Điện Mặt trời - nguồn sáng hữu ích

Với công suất nhỏ, tiện dụng, điện Mặt trời (ĐMT) lắp trên mái nhà không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mà còn góp phần giảm áp lực về đầu tư nguồn điện, giảm ô nhiễm môi trường.
 Nhiều hộ gia đình ở TPHCM sử dụng bồn nước nóng năng lượng Mặt trời để tiết kiệm điện Ảnh: Huy Anh
Nhiều hộ gia đình ở TPHCM sử dụng bồn nước nóng năng lượng Mặt trời để tiết kiệm điện Ảnh: Huy Anh
Kỷ nguyên thông tin thông minh làm tăng đột biến nhu cầu sử dụng điện năng nên chúng ta phải tìm cách tạo nguồn năng lượng mới và việc phát triển điện năng bằng năng lượng Mặt trời được kỳ vọng sẽ giảm bớt sức ép của môi trường và tiêu thụ năng lượng. Với công suất nhỏ, tiện dụng, điện Mặt trời (ĐMT) lắp trên mái nhà không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mà còn góp phần giảm áp lực về đầu tư nguồn điện, giảm ô nhiễm môi trường.
Nhiều tiềm năng
Theo đánh giá của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng Mặt trời nhiều nhất trong bản đồ bức xạ thế giới. Trung bình, tổng bức xạ năng lượng Mặt trời ở nước ta dao động từ 4,3 - 5,7 triệu kWh/m2. Ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ, số giờ nắng khá cao, đạt từ 2.000 -2.600 giờ/năm. Bức xạ Mặt trời trung bình 150kcal/m2 chiếm khoảng 2.000 - 5.000 giờ/năm, với ước tính tiềm năng lý thuyết khoảng 43,9 tỷ TOE. Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đưa ra triển vọng và đặt kế hoạch khai thác được khoảng 850MW ĐMT vào năm 2020, nâng lên 4.000MW vào năm 2025 và có thể khai thác khoảng 12.000MW vào năm 2030. 
Tại TPHCM, tiềm năng để phát triển ĐMT cũng rất lớn. Cường độ bức xạ trung bình ở TPHCM  khoảng 5kWh/m2/ngày và số ngày nắng trung bình 300 ngày/năm. Thời gian qua, TPHCM cũng đã triển khai dự án ĐMT nối lưới cho các hộ gia đình, doanh nghiệp và một số công trình xây dựng ở trung tâm thành phố, được người dân và các chủ doanh nghiệp đánh giá hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích. 
Theo tính toán của ông Diệp Bảo Cánh, Tổng Giám đốc Công ty Mặt Trời Đỏ, với mỗi mái nhà có diện tích khoảng 50 - 60m2 là có thể lắp đặt các tấm pin Mặt trời công suất 3 - 4kWp. Với công suất 3kWp, ĐMT sẽ cho ra sản lượng điện 360kWh/tháng. Giá lắp đặt trọn bộ công suất 3kWp khoảng 70 triệu đồng, ước tính mỗi gia đình tiết kiệm được 1,2 - 1,4 triệu đồng/tháng và chỉ sau 5 năm có thể thu hồi vốn, tuổi thọ tấm panel ĐMT lên tới 25 năm. Cũng theo ông Cánh, nếu trước đây, ĐMT được xem là nguồn năng lượng xa xỉ do suất đầu tư cao, thì hiện nay, với sự phát triển mạnh của khoa học công nghệ, suất đầu tư đã giảm và được nhiều gia đình, doanh nghiệp sử dụng, mang lại hiệu quả. Trên thực tế, ĐMT lắp mái hòa mạng đã được triển khai và chứng minh tính hiệu quả. Đơn cử như trang trại bò sữa của Vinamilk (Lâm Đồng), hệ thống ĐMT sản xuất hơn 58.400KWh/năm, ngoài việc cung cấp điện năng cho chăn nuôi, mỗi năm còn giảm thiểu hơn 35 tấn lượng khí thải nhà kính ra môi trường hay hệ thống ĐMT tại tòa nhà Thành ủy TPHCM, hàng năm hệ thống thu được trung bình hơn 16MWh, góp phần giảm thiểu gần 12 tấn lượng khí thải nhà kính ra môi trường. Tương tự là hệ thống ĐMT tại Viện Môi trường và Tài nguyên TPHCM, sản xuất hơn 70MWh/năm, giảm thiểu hơn 50 tấn lượng khí thải nhà kính. 
Đa lợi ích 
Theo các chuyên gia, ưu điểm của hệ thống ĐMT là cấu trúc rất đơn giản, chi phí đầu tư và kiểm tra bảo dưỡng thấp, độ bền cao. Giảm lượng điện năng tiêu thụ từ lưới vào ban ngày và có nguồn thu từ việc bán điện dư lên lưới. Giảm được gánh nặng cho lưới điện quốc gia vào mùa khô và giờ cao điểm. Điện lắp mái dễ dàng đầu tư, lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng; không tốn diện tích đất mà còn giúp ngôi nhà mát hơn vào mùa hè. Ngoài ra, khách hàng lại được hưởng tiền chênh lệch từ giá mua bán điện, nghĩa là mua điện theo giá bậc thang quy định và bán điện với cơ chế giá ưu đãi. Còn về phía Nhà nước, ngành điện giảm được gánh nặng tài chính để đầu tư xây dựng thêm nguồn điện, địa phương không lo quy hoạch đất cho năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, khi sử dụng năng lượng sạch như ĐMT sẽ giảm nhiều khí thải nhà kính ra môi trường, hạn chế sự nóng lên của Trái đất, gây biến đổi khí hậu. Để nâng cao hơn nữa công suất lắp ĐMT, các chuyên gia cũng kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân cũng như các chủ doanh nghiệp về những lợi ích có được từ việc đầu tư ĐMT. Đặc biệt, cần chỉ đạo, vận động các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, trường học, bệnh viện… chủ động xây dựng kế hoạch trang bị lắp đặt hệ thống ĐMT nối lưới tại tòa nhà của đơn vị. 
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quyết định số 11/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam; trong đó quy định cụ thể về thuế, giá bán ĐMT. Mức giá được ban hành hiện nay là 9,35 cent/kWh, nếu so với thế giới, được xếp vào loại trung bình. Tuy nhiên, đây sẽ là động lực thúc đẩy phát triển ĐMT tại Việt Nam mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, đặc biệt là khu vực phía Nam. Ông Diệp Bảo Cánh cho biết thêm, Bộ Công thương cũng đã có những hỗ trợ rất cần thiết để phát triển ĐMT như các cơ quan, xí nghiệp, văn phòng có thể lắp đặt dưới 1MWp mà không cần xin bổ sung quy hoạch điện lực và giấy phép bán điện. Công ty điện lực địa phương sẽ lắp đặt đồng hồ điện 2 chiều cho khách hàng có lắp đặt ĐMT nối lưới. ĐMT nối lưới theo cơ chế bù trừ điện năng. Tức ưu tiên sử dụng ĐMT, nếu không đủ sẽ dùng điện lưới; khi ĐMT dư, đồng hồ sẽ quay ngược. Cuối năm, đồng hồ chỉ số âm thì EVN sẽ trả tiền cho khách hàng theo giá 9,35cent/kWh, tương đương 2.100 đồng/kWh.

Tin cùng chuyên mục