Không chỉ vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, các cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn DK1 còn là điểm tựa vững chắc, là “phao cứu sinh” của hàng ngàn ngư dân bám biển, đạp sóng nơi khơi xa. Dẫu cuộc sống vẫn còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhưng mọi lúc, mọi nơi, khi nào ngư dân cần, các anh đều có mặt để giúp sức, từ việc sơ - cấp cứu, điều trị kịp thời vết thương do tai nạn, đến từng ca nước ngọt, hạt muối, chén gạo, các anh đều sẵn lòng hỗ trợ, sẻ chia.
Kịp thời hỗ trợ
17 giờ 45 chiều 17-3-2014, trên nhà giàn DK1-15 (Phúc Nguyên), các cán bộ - chiến sĩ (CB-CS) ngồi vào bàn ăn, bắt đầu bữa cơm chiều. Trung úy Trần Hữu Trường (cán bộ thông tin - radar) vừa đưa muỗng bới cơm cho anh em trong bàn, bỗng có tiếng kêu cứu từ dưới chân nhà giàn vọng lên: “Mấy anh ơi, cứu tụi em, cứu tụi em với. Có người bị cá cắn nát tay, mất máu nhiều quá…”. Lập tức, hơn chục CB-CS, không ai bảo ai, tất cả nhanh chân đứng dậy, người chạy vào phòng phát thuốc kéo chiếc giường bệnh nhân ra ngoài, người mở tủ thuốc lấy dụng cụ cấp cứu (thuốc sát trùng, thuốc gây tê, kim chỉ, dao phẫu thuật…) ra để sẵn, người dùng ròng rọc thả dây thừng trên tầng 3 xuống chân nhà giàn, người mặc áo phao chạy xuống cầu thang…
Với sự khẩn trương hết mức có thể của các chiến sĩ, 10 phút sau, ngư dân Trương Đình Sinh (quê Quảng Nam) bị cá chình biển cắn dập mu bàn tay phải đã được đưa từ tàu cá QN-964.72TS lên nhà giàn để sơ cứu. Do mất máu quá nhiều, nạn nhân lúc này trong tình trạng bị tím tái, tay chân bị run. Y sĩ Nguyễn Thành Đại cùng với các chiến sĩ của nhà giàn DK1-15 nhanh chóng rửa vết thương, gây tê, cắt bỏ phần da tay bị dập nát, vô trùng và khâu liền vết thương. Không chỉ được sơ cứu kịp thời, tránh bị nhiễm trùng, ngư dân Trương Đình Sinh còn được các chiến sĩ nhà giàn nấu cháo cho ăn để lấy lại sức khỏe. 20 giờ tối, khi vết thương của anh Sinh không còn sưng tấy, thoát khỏi nguy cơ nhiễm trùng, các CB-CS nhà giàn DK1-15 mới trở lại bàn ăn. Cơm, canh, cá kho, rau luộc lúc này đã nguội lạnh nhưng tất cả ai nấy đều vui vẻ, ăn ngon bữa.
“Cứu giúp ngư dân là mệnh lệnh từ trái tim của người lính nhà giàn. Chúng tôi luôn xem ngư dân như anh em ruột thịt trong nhà, luôn hết mình và sẵn lòng. Không ít trường hợp ngư dân được cứu sống trong lúc nguy kịch đã gửi chút tiền cảm ơn nhưng chúng tôi không lấy. Khi đó, họ lại gửi cho con cá, mớ tôm bắt được trên biển. Vậy nên tình cảm giữa quân và dân trên vùng biển Tây Nam này luôn bền chặt bao năm qua, tàu thuyền từ đất liền ra vùng biển này đánh bắt cá ngày một nhiều hơn”, y sĩ Đại vui vẻ nói. Ngoài trường hợp ngư dân Trương Đình Sinh, thời gian qua, CB-CS hải quân nhà giàn DK1-15 và nhiều nhà giàn khác đã kịp thời sơ - cấp cứu, giúp hàng trăm ngư dân thoát khỏi cái chết cận kề. “Không ít trường hợp bị thương nặng, lại xảy ra lúc nửa đêm, việc đi lại rất khó khăn, nhưng trước sự nguy cấp của ngư dân, của đồng bào mình, anh em trên nhà giàn vẫn bơi xuồng ra đến ghe cá để hỗ trợ, cấp cứu”, y sĩ Đại cho biết.
Nhường cơm, sẻ áo
Gặp chúng tôi hôm diễn ra chương cầu truyền hình trực tiếp “Hát cùng DK1 thân yêu” trên nhà giàn DK1-15 vào cuối tháng 3 vừa qua, ngư dân Nguyễn Văn Trần, quê Phú Yên, chia sẻ: “Không chỉ bảo vệ bình yên thềm lục địa để ngư dân yên tâm đánh bắt xa bờ, các anh lính hải quân nhà giàn DK1 còn là phao cứu sinh của chúng tôi. Với tôi, lính nhà giàn như người cha, người mẹ sinh ra tôi lần thứ hai”. Quệt ngang nước mắt, ông Trần nhớ lại hôm đó - ngày 7-12-2003, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, chiếc tàu đánh cá của ông bị đánh chìm, ông cùng 3 ngư dân khác trên tàu bám được vào chiếc thuyền thúng và trôi tự do trên biển nhiều ngày, đến gần hết ngày thứ 3, tất cả đã nghĩ đến cái chết vì đói và không chống chọi được thêm nữa với sóng biển. Đúng lúc này, qua ống nhòm, các chiến sĩ của nhà giàn DK1/9 nhìn thấy. Lập tức các phương án tiếp cận để ứng cứu được các CB-CS triển khai và cứu sống được các ngư dân. “Chính nhờ có các anh lính hải quân làm điểm tựa, hơn chục năm qua, tôi vẫn kiên trì bám biển. Và tôi sẽ bám biển đến khi nào không đi nổi nữa thì thôi”, ông Trần bộc bạch.
Trên vùng biển Tây Nam, các CB-CS nhà giàn DK1 còn là “người hàng xóm” thân yêu, giàu tình nhân ái với bà con đi bạn. Tháng 3, trời nắng như đổ lửa, trên nhà giàn DK1-15, các luống rau, chậu ớt bắt đầu héo lá do khát nước tưới, “định mức” nước ngọt sử dụng của mỗi chiến sĩ nhà giàn cũng giảm từ 7 lít xuống còn 5 lít/ngày. Ấy thế nhưng, khi có ngư dân lên nhà giàn xin nước, các chiến sĩ trút ra mỗi can 1 lít để chia sẻ. Thấy ngư dân Trần Cung (62 tuổi, quê Long Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu) lên xin nước, người mặc chiếc áo rách còn dính lại ở phần vai, chiến sĩ trẻ Trần Văn Thuật (nhà giàn DK1-15) xót xa, nhanh chân vào phòng, lấy chiếc áo thun mới gia đình gửi ra đem tặng. Dẫu còn bao thiếu thốn, nhưng lính nhà giàn - điểm tựa vững chắc của ngư dân, luôn xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân.
TUẤN VŨ