
Chắc hẳn mỗi doanh nghiệp (DN), người dân trên cả nước vẫn chưa quên cơn khát điện diễn ra trong tháng 4 và 5 vừa qua. Chỉ tính riêng trên địa bàn TPHCM thiếu gần 90 triệu kWh điện. Người dân cũng như DN phải thực hiện triệt để các biện pháp tiết kiệm điện, nhưng vẫn không tránh được tình trạng cúp điện luân phiên. Lý do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra là: nguồn nước về các hồ chứa nước thủy điện bị kiệt, không đủ công suất cho các nhà máy thủy điện hoạt động. Nhưng ngay khi trên cả nước đã xuất hiện mưa, lượng nước về các hồ thủy điện đủ thì EVN lại tiếp tục thông báo thiếu điện... Vậy đến bao giờ điệp khúc thiếu điện mới… chấm dứt?
Người dân phập phồng, doanh nghiệp lo lắng

Công ty cổ phần Văn hóa Tân Bình đã bị nhiều thiệt hại trong đợt cúp điện tháng 4 và 5-2007. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Chị Hà Thị Anh Thư, ấp Tân Túc, Tân Kiên, huyện Bình Chánh, lắc đầu chán nản, người dân ở khu vực này đa số canh tác hoa màu. Đợt thiếu điện trước làm người dân nơi đây điêu đứng do không bơm được nước tưới cho rau.
Ngành điện nói có thông báo trước, nhưng người dân thì không thấy đâu. Và hậu quả là người dân chịu thiệt. Ông Nguyễn Văn Trà, xã Bà Điểm huyện Hóc Môn cho biết thêm, tháng 4 và 5 vừa qua, trung bình cúp điện 2 lần/tuần. Nhiều người dân đã phải tranh thủ thức đêm để tưới rau, khổ muốn chết, giờ lại tiếp tục cúp nữa…
Còn về phía các DN thì không khỏi bức xúc khi trao đổi với chúng tôi. Anh Nguyễn Trung Thành, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty cổ phần Nhựa Trường Thịnh cho biết, dây chuyền sản xuất của công ty chủ yếu là sử dụng điện với công suất lớn nên không có máy phát điện nào có thể thay thế được. Do đó, trong tháng 4 và 5 mỗi lần bị cúp điện, công suất hoạt động của công ty giảm mỗi ngày 2/3 nên bị trễ hợp đồng giao hàng với Công ty Mỹ phẩm ICB và đã bị phạt 10 triệu đồng.
Tương tự, đại diện Công ty cổ phần Văn hóa Tân Bình cho biết, công nhân của công ty được chia làm việc cả 3 ca/ngày nên mỗi lần cúp điện buộc phải ngừng sản xuất chứ không thể sắp xếp làm bù vào ngày khác. Việc cúp điện luân phiên xảy ra thời gian qua đã làm công ty phải bồi thường hợp đồng cho một số đối tác là khách hàng nước ngoài vì giao hàng không đúng thời hạn. Ông Nguyễn Đức Phương, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Bình Đông Hưng bức xúc, mặc dù đã bố trí công nhân làm bù thời gian những ngày bị cúp điện, nhưng công ty vẫn bị mất hàng tỷ đồng vì bị phạt hợp đồng giao hàng trễ. Đã vậy, mới đầu tháng 7-2007, công ty lại tiếp tục nhận được lịch cúp điện.
EVN và điệp khúc “tại vì”
Đợt thiếu điện tháng 4 và 5, EVN đã đưa ra hàng loạt lý do rất thuyết phục như: do vào thời điểm mùa khô nên lượng nước về các hồ luôn ở mực nước chết, không đảm bảo công suất hoạt động cho các nhà máy thủy điện; tình trạng nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao kéo theo phụ tải tăng; nguồn điện sản xuất thấp hơn nhu cầu sử dụng nên phải thực hiện cắt điện luân phiên.
Một trong những đối tượng được liệt vào đầu danh sách sẽ bị cắt điện đó là điện sinh hoạt; kế đến là văn phòng, cơ quan hành chính sự nghiệp và hoạt động sản xuất sau cùng... Tuy nhiên, do có rất nhiều DN vừa và nhỏ nằm xen kẽ trong các khu dân cư nên DN vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thiệt hại về kinh tế từ việc cúp điện gây ra rất lớn, nhưng họ chỉ biết kêu trời. Chưa kể nhiều DN lớn cũng bị phạt hợp đồng vì giao hàng trễ nhưng không thể thanh minh với các đối tác là do nguồn điện cung cấp trong nước bị thiếu.
Nhưng việc thiếu điện không dừng lại ở đó. Một lần nữa người dân, tổ chức, DN lại tiếp tục nhận được thông báo thiếu điện với những lý do khác. Cụ thể là các hồ thủy điện đều đã có nước về, song lại đang trong quy trình chống lũ, phải xả nước nên sẽ không đảm bảo công suất thiết kế cho các nhà máy thủy điện hoạt động; hệ thống cung cấp khí Nam Côn Sơn và một số nhà máy thủy điện phải ngừng hoạt động để sửa chữa, bảo trì.
EVN hứa sẽ cố gắng ở mức cao nhất để đảm bảo điều tiết các nguồn điện hợp lý, tránh nguy cơ phải cắt điện diện rộng. Tuy nhiên, ngay trong phương án đảm bảo nguồn điện cung cấp của EVN cũng không ổn. EVN cho biết các tổ máy bằng nhiên liệu dầu chỉ hoạt động khoảng 50% công suất so với chạy bằng khí. Chưa hết, nguy cơ thiếu điện càng trở nên căng thẳng hơn khi ngày 21-6, tổ máy số 1 Thủy điện Sê San 3A xảy ra sự cố và làm hệ thống điện mất đột ngột hơn 50MW, nhưng EVN lại không có nguồn dự phòng. Làm sao có thể đảm bảo trong khoảng thời gian ngừng cung cấp khí Nam Côn Sơn, lại không có sự cố điện cụm phát điện khác. Và khi đó, khả năng cắt điện là khó tránh khỏi.
Vậy ai sẽ là người phải bồi thường thiệt hại về kinh tế cho người dân và DN? Có lẽ đã đến lúc phải đặt trách nhiệm ngành điện trước những thiệt hại về kinh tế của cộng đồng.
Minh Khôi