Diễn đàn xuất khẩu 2014 tại TPHCM: Định hướng thị trường và sản phẩm xuất khẩu

Ngày 12-9 tới, tại Trung tâm hội nghị White Palace, TPHCM sẽ diễn ra Diễn đàn xuất khẩu 2014 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức. Với chủ đề “Định hướng thị trường và sản phẩm xuất khẩu”, diễn đàn sẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) Việt Nam tìm hiểu các thị trường xuất khẩu tiềm năng, nắm bắt xu hướng và yêu cầu từ thị trường nhập khẩu, từ đó đưa ra chiến lược thâm nhập thị trường và định hướng sản phẩm xuất khẩu phù hợp để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Diễn đàn xuất khẩu 2014 tại TPHCM: Định hướng thị trường và sản phẩm xuất khẩu

Ngày 12-9 tới, tại Trung tâm hội nghị White Palace, TPHCM sẽ diễn ra Diễn đàn xuất khẩu 2014 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức. Với chủ đề “Định hướng thị trường và sản phẩm xuất khẩu”, diễn đàn sẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) Việt Nam tìm hiểu các thị trường xuất khẩu tiềm năng, nắm bắt xu hướng và yêu cầu từ thị trường nhập khẩu, từ đó đưa ra chiến lược thâm nhập thị trường và định hướng sản phẩm xuất khẩu phù hợp để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Theo kế hoạch, diễn đàn sẽ do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, đồng chủ trì. Các diễn giả tham dự, gồm: Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội - TS Trần Du Lịch, đại diện các vụ và hiệp hội trong nước và nước ngoài, cùng 150 DN.

Người dân Campuchia dùng thử và chọn mua trái cây, củ quả sấy khô của Công ty TNHH XNK Nhà Bè tại Hội chợ thương mại Việt Nam - Campuchia. Ảnh: HẢI HÀ

Tại đây, lãnh đạo Bộ Công thương và các diễn giả trong và ngoài nước sẽ cùng bàn luận về tình hình kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực hiện nay. Những thông tin mới về thị trường thế giới, những sản phẩm đang có nhu cầu tại các nước, để DN định hướng sản xuất, kinh doanh, đồng thời hoạch định chiến lược xuất khẩu đến những thị trường tiềm năng cũng sẽ được đề cập tại diễn đàn. Bên cạnh đó, Bộ Công thương, các tham tán thương mại, các diễn giả và DN sẽ trao đổi về những thuận lợi và khó khăn đối với một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới, khi nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương đã ký kết hoặc đang được đàm phán sẽ ký kết trong thời gian tới.

Theo Bộ Công thương, xuất khẩu của cả nước tuy vẫn tăng trưởng, nhưng liên tiếp đối mặt với những khó khăn mới từ tình hình chính trị - kinh tế thế giới, từ rào cản thương mại và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với hàng hóa của các nước, gây không ít trở ngại cho DN tăng sản lượng cũng như doanh thu xuất khẩu. Chính phủ và các bộ, ngành tích cực mở ra những cơ hội mới cho xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua tham gia các hiệp định song phương và đa phương về thương mại đã ký kết và đang đàm phán để ký kết trong thời gian tới.

Để Diễn đàn xuất khẩu 2014 mang đến kết quả thiết thực cho DN, ITPC đã thực hiện gần 20 cuộc gặp gỡ, trao đổi với các hiệp hội DN, hội chuyên ngành, tổng công ty và ghi nhận tình hình xuất khẩu cùng những phản ánh, đề xuất của DN. Theo các DN, nhiều ngành hàng xuất khẩu đang tăng trưởng tốt như dệt may, da giày, đồ gỗ… nhưng công nghiệp phụ trợ đến giờ vẫn kém, nên DN sẽ không tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại sắp tới. Chính phủ đã ban hành một số chính sách thuế hầu giảm bớt khó khăn cho DN, nhưng lại không tháo gỡ khó khăn ở nguyên liệu đầu vào thì chi phí không bù đắp được trong sản xuất. Chính phủ và các bộ, ngành đã có những điều chỉnh cũng như ban hành nhiều quy định, chính sách mới để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN sản xuất hàng xuất khẩu, tuy nhiên có những quy định mới không phù hợp thực tế, lại trở thành rào cản cho DN. Tình trạng cầu, đường không đồng bộ, thay đổi biển báo tải trọng ở một số cầu, lập thành những “bẫy giăng” DN trên các tuyến đường vận chuyển nguyên liệu sản xuất cũng như hàng ra cảng xuất khẩu. DN vận tải muốn đưa xe container vào cảng Tân Thuận 2 (TPHCM) không thể đi thẳng qua cầu tải trọng chỉ 13 tấn, buộc phải thuê đường qua Khu chế xuất Tân Thuận, chi phí thêm khoảng 2.500 - 3.000 đồng/tấn, thông quan hàng hóa khó khăn. Ngay cả nguồn vốn cho sản xuất, DN cũng không dễ tiếp cận. Một số thị trường DN quan tâm như Đông Âu, Nhật, UAE có tiềm năng xuất khẩu, nhưng chính sách nhập khẩu của các nước không ổn định, hay áp dụng luật mới, tăng thêm danh mục những loại nông dược, kháng sinh phải kiểm soát đôi khi không thông báo trước, cấm tạm thời nhập khẩu không cho biết hạn định, rồi lại dở bỏ quy định không cần báo trước, nên DN bị động…

Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Giám đốc ITPC cho biết, những phản ánh và ý kiến đề xuất của DN được ITPC tổng hợp gửi đến Bộ Công thương và các bộ, ngành. Đại diện các vụ thị trường nước ngoài, tham tán Việt Nam tại nước ngoài, đại diện thương mại nước ngoài tại Việt Nam sẽ giải đáp trực tiếp những thắc mắc của DN, cung cấp thêm nhiều thông tin thị trường, hỗ trợ nhu cầu tìm kiếm đối tác xuất khẩu của DN.

NGUYỆT HỒNG

Tin cùng chuyên mục