Điểm tựa giữa đại dương

“Tiếp sức” giữa biển
Điểm tựa giữa đại dương

Họ là những người lính nơi biên cương, hải đảo canh giữ, bảo vệ vùng lãnh hải, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Với ngư dân, họ còn là điểm tựa vững chắc về tinh thần, vật chất mỗi lần ra khơi đánh bắt nếu thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men; là “phao cứu sinh” nếu chẳng may gặp rủi ro từ thiên tai, nhân tai hoặc ốm đau, tai nạn khi hành nghề.

Tàu cá và ngư dân bị nạn trên biển được lực lượng Hải quân Vùng 3 lai dắt vào bờ an toàn.

“Tiếp sức” giữa biển

Đã 6 năm trôi qua, ngư dân Bùi Văn Thạnh ở xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) vẫn nhớ lắm những ân tình khi chiếc thuyền thúng của ông “viếng thăm” chiếc tàu HQ 936 của Vùng 4 Hải quân đóng tại Nha Trang (Khánh Hòa) đang neo đậu tại khu vực đảo Trường Sa thực hiện chuyến công tác cuối năm đến các vị trí đảo. “Hôm đó, mặt biển mù sương, sóng lớn gối đầu nhau từng đợt, chiếc thuyền thúng bé tí tẹo từ chiếc tàu cá chèo ra bị hất tung lên ngọn sóng, lúc lại thụt sâu xuống mất hút. Vậy mà, chỉ với sợi dây cước dùng để câu cá, anh em trên tàu cá đã dùng để buộc vào thuyền thúng rồi tiến về tàu HQ 936”, ông Thạnh nhớ lại.

Khi tiếp cận được với tàu hải quân, bà con ngư dân khiêng lên hai giỏ cá nục, cá nhám, cá hố… Ngư dân Bùi Văn Thạnh ái ngại gãi đầu: “Mấy anh em đi đánh bắt hơn một tháng, dịp cuối năm, liên tục gặp không khí lạnh tăng cường nên chẳng được cá lớn, lại ít cá. Gần tết nhưng chẳng về đất liền sum họp với gia đình được, trong khi gạo và muối đã hết nên đem cá qua đổi với các anh hải quân”. Anh em trên HQ 936 khi đó lặng đi giữa tiếng gầm gừ của sóng vỗ vào mạn tàu. Không chần chừ, thuyền trưởng tàu HQ 936 lúc đó là anh Nguyễn Văn Sửu lập tức truyền lệnh cho anh em sĩ quan đem hơn 50kg gạo, 20kg muối, mấy lít nước mắm và cả các món ăn đồ hộp chuyển ngay cho các ngư dân… Những gương mặt sạm đen vì lạnh, vì gió, vì nước biển không kìm được xúc động, những cái bắt tay thật chặt trước khi trở lại chiếc thuyền thúng. Sợi dây cước mỏng manh được rút ngắn dần đưa các ngư dân trở về tàu của mình cách đó khoảng 30 - 40m… “Năm đó, sau khi được “tiếp sức”, 13 anh em trên tàu đã đánh bắt xuyên tết trên biển và trúng đậm ngày về” - ông Thạnh vui mừng nói.

Thiếu tá Trịnh Đức Linh (37 tuổi) hiện là cán bộ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa, khi còn là chỉ huy trên đảo Đá Lớn B, quần đảo Trường Sa, trong nhật ký của mình đã ghi: “Trưa nay (30 Tết), bữa cơm tất niên thật đầm ấm khi có một số ngư dân Quảng Ngãi vào chúc tết đảo và cùng ăn tất niên. Những ngư dân vì mưu sinh phải đón tết giữa biển khơi. Anh em trên đảo rất vui khi được tiếp khách thời điểm thiêng liêng như thế này. Mặc dù rất thiếu nước ngọt nhưng đảo đã giúp đỡ ngư dân 200 lít và một số thực phẩm, bánh kẹo để ngư dân đón tết. Anh em nhờ họ gửi thư để thông báo cho gia đình và người thân tình hình ăn tết đảo và công tác”.

Ngư dân là đồng đội

Đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, cách đất liền hơn 30km, nơi có đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu nhất nhì Quảng Ngãi. Hàng ngàn ngư dân của hòn đảo kiên trung giữa đại dương mênh mông này qua bao đời nay luôn ngày đêm kiên trì bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia. Là chỗ dựa tinh thần cho ngư dân trong những chuyến ra khơi, lực lượng Đồn Biên phòng 328 đảo Lý Sơn luôn nắm bắt thông tin từ mọi con tàu khi họ nổ máy rời cảng và có những khuyến khích, hướng dẫn, động viên kịp thời mỗi khi những ngư dân bị nạn.

Như bao đơn vị biên phòng miền đảo xa, nắng gió và sóng biển luôn phóng khoáng nhưng cũng ẩn chứa nhiều tai ương từ lòng biển xanh. Mặt biển chưa bình yên, địa bàn còn lắm gian nan… Xác định thế trận lòng dân chính là trận tuyến bền vững và có sức mạnh vô biên. Vì vậy bên cạnh nhiệm vụ tuần tra, bám sát địa bàn, họ gần gũi với ngư dân, coi ngư dân như “đồng đội” trên mặt trận tuần tra, bảo vệ biên cương hải đảo.

Ngư dân Dương Minh Chính, xã An Vĩnh (Lý Sơn) hồ hởi khi nói về những chiến sĩ Biên phòng 328: “Đánh cá ở nhiều ngư trường khác nhau, những chuyến đi biển dài ngày gặp bão tố nguy hiểm, nhiều khi còn bị sức ép từ những tàu cá nước ngoài, có chuyến đi biển về trắng tay. Nhưng khi có lực lượng biên phòng xuống tàu trước mỗi chuyến ra khơi thông báo tình hình, các quy định khi hành nghề trên biển, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, vững tin hơn khi lênh đênh trên biển. Vì vậy, khi phát hiện tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam, chúng tôi thông tin đến các anh. Những lúc gặp sự cố trên biển, ngư dân thông báo về, đều được giúp đỡ, hướng dẫn nhiệt tình”.

Với quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, những người lính quân hàm xanh của đồn Biên phòng 328 được coi là thế hệ tiếp nối gánh vác sứ mệnh giữ biển của đội quân biên phòng cách đây hàng trăm năm - đội Hùng binh Hoàng Sa. Các thế hệ công tác tại Đồn 328 Lý Sơn đã giành lại từ tay thần biển trong những trận bão gần 200 tàu, thuyền cùng gần 1.000 ngư dân và thủy thủ. Giữa đảo xa, trạm quân dân y kết hợp của Bộ đội Biên phòng là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Chương trình huấn luyện trên biển cho ngư dân và xây dựng mô hình mỗi tàu, thuyền là một đội dân quân trên biển đã thu hút hàng ngàn ngư dân tham gia. Nhờ có họ - những tai mắt ngày đêm dõi biển mà Bộ đội Biên phòng trên đảo Lý Sơn đã xử lý được nhiều tàu, thủy thủ và ngư dân nước ngoài xâm phạm chủ quyền đất nước.

“Khỏe rồi, nhân đây, cho tui gửi lời cảm ơn đến các anh hải quân ở đảo Song Tử Tây. Nếu các anh không đưa vào bờ kịp, có lẽ đã nằm lại biển rồi”, ngư dân Đỗ Văn Châu ở xã Bình Thạnh (Bình Sơn, Quảng Ngãi) cố nói thật to, nhắc đi nhắc lại như sợ ngoài đảo không nghe kịp… Ngày 26-6-2014, cái ngày có lẽ đến hết đời ông Châu sẽ không quên được khi chiếc tàu HQ 996 đã cập đảo Sinh Tồn để đưa ông vào đất liền cấp cứu. Nguyên do là ngày 17-6, khi đang thả câu mực thì ông Châu bị tai biến. Bạn tàu tức tốc đưa ông vào bệnh xá xã đảo Sinh Tồn trong tình trạng mất tri giác và không thể cử động. Sau gần 10 ngày được cấp cứu tại bệnh xá của đảo, bệnh nhân đã cử động được nửa người nên cán bộ chiến sĩ Hải quân đưa ông vào đất liền tiếp tục điều trị.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục