
Từ nhiều năm nay, tên tuổi của Tấn Beo, con trai của “Hoàng đế đĩa nhựa” - nghệ sĩ Tấn Tài (HCV giải Thanh Tâm năm 1963) và nữ nghệ sĩ Như Ngọc, chuyên đóng vai đào lẳng nổi tiếng một thời của sân khấu cải lương, không còn mấy xa lạ với công chúng yêu thích… tiếng cười.
Với Tấn Beo, phải kể đến chàng Tèo bán nhang của tiểu phẩm “Vì sao lên chùa?” do chính anh viết và dàn dựng. Khi nghe nhắc đến vai diễn này, Tấn Beo hồ hởi: “Lúc mới ra mắt tiểu phẩm này, nhiều người sợ “đụng” đến Phật giáo, không được diễn, nhưng với cách nhìn hướng thiện của mình, cuối cùng Vì sao lên chùa đã thành công ngoài mong đợi…”.
Anh nói tiếp: “Mặc dù tiểu phẩm Vì sao lên chùa đã diễn nhiều năm rồi, thậm chí có những khán giả thuộc lòng lời thoại, nhưng mỗi khi đi diễn, nhất là ở các chùa, ai cũng đề nghị Tấn Beo diễn lại. Sau này, tôi có tiểu phẩm Năm nổ cũng rất được khán giả yêu thích… Nhưng thật tình, bây giờ tìm những tiểu phẩm hay, với nội dung sâu sắc, khó lắm… Với tôi, việc chọc cho khán giả cười không khó, bởi có nhiều trò, nhiều mảng miếng. Chỉ có điều, sau tiếng cười ấy đọng lại điều gì cho người xem mới là điều quan trọng”.

Có vẻ như giờ đây, “cây hài” Tấn Beo đang rất chú trọng đến “thương hiệu” của mình? Anh tâm sự: “Từ năm 15 tuổi, tôi đã dấn thân theo nghề hát. Lúc ấy, tôi vào các đoàn hát ở tỉnh, làm đủ mọi việc và luôn mơ ước một lúc nào đó được đứng cạnh NSND Diệp Lang, NSƯT Minh Vương, Lệ Thủy… Thật không ngờ, chỉ mấy năm sau, trên sân khấu Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, tôi được hát cùng các nghệ sĩ mà mình yêu thích. Giờ đây, tôi có được những gì như ngày hôm nay là thành quả của cả một quá trình phấn đấu với bao công sức, mồ hôi. Cho nên tôi phải giữ gìn tên tuổi của mình chứ…”.
Trước câu hỏi thăm dò của tôi: Nghe đâu, trong cuộc sống, anh là người rất mê xe cổ và chơi cá cảnh, thực - hư thế nào. Tấn Beo tỏ vẻ đắc ý. Anh tâm sự: “Thì mỗi người có một sở thích, Tấn Beo cũng có sở thích riêng của mình vậy mà. Cách nay 6 - 7 năm, tôi đã bắt đầu chơi xe cổ, đến nay bộ sưu tập của tôi đã có được hơn chục chiếc. Đặc biệt, trong số xe cổ của tôi, có chiếc Fores “độc nhất vô nhị”, tôi chưa thấy có chiếc thứ hai. Trong lần đi Tiền Giang biểu diễn, tình cờ tôi thấy chiếc Fores và mua ngay lập tức. Còn cá cảnh? Tôi cũng rất thích, nhưng tôi nuôi cá cảnh không giống như nhiều người khác. Cá cảnh tôi nuôi chỉ là những con cá La Hán có tật. Hiện giờ, ở nhà tôi nuôi 5 - 6 con, còn một số tôi gởi bạn bè nuôi giúp…”.
Ngoài mê xe cổ, chơi cá cảnh, Tấn Beo còn cho biết, trong cuộc sống, anh cũng là người đàn ông “đảm đang”, có thể chế biến, nấu nướng một số món ăn dân dã, đặc biệt là món nước mắm đâm tỏi, ớt là khỏi chê. Thỉnh thoảng có bạn bè tới nhà nhậu lai rai, Tấn Beo hay chế biến những món liên quan đến lòng heo, lòng bò. Anh bảo: “Nhà ở gần lò giết mổ gia súc, cho nên ra đó mua đồ vừa nhanh, vừa rẻ, tiện lợi đôi đường…”.
Trong cuộc sống đời thường, Tấn Beo luôn mang niềm vui đến cho các thành viên trong gia đình. Với Tấn Beo, mỗi dịp lễ tết, anh đều không nhận bất kỳ show diễn nào mà dành trọn thời gian đi chơi cùng gia đình. Anh chia sẻ: “Lúc sum vầy, đi chơi cùng gia đình, tôi cảm thấy hạnh phúc nhất”. Về tình cảm gắn kết với cộng đồng anh nói: “Nơi tôi ở – quận 8, người dân còn khó khăn lắm, cho nên năm nào cũng vậy, mỗi khi tết đến, tôi luôn dành tặng gạo cho một số bà con…”. Mỗi khi lễ tết, khán giả đến các tụ điểm, rạp hát, không thấy Tấn Beo… chọc cười, xin hãy hiểu cho anh.
Vân An