Điện mặt trời cho Trường Sa: Dòng điện nghĩa tình

Điện mặt trời cho Trường Sa: Dòng điện nghĩa tình

Nguồn năng lượng chính của quần đảo chủ yếu dựa vào các máy phát diesel phân tán. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, công tác tiếp tế nguồn nhiên liệu phát điện cho đảo thường xuyên bị gián đoạn. Vì vậy, làm thế nào để tận dụng điều kiện tự nhiên tại đây để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đảm bảo nguồn điện cung cấp cho khu vực Trường Sa được duy trì liên tục là việc làm hết sức cấp thiết. Trước nhu cầu đó, Trung tâm Nghiên cứu phát triển năng lượng mới TPHCM (Solarlab) đã triển khai đầu tư năng lượng mặt trời cho quần đảo này. Điều đáng mừng là dự án điện mặt trời đã triển khai thành công.

Nỗ lực để ước mơ thành hiện thực

Điện mặt trời cho Trường Sa: Dòng điện nghĩa tình ảnh 1

Mạng Madicub Trung tâm 3000Wp thử nghiệm tại Cam Ranh.

Trường Sa vốn được mệnh danh là “Quần đảo bão tố” nhưng cũng chính yếu tố đó mà nơi đây lại ẩn chứa tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời, gió và thủy triều. Trước thực tế đó, cuối năm 2006 lãnh đạo TPHCM quyết định hỗ trợ đầu tư xây dựng dự án năng lượng mặt trời cho Trường Sa.

Và một dự án về nguồn điện mặt trời với tổng công suất 4KWp cho hai ứng dụng cấp điện tập trung cho đảo lớn Trường Sa và cấp điện cho một đảo nổi đã ra đời. Theo đó, dự án bao gồm hai thiết kế: mạng điện cục bộ trung tâm 3KWp cho đảo lớn Trường Sa (Madicub 3000) và mạng điện cục bộ phân tán 1KWp cho đảo nổi (Madicub 1000).

Điều đáng nói là trong thiết kế của Solarlab hướng vào sử dụng công nghệ nội sinh “Made in Việt Nam”. Công nghệ này không chỉ có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế mà còn thuận lợi cho công tác bảo hành bảo trì hệ thống sau này. Do đó, ngoại trừ các module pin mặt trời có tuổi thọ cao trên 30 năm nhập từ Solarworld (CHLB Đức) và Kyocera (Nhật Bản), các thiết bị còn lại đều là sản phẩm chế tạo tại Việt Nam.

Điện mặt trời cho Trường Sa: Dòng điện nghĩa tình ảnh 2

Hệ thống Madicub Trường Sa.

Tuy nhiên, thực tế triển khai dự án đã gặp nhiều khó khăn ngoài dự kiến. Trong đó, nan giải nhất là việc chống ăn mòn của khí hậu muối biển. Để tháo gỡ khó khăn này, Solarlab quét phủ lớp dung dịch INOCO cho hệ thống giàn giá thép đỡ pin mặt trời. Dung dịch này sẽ hoạt hóa với thép tạo lớp vỏ bọc bền vững trước khí hậu biển.

Sau đó là 3 lớp sơn Hải quân - loại sơn đặc chủng dùng sơn tàu biển có tác dụng chống hà chống sét và kéo dài tuổi thọ của giàn giá thép. Hơn nữa, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM còn quyết định phủ bọc thêm lớp composit bên ngoài để có thể tăng cường tối đa tuổi thọ của khung thép. Riêng với các hệ thống điện tử việc bảo vệ khó khăn hơn nhiều.

Sau khi kiểm định chất lượng máy ổn định, các bo điện tử trong máy được tẩm phủ một lớp verni cách điện, tỏa nhiệt tốt đảm bảo các mối hàn, linh kiện điện tử không bị khí hậu muối biển “tấn công ăn mòn”. Phương pháp này bảo vệ khá hiệu quả tuy nhiên sau khi tẩm phủ lớp verni, bo điện tử không còn khả năng sửa chữa hoặc thay linh kiện, chỉ có thể thay nguyên bo theo dạng module. Những hạn chế này đã được tính toán để cung cấp một số lượng thay thế tại chỗ đảm bảo sự hoạt động lâu dài của hệ thống.

Quần đảo của bão tố và dòng điện của tình người

Các đơn vị thi công còn xây dựng cả chương trình huấn luyện kỹ thuật cho lực lượng kỹ thuật Hải quân vùng 4 và các chiến sĩ ngoài quần đảo trực tiếp sử dụng thiết bị, chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc “vượt biển” đưa dòng điện mặt trời đến với Trường Sa - dòng điện nghĩa tình của nhân dân TPHCM. Và kết quả thật bất ngờ, sau hơn một tháng vật lộn với gian truân nơi đầu sóng ngọn gió, dòng “điện mặt trời nghĩa tình” đã bừng sáng trên đảo Trường Sa Lớn trong niềm hân hoan của toàn đảo.

Không dừng lại đó, Sở KH-CN TPHCM còn cho thử nghiệm cả điện gió cho quần đảo những mong tìm được câu trả lời chính xác về một nguồn điện thích hợp nhất cho quần đảo tiền tiêu và quan trọng này của Tổ quốc. Cho dù chưa phải là một giải pháp tổng thể về năng lượng cho Trường Sa, song nghĩa cử này của TPHCM sẽ hỗ trợ Trường Sa giải quyết một phần nhu cầu cấp bách về năng lượng. Chúng ta có quyền hy vọng trong một tương lai gần, Trường Sa sẽ đủ điều kiện với một công nghệ tổ hợp điện hoàn chỉnh từ các nguồn năng lượng mới đầy tiềm năng sẵn có tại chỗ - năng lượng mặt trời, sóng biển, thủy triều và gió. 

HÀ LONG

Tin cùng chuyên mục