Diễn đàn kinh tế thế giới 2015: Tìm ý tưởng phát triển mới

Ngày 21-1, hàng ngàn lãnh đạo doanh nghiệp, chính trị gia, chuyên gia kinh tế và các nhà báo đã tới Davos (Thụy Sĩ) để tham dự hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 45 với việc thảo luận biện pháp tháo gỡ những thách thức hiện nay và tìm ra những ý tưởng phát triển mới cho nền kinh tế thế giới.
Diễn đàn kinh tế thế giới 2015: Tìm ý tưởng phát triển mới

Ngày 21-1, hàng ngàn lãnh đạo doanh nghiệp, chính trị gia, chuyên gia kinh tế và các nhà báo đã tới Davos (Thụy Sĩ) để tham dự hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 45 với việc thảo luận biện pháp tháo gỡ những thách thức hiện nay và tìm ra những ý tưởng phát triển mới cho nền kinh tế thế giới.

Nhiều vấn đề nóng sẽ được thảo luận tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) 2015. Trong ảnh: Các diễn giả tham gia WEF 2014

Đôi chút lạc quan

Với chủ đề Bối cảnh toàn cầu mới, chương trình nghị sự năm nay gồm 280 phiên họp thảo luận về nhiều vấn đề, từ tăng trưởng kinh tế, hợp tác phát triển, xung đột địa chính trị đến dịch bệnh, an ninh lương thực... Kinh tế thế giới đang dần thoát khỏi giai đoạn suy thoái, trong đó nền kinh tế Mỹ dẫn đầu về tốc độ phục hồi. Cuộc khủng hoảng ở châu Âu đã dịu bớt với nợ của các hộ gia đình đang có chiều hướng giảm.

Một số quốc gia, đặc biệt là Tây Ban Nha, Ireland và Latvia, đã đạt được những tiến bộ đáng kể về cải cách cơ cấu, khôi phục tài chính công và hệ thống ngân hàng. Thâm hụt tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng có thể sẽ giảm xuống dưới mức 3% vào năm 2015.

Giới phân tích cho rằng việc giá dầu giảm và các ngân hàng trung ương giữ lãi suất thấp, thậm chí tung ra các gói kích thích kinh tế, sẽ tạo cơ hội cho tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, với chính sách tiền tệ toàn cầu không đồng bộ, như những biến động của đồng franc (Thụy Sĩ) trước thời điểm diễn ra WEF, cũng có thể tạo ra sự bất ổn trên thị trường tiền tệ, nhất là đối với các nền kinh tế mới nổi.

Khó khăn có thực

Cũng như thời điểm diễn ra Davos 2014, những lo ngại về rủi ro kinh tế kinh niên như tình trạng thiếu việc làm, các cuộc khủng hoảng tài chính... không hề giảm bớt trong giới chính trị gia, các nhà kinh tế và giới kinh doanh hiện đang tập trung tại Davos. Trước khi Davos diễn ra vài ngày, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2015 ở mức 3,5%, giảm 0,3% so với dự đoán được tổ chức này đưa ra trước đó.

Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhận xét, một số nền kinh tế chủ chốt vẫn còn phải vật lộn với tình trạng giảm phát và hơn 200 triệu người thất nghiệp. Các nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ bị mắc kẹt trong một giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài và ít tạo thêm được việc làm.

Theo ông Dominic Waughray, phụ trách lĩnh vực Đối tác công-tư của WEF, hỗ trợ triển vọng tăng trưởng kinh tế trong tương lai - cho dù ở các nước công nghiệp hay các nước đang phát triển - sẽ thành công hơn nếu chú trọng đến việc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu. Đầu tư vào hệ thống hạ tầng đô thị, giảm lượng khí thải hoặc tăng cường khả năng phục hồi trước những rủi ro khí hậu sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong khi nhiều nước vẫn phải nỗ lực phục hồi động lực tăng trưởng, các cuộc thảo luận khác lại xoay quanh việc tái phân phối của cải. Bất bình đẳng được cho là đe dọa tiến trình chống nghèo đói trên thế giới, ảnh hưởng đến sự đoàn kết dân tộc và mục tiêu dân chủ. Chính phủ các nước cần điều chỉnh nhằm mang lại lợi ích cho tất cả các nhóm trong xã hội. 

Ngoài ra, các rủi ro địa chính trị, an ninh, sức khỏe cũng là những vấn đề đáng quan ngại, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây ở mức tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, dịch bệnh Ebola bùng phát ở Tây Phi, vấn đề vũ khí hạt nhân ở một số quốc gia và các vụ tấn công đẫm máu vừa xảy ra ở Pháp.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự WEF 2015 nhằm tìm hiểu, thảo luận với các nhà lãnh đạo thế giới về các vấn đề kinh tế, chính trị toàn cầu; thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua các nội dung trao đổi, thảo luận tại hội nghị, các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc song phương bên lề.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục