Điểm tựa pháp lý của người nghèo

Hơn 20 năm nay, Hội Luật gia quận 4 (địa chỉ 65 Nguyễn Tất Thành, phường 13 quận 4) đã trở thành chỗ dựa tin cậy về mặt pháp luật, bảo vệ quyền lợi cho người nghèo.
Điểm tựa pháp lý của người nghèo

Hơn 20 năm nay, Hội Luật gia quận 4 (địa chỉ 65 Nguyễn Tất Thành, phường 13 quận 4) đã trở thành chỗ dựa tin cậy về mặt pháp luật, bảo vệ quyền lợi cho người nghèo.

Khi người nghèo “gõ cửa”

Một ngày giữa năm 2008, Hội Luật gia quận 4 tiếp một người phụ nữ tuổi gần 60, dáng vẻ lam lũ, tên Đỗ Thị Kim Chi, đến nhờ bào chữa cho con trai. Con bà, Đặng Hùng Sơn (SN 1991) bị VKSND quận 4 truy tố về tội “cướp tài sản”, với mức hình phạt có thể đến 3 năm tù giam.

Chồng mất sớm, bà phải tảo tần làm việc để nuôi anh em Sơn (Sơn là con lớn, em gái Sơn bị bệnh tim bẩm sinh) nên không có nhiều thời gian quan tâm, dạy dỗ con. Từ đó, Sơn bị bạn bè xấu rủ rê tham gia vào băng nhóm trấn lột, cướp xe đạp của các em học sinh và bị bắt giữ.

Gia cảnh khó khăn, bà tìm đến Hội Luật gia quận 4 với hy vọng sẽ được tư vấn xin cho con giảm một phần mức án. Cuối cùng, với nhiều tình tiết giảm nhẹ, Sơn chỉ bị tuyên 9 tháng tù giam.

Bà Chi xúc động nói: “Nếu không có sự tư vấn và hướng dẫn của những luật sư ở Hội Luật gia, không biết giờ này con tôi ra sao, đến khi nào mới có cơ hội được trở về với gia đình để tiếp tục đi học, làm lại cuộc đời”.

Trong câu chuyện về những thân chủ nghèo của mình, các luật sư, luật gia ở Hội Luật gia quận 4 không thể quên được trường hợp của ông Nguyễn Văn Công (SN 1962). Hơn 2 năm trước, ông Công tìm đến hội nhờ đòi lại công bằng cho cái chết thảm của con trai ông là anh Nguyễn Công Bình.

Vì ngăn cản một trận ẩu đả ở khu phòng trọ gần nhà, anh Bình bị Mai Văn Thái cầm dao inox đâm liên tiếp vào sườn và ngực trái, khiến anh chết trên đường đưa đi cấp cứu.

Luật sư Nguyễn Văn Mót, người trực tiếp đứng ra nhận vụ án này nhớ lại: “Lần đầu gặp ông Nguyễn Văn Công, nghe ông kể về hoàn cảnh, tôi thấy rất xót xa. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, có đứa con trai làm chỗ dựa lúc tuổi già thì bị chết oan.

Vì vậy, dù ông không cư ngụ trên địa bàn quận 4 và cũng không có đầy đủ giấy tờ để chứng minh mình thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định nhưng chúng tôi vẫn quyết định giúp ông kháng cáo lên tòa án cấp trên, đòi lại công bằng cho người đã chết”.

Kết quả, TAND TPHCM đã xử phạt Mai Văn Thái mức án 13 năm tù giam về tội “Giết người”, các đồng phạm của Thái cũng nhận hình phạt thích đáng.

Luật sư Trần Thúc Linh của Hội Luật gia quận 4 đang tư vấn pháp luật cho người dân.

Luật sư Trần Thúc Linh của Hội Luật gia quận 4 đang tư vấn pháp luật cho người dân.

Trợ giúp và tuyên truyền pháp luật

Được thành lập từ năm 1989, đến nay Hội Luật gia quận 4 đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho những người nghèo cần được giúp đỡ về mặt pháp luật không chỉ ở quận 4 mà còn ở những khu vực khác.

Mỗi khi có người e ngại hỏi rằng cứ tư vấn, bào chữa miễn phí hoài thì lấy đâu ra thu nhập, luật sư Trần Văn Nhơn, Chủ tịch Hội Luật gia quận 4, chỉ cười và nói: “Hoạt động với mục đích giúp đỡ về mặt pháp lý cho người nghèo thì không thể tính chuyện lời lỗ. Ngoài việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo, chúng tôi còn nhận tư vấn cho các đối tượng khác. Tuy vậy, anh em vẫn luôn bảo nhau, phải gắng sức nhiều hơn nữa, cố gắng làm thật tốt nhiệm vụ chính của mình là giúp đỡ cho những người nghèo bất hạnh”.

Các năm qua, các luật sư, luật gia của hội quận 4 đã tư vấn và bào chữa miễn phí hàng trăm vụ án, góp phần bảo vệ quyền lợi cho nhiều người nghèo. Những ngày đảm nhận công việc ở đây, các thành viên của hội hiểu hơn về những thiệt thòi của người nghèo. Do thiếu vốn kiến thức pháp luật, họ không thể bảo vệ được chính mình trước những tình huống liên quan đến pháp luật dù là nhỏ nhất.

Thêm vào đó, vì hoàn cảnh, vì thiếu hiểu biết mà nhiều người nghèo dễ bị đưa đẩy vào con đường phạm pháp. Chính vì vậy ngoài việc trợ giúp pháp lý miễn phí, các thành viên trong hội còn kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật cho người nghèo, đặc biệt là các đối tượng có tiền án tiền sự ở địa phương.

Luật sư Nguyễn Văn Mót, người có thâm niên trong công tác tuyên truyền pháp luật kể: “Ban đầu cũng khó khăn lắm, để tập hợp những đối tượng từng phạm pháp, có tiền án tiền sự ngồi nghe mình tuyên truyền về pháp luật là cả một vấn đề. Nhưng dần dần tôi nhận ra rằng đây là đối tượng cần được chú ý tuyên truyền nhất, bởi họ là đối tượng dễ tái phạm.

Tôi đã gặp nhiều trường hợp rất “hồn nhiên” khi phạm tội. Đến khi bị tuyên án về các hành vi như cố ý gây thương tích hay cướp tài sản thì họ mới ngỡ ngàng thanh minh rằng: “nó đánh tôi thì tôi đánh lại”, “nó thiếu nợ tôi thì tôi xiết nợ”.

Do đó, tuyên truyền pháp luật là hoạt động không thể thiếu của hội nhằm góp phần hạn chế những trường hợp phạm tội vì thiếu kiến thức pháp luật đáng tiếc như trên.

THANH AN

Tin cùng chuyên mục