“Sở hữu” gần 40 đối tượng tâm thần và tâm thần đặc biệt nguy hiểm, xã vùng cao Tiên Hiệp là nơi có mật độ bệnh nhân tâm thần “dày” nhất nhì huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam). Bệnh nhân tâm thần không được nuôi dưỡng lâu dài tại trung tâm hoặc cơ sở y tế, nên mỗi khi bị trả về lại địa phương, an ninh trật tự bị đe dọa. Người dân bất an, trong khi chính quyền thì quá mệt mỏi và “điên” đầu vì bất lực trong quản lý.
Náo loạn làng quê
Tin bệnh nhân tâm thần Trần Ngọc Mười (45 tuổi) ở thôn 4 được Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Quảng Nam cho về nhà chưa đầy 5 phút đã bay khắp đầu làng, cuối xóm của xã Tiên Hiệp. Người thì hốt hoảng: Hắn về rồi à? Người lại ngạc nhiên: Sao hắn bệnh thế mà người ta lại cho về? Rồi có người lại tỏ rõ sự bất an: Hắn mà về thì làng xóm lại náo loạn cả lên thôi… Vậy là tự nhủ, tự vệ: Thôi tắt đèn, đóng cửa chứ hắn lại lù lù xuất hiện thì hậu quả khó lường…
Ngồi trước mặt chúng tôi, Trần Ngọc Mười thân hình gầy gò, nhận biết tất cả những câu chúng tôi hỏi. Duy chỉ ánh mắt của người điên thì thể hiện rõ khiến bất cứ ai nhìn vào cũng có cảm giác gai người, ớn lạnh chạy dọc sống lưng.
Đối tượng Trần Ngọc Mười (phải) khi lên cơn lại vác dao, rựa đòi chém người xung quanh.
Mười là con trai thứ 4 của bà Lê Thị Mai (87 tuổi). Bà Mai có 7 người con, 5 trai, 2 gái. Theo lời bà Mai thì con trai đầu tham gia chiến trường K, hy sinh ở đâu vẫn chưa tìm ra tung tích. 6 người còn lại, 2 gái và 2 trai bình thường, nhưng đến khi sinh hai con trai út và kế út liền nhau là Trần Ngọc Minh (nay 42 tuổi) và Trần Ngọc Mười (45 tuổi) thì bất ngờ bị tâm thần từ khi 18 tuổi.
Vốn dĩ nhà bà Mai thuộc diện nghèo nhất nhì của xã, từ khi hai con tâm thần, kinh tế càng khánh kiệt hơn. Căn nhà được xây theo diện hỗ trợ nhà 167 chẳng có gì đáng giá ngoài bộ bàn ghế đã bị mối mọt ăn lỗ chỗ. Dưới bếp lạnh tanh, xoong nồi lèo tèo một hai cái… Bà Mai bảo bình thường làm ăn đã khó, nay trong nhà có hai người điên lại tuyệt nhiên không làm lụng được gì ngoài mức trợ cấp người già 180.000 đồng/tháng của bà và 360.000 đồng trợ cấp cho người con trai bị tâm thần.
Con đông, chồng chết, lao động chủ lực không có, nghèo khó bủa vây, nay thêm việc chạy vạy tiền để cho hai con trai vào Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Quảng Nam điều trị khiến bà Mai như kiệt sức. Càng tiều tụy hơn mỗi khi lên cơn, bà lại bị con trai Trần Ngọc Mười dùng gậy, thân cây, dao, rựa hành hung và đuổi ra khỏi nhà.
Điều bà Mai không hiểu vì sao khi sinh các con ra bình thường, nhưng cứ lớn dần lên thì càng lộ rõ căn bệnh kỳ lạ này. Bà Mai bất lực trong sự ngỡ ngàng: “Tôi không biết sao. Sinh đẻ ra cha cũng không có, ổng chết bỏ đó tôi nuôi, hồi đó cũng đói khát, khoai củ cho hắn ăn hắn lớn đó chừ không được nhờ cái chi hết. Chừ hắn rứa đó, hắn quậy hắn ở nhà, hắn đuổi tôi đi, không đi hắn oánh”.
Nhà bà Mai ven tuyến đường ĐT 616 từ TP Tam Kỳ (Quảng Nam) đi Kon Tum. Đêm đen đặc, thỉnh thoảng ánh đèn pha từ xe gắn máy, ô tô của khách quét ngang chạy vụt qua rồi lại trở về với màn đêm tĩnh mịch, bí ẩn và ghê rợn.
Tại Ban Công an xã Tiên Hiệp, còn lưu hồ sơ vụ án: Khoảng 20 giờ ngày 25-9-2014, anh Nguyễn Được, xã đội trưởng (32 tuổi) đã bị chính em cột chèo là Trần Ngọc Minh (em ruột của Trần Ngọc Mười) ra tay sát hại dã man bằng 18 nhát dao rồi lấy xe máy bỏ trốn lên huyện Bắc Trà My, bị bắt sau đó. Đối tượng gây án bị bắt, khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng không thể xét xử do Minh bị tâm thần mới được trả về gia đình hơn 1 năm nay. Vậy là, thay vì án tử hình hoặc chung thân, Minh được đưa vào Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Quảng Nam chữa trị.
Tìm đến nhà đối tượng tâm thần Nguyễn Văn Hùng. Hùng đang tắm bên cạnh giếng đào. Tắm nhưng Hùng chỉ dội nước mỗi phần đầu. Thấy chúng tôi đến, Hùng để nguyên đầu ướt sũng vào nhà mặc chiếc quần dài như chuẩn bị nhảy hip hop, ở trần và bắt đầu… huyên thuyên. Thấy Hùng lảng vào nhà, xuống bếp, anh cán bộ Phòng LĐTB-XH của xã Tiên Hiệp giục chúng tôi đi nhanh. Vừa ra đến đầu ngõ, Hùng lao từ trong nhà ra với chiếc rựa cầm trên tay, miệng vẫn không thôi chửi…
Đưa đi, đưa về
Mới 19 giờ 30, gần 5km đi qua trung tâm xã Tiên Hiệp nhà nhà bắt đầu lục đục đóng cửa, khoảng 20 giờ thì cửa đóng im ỉm, đèn tắt tối om, đến ti vi cũng chẳng ai dám bật để xem. Anh Lê Thanh Danh, Trưởng Công an xã Tiên Hiệp cùng các cộng sự và dân quân tự vệ trong thôn bắt đầu đi tuần. “Anh em gần như thay phiên nhau trực, tuần trắng đêm để nếu có khách qua đường bị rượt, chặn xin tiền hay dọa giết thì kịp thời xử lý”, anh Lê Thanh Danh cho biết.
Bản thân anh trưởng công an xã này không nhớ hết những lần đưa các đối tượng tâm thần trên địa bàn đi chữa trị tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Quảng Nam và Bệnh viện tâm thần Hòa Khánh (Đà Nẵng). Đưa nhiều đến nỗi các đối tượng tâm thần thù hằn, rình rập có cơ hội là trả thù. “Buổi chiều, tôi đón con đi học về, Trần Ngọc Mười bất thình lình xuất hiện đạp ngã xe gắn máy rồi bỏ chạy. Rất may, con trai chỉ bị xây xát nhẹ”, anh Danh xác nhận. Anh nói thêm: “Mình bắt họ đi chữa bệnh, họ thù hằn, nhưng nếu mình sợ thì người dân biết kêu ai”.
Không như Trần Ngọc Mười ra đường dùng dao, rựa chặt vào người đi đường, đập phá xe tải, xe khách, vào các quán xá, gia đình kiếm ăn, quậy phá và đánh người, đối tượng Nguyễn Ngọc Thi ở thôn 2 “khôn” hơn. Dù bị tâm thần, nhưng Thi luôn lẩn trốn mỗi khi lực lượng chức năng truy tìm đưa đi chữa trị. Khi đã bị bắt đưa đi, được trả về, Thi “găm” trong người và chờ cơ hội trả đũa. Nhà Trưởng công an Lê Thanh Danh dưới một con dốc. Tối đó, đi tuần về may mà anh đi chậm chứ không là lĩnh đòn rồi. Ngay chân dốc vào nhà, một thân cây lớn chắn ngang đường. “Tâm thần mà chơi hiểm vậy đó”, anh Danh thở dài ngao ngán.
Theo thống kê của xã Tiên Hiệp, trên địa bàn xã có 30 đến 40 đối tượng tâm thần, số đối tượng nguy hiểm từ 5 đến 6 đối tượng. Đặc biệt nguy hiểm khoảng 2 đối tượng. Vậy nhưng, các đối tượng này dù có đưa đi chữa bệnh thì cũng sau gần 1 tháng bị trả về do… bệnh tương đối ổn định. Ông Võ Đình Khôi, Chủ tịch UBND xã Tiên Hiệp, cũng băn khoăn không kém. “Cho là ổn định rồi, xong về ngày trước ngày sau ra đường quậy lại. đưa đi đưa về, tốn công rất nhiều, xã cũng bỏ ngân sách. Anh em thương binh xã hội, công an đi tới đi lui, mệt. Nhiều lần họp cử tri, hội đồng kiến nghị mà vẫn chưa giải quyết được”, ông Khôi lại ngao ngán thở dài.
Ghi nhận của huyện Tiên Phước thì trên địa bàn có 411 người bị tâm thần và có biểu hiện tâm thần. Trong đó, người tâm thần nặng khoảng 400 người, người đặc biệt nặng và nguy hiểm 11 người. Lãnh đạo huyện Tiên Phước dù luôn nắm bắt, cập nhật số lượng và giải quyết chế độ cũng như phân loại những đối tượng có tính chất nguy hiểm để đưa đi điều trị tập trung. Tuy nhiên, số lượng quá đông trong khi các trung tâm và bệnh viện lại quy mô nhỏ, nên cứ “giữa giờ chơi mang đến lại mang về”, nhất là những dịp lễ, tết phải trả họ về với gia đình khiến những ngày vui của người dân địa phương biến thành những ngày bất an, lo lắng.
Ông Phùng Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, phân tích: Kinh phí có hai dạng, tỉnh lo và người nhà đối tượng đóng góp nếu có nhu cầu đưa đi điều trị. Tuy nhiên, kinh phí nhà nước lo chỉ 100 người, cơ sở điều trị chỉ 100 người, trong khi số lượng gấp đôi, gấp ba. Vậy là điều trị luân phiên, người mới vào, người cũ ra với giấy chứng nhận bệnh tương đối ổn định, nhưng ra ngoài ngay lập tức lại phát bệnh, manh động, gây nguy hiểm cho xã hội.
Hà Minh