Tổ hợp tác đánh bắt hải sản xa bờ ấp Hố Bườm, xã Bình Trị, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang mới thành lập gần 2 năm nhưng đã đem lại hiệu quả cho ngư dân trong liên kết đánh bắt hải sản, đồng thời giúp ngư dân yên tâm bám biển trong điều kiện mưa bão. Mô hình này giúp tổ viên đoàn kết chia sẻ trong các hoạt động. Tổ hợp tác trở thành ngôi nhà chung cho các ngư dân nơi đây.
Hiệu quả đánh bắt thủy hải sản tăng lên nhờ các tàu liên kết ra khơi
Ông Ngô Văn Phương, Tổ trưởng Tổ hợp tác đánh bắt hải sản ấp Hố Bườm, cho biết: “Từ khi thành lập năm 2014, tổ đánh bắt đạt năng suất cao hơn trước và mang lại niềm tin cho ngư dân nơi đây. Đến nay, ngư dân đã không còn lo gặp sóng to, gió lớn hay cướp biển tấn công; bởi khi nhiều tàu khi đi cùng sẽ hỗ trợ nhau dễ dàng hơn. Vì vậy, anh em trong đoàn rất an tâm ra khơi đánh bắt hải sản”. Trên chiếc tàu đánh bắt xa bờ vừa cập bến sau 1 tháng lênh đênh trên biển, ngư dân Phan Hoàng Minh Phước, ngụ ấp Hố Bườm, xã Bình Trị, bộc bạch: “Trước đây ra khơi đánh bắt theo kiểu mạnh ai nấy làm, khi gặp sóng to, gió lớn thì phó mặc cho số phận. Nhưng từ khi vào tổ hợp tác, sự cố trên biển không còn là nỗi ám ảnh của ngư dân. Chẳng hạn như cơn bão số 3 năm 2015, khi tàu của tôi đang đánh bắt ngoài khơi vùng biển tỉnh Cà Mau thì nhận được tin tàu trong tổ gặp nạn. Ngay lập tức, tôi kéo lưới, cho tàu mình tiếp cận chiếc tàu gặp nạn và lai dắt vào bờ an toàn…”. Anh Phan Minh Hiếu, tài công tàu 9274TS, cho hay, trước đây khi ra khơi thì tự tìm nơi đánh bắt, nên trúng - thất rất khó lường. Khi vào tổ hợp tác, mỗi lần ra khơi thường đi một đoàn 8 - 10 chiếc. Cái hay là khi trong tổ có một thành viên phát hiện được luồng cá thì đều thông báo cho cả đoàn đến khai thác; sản lượng đánh bắt cũng được tăng lên”.
Ấp Hố Bườm, xã Bình Trị có gần 200 hộ tham gia đánh bắt thủy sản. Trước đây chủ yếu tàu có công suất nhỏ khai thác gần bờ nên thu nhập không cao. Từ khi có chủ trương của Chính phủ hỗ trợ ngư dân sửa chữa, đóng mới phương tiện theo Nghị định 67, đã có hơn 60 ngư dân tiếp cận được nguồn vốn này để đầu tư trang thiết bị, nâng cấp đội tàu lớn hơn. Từ đó, ngư dân có tàu công suất từ 90CV trở lên và thành lập tổ hợp tác đánh bắt xa bờ, vừa nâng cao hiệu quả khai thác vừa gắn kết giữa ngư dân trên biển, tạo sự yên tâm để đánh bắt dài ngày. Theo ông Lữ Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trị, hiện toàn xã có trên 400 phương tiện đánh bắt thủy hải sản; trong đó, có gần trên 150 phương tiện có công suất từ 90CV trở lên, tham gia đánh bắt xa bờ. Sự liên kết trong đánh bắt hải sản đang là xu hướng tất yếu hiện nay. Kể từ khi thành lập tổ hợp tác đánh bắt thủy sản, ngư dân đã yên tâm bám biển và năng suất đạt cao hơn. Trong năm 2016, xã Bình Trị sẽ vận động hộ gia đình ngư dân có tàu công suất từ 90CV trở lên tiếp tục thành lập tổ hợp tác để cùng liên kết sản xuất, giúp đỡ nhau cùng bám biển, làm giàu lên từ nghề biển.
Việc liên kết trong đánh bắt hải sản của ngư dân ấp Hố Bườm là kết quả thiết thực nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân, tăng hiệu quả sản xuất; đồng thời, đây cũng là cách làm hay để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo…
VĨNH THUẬN