn thép thành phẩm đi các nước Nhật Bản, Campuchia, Australia, Indonesia, Malaysia… Con số này gần bằng lượng xuất khẩu của cả quý 1-2019. Ngoài ra, lần đầu tiên Tập đoàn Hòa Phát xuất khẩu hơn 135.000 tấn phôi thép tới nhiều nước trên thế giới trong vòng một tháng. Lũy kế trong quý 1-2020, thép xây dựng Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trên 732.000 tấn (chưa bao gồm sản lượng phôi thép), tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, lượng thép thành phẩm xuất khẩu gần 135.000 tấn, tăng 74,8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lượng phôi thép Hòa Phát cung cấp cho thị trường đạt khoảng 350.000 tấn, chủ yếu là xuất khẩu. Sản lượng xuất khẩu của Hòa Phát có mức tăng trưởng cao như vậy là do đơn hàng đã được đặt trước và do dịch Covid-19 đã khiến nhiều nước trên thế giới phải ngừng hoặc hạn chế sản xuất nên thiếu hụt cục bộ, đặc biệt là phôi thép.
Có thể thấy rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều có cách để vượt qua. Theo chia sẻ của đại diện Công ty Hòa Phát, để đảm bảo sản xuất, cung ứng hàng hóa được thông suốt, liên tục trong điều kiện dịch bệnh, công ty đã và đang ứng dụng các phần mềm, công cụ hỗ trợ trong điều tiết sản xuất, bán hàng, đồng thời thực hiện nghiêm nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế. Ông Nguyễn Đình Tùng cũng chia sẻ, để trụ vững tại thị trường Mỹ và không để bị động trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Vina T&T Group đầu tư mạnh và chặt chẽ vào vùng nguyên liệu để bảo đảm hàng hóa chất lượng cao, giá cao và không cạnh tranh giá thấp. Công ty đặt mã cho từng hộ sản xuất và phân luồng xanh - vàng - đỏ, tùy theo kết quả xét nghiệm sản phẩm. Với những hộ luồng xanh, công ty bao tiêu toàn bộ và chỉ kiểm tra ngẫu nhiên; các hộ luồng vàng công ty sẽ kiểm nghiệm từng lô, nếu đạt chất lượng thì chi phí kiểm tra công ty chịu, còn như ngược lại thì nông dân phải gánh. Riêng các hộ luồng đỏ, tức nhiễm thuốc bảo vệ thực vật nặng, nông dân phải thay đổi cách trồng, công ty kiểm tra đạt an toàn mới thu mua lại.