Các đảo ở Thái Bình Dương - trong đó có Guam, Hawaii và Kwajalein - hầu như không có nguồn nhiên liệu hóa thạch tại địa phương đủ cho người bản xứ tiêu dùng và càng không thể đáp ứng nhu cầu cho các cơ sở quân sự của Mỹ. Những đảo này chỉ dựa vào dầu mỏ nhập khẩu.
Các chỉ huy quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương cũng từng cảnh báo tình trạng thiếu khả năng tái trang bị và tiếp nhiên liệu trong trường hợp xảy ra xung đột. Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đã đề xuất tài trợ 1,02 tỷ USD để cải thiện các thiết bị hậu cần, bảo trì và chuẩn bị trước cho Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương (PDI). Yêu cầu được đưa ra vào tháng 4-2022 như một phần trong ngân sách tài khóa 2023, dự kiến 27,1 tỷ USD cho PDI tổng thể đến năm 2027.
Ông Eric Sayers, cựu cố vấn cấp cao Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng, quyết định của Lầu Năm góc hồi tháng 3 về việc đóng cửa cơ sở lưu trữ nhiên liệu số lượng lớn Red Hill tại Trân Châu cảng (Hawaii) vì các vấn đề ô nhiễm nguồn nước mà không có kế hoạch rõ ràng để cấp vốn và tái thiết chỉ làm tăng thêm những thách thức hậu cần hiện có.
Nói trước Quốc hội Mỹ, ông Sayers khẳng định: “Ukraine nhắc nhở chúng ta rằng, nếu không có một hạm đội hậu cần chiến đấu mạnh mẽ cho Hải quân, tiếp nhiên liệu trên không và thang máy hạng nặng, chúng ta sẽ không thể duy trì và thay đổi sức mạnh chiến đấu”, đồng thời yêu cầu cơ quan lập pháp nên quan tâm nhiều hơn tới vấn đề nhiên liệu của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.