“Với những cá nhân để xảy ra sai sót trong đáp án môn Vật lý sẽ không được mời ra đề thi nữa. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu tổ ra đề phải làm rõ: Ai là người ra đề? Ai là người phản biện? Nếu khâu ra đề, phản biện đúng rồi thì có phải lỗi do khâu in ấn hay lỗi do đánh máy?”.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, Trưởng Ban chỉ đạo thi 2008 đã khẳng định quyết tâm chấn chỉnh sau sự cố đáp án môn Vật lý sai sót vừa qua. Ông nói: “Bộ đang xem xét, xử lý trách nhiệm của tổ ra đề thi môn Vật lý. Trưởng Ban đề thi cũng sẽ phải chịu trách nhiệm và bị phê bình vì để xảy ra sự cố này… Câu hỏi bị sai đáp án không quá khó, nên chủ yếu sai sót là do chủ quan... dù đã có cả một hội đồng ra đề và phản biện. Về mặt nguyên tắc, từ kỳ thi năm sau sẽ không mời các thầy liên quan đến sai sót này ra đề thi. Đây là một bài học cho thấy việc ra đề thi trắc nghiệm không hề đơn giản”.
Rõ ràng, Bộ cũng đang lúng túng với những hạn chế của thi trắc nghiệm mà dư luận xã hội đã từng cảnh báo. Dễ dàng nhận thấy ưu điểm của thi trắc nghiệm tránh được tình trạng “dạy tủ - học tủ”, có “phao” thí sinh (TS) cũng khó sử dụng được. Nhưng, khuyết điểm của hình thức thi này là ở xây dựng ngân hàng câu hỏi và khả năng viết câu hỏi trắc nghiệm cho phù hợp đối tượng. Và qua kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, bước tập dượt cho kỳ thi chung “2 trong 1”, gót chân Achille đã lộ ra. Dư luận xã hội có quyền đặt câu hỏi: Các ngân hàng đề thi trắc nghiệm Bộ đã chuẩn bị đến đâu và như thế nào?
Bộ GD-ĐT thẳng thắn chỉ rõ trách nhiệm trước hết thuộc về người ra đề nhưng bộ “quên” trách nhiệm ở cương vị cao nhất của bộ. Khó lắm sao một câu xin lỗi thiện chí cho hơn 1 triệu TS về sự cố chủ quan vừa qua?! Dù “việc điều chỉnh đáp án chưa ảnh hưởng đến việc chấm thi vì các địa phương sẽ phải thực hiện việc quét dữ liệu chuyển về bộ rồi mới tiến hành chấm”, nhưng lòng tin của xã hội về sự chuẩn mực, khoa học, chính xác của khâu ra đề thi, chấm thi đang bị xói mòn. Chỉ cần dò trên mạng cụm từ “đề thi sai”, chỉ 0,98 giây đã cho 5.700 kết quả liên quan đến nội dung này, đề sai sót từ cấp phòng GD cho đến cấp Sở, thậm chí cấp bộ cũng sai nốt.
Lật lại “chuyện xưa” ở kỳ thi tốt nghiệp năm học 2004-2005, Hội đồng ra đề đã không nắm được nội dung ôn tập dẫn đến sự cố liên tục ở đề thi tốt nghiệp THPT môn Hóa học, Địa lý và Vật lý. Ở môn Hóa, đề thi yêu cầu TS trình bày một đằng nhưng hướng dẫn chấm thi lại theo một nẻo. Sai sót trong đề thi Địa lý bổ túc THPT trầm trọng hơn. Phần câu hỏi tự chọn của đề thi này có yêu cầu TS phải trình bày về điều kiện tự nhiên của đồng bằng sông Hồng (câu này được 4 điểm) song câu này không có trong hướng dẫn ôn tập mà Bộ đã gửi cho các sở GD-ĐT. Tương tự, ở môn Vật lý bổ túc THPT, một câu của phần lý thuyết tự chọn tiếp tục nằm ngoài nội dung hướng dẫn thi mà Bộ đã ban hành. Bộ phải “giải quyết hậu quả” theo phương thức truyền thống, tức là điều chỉnh hướng dẫn chấm thi.
“Vết xe lịch sử” lặp lại. Năm nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục hứa: “Còn có những sai sót như trong đáp án môn Vật lý thì phải rút kinh nghiệm”. Vậy, kinh nghiệm nào đã rút ra từ những năm trước, từ những phản ánh của báo chí về sai sót đề thi liên tục ở các tỉnh, thành mà hầu như thành “lệ”, có ra đề thi là có sự cố? Chỉ biết, việc xử lý còn mang tính nội bộ, qua loa dẫn đến luật không nghiêm, chỉ cần người ra đề “chủ quan” một chút là TS lại điêu đứng. Riết rồi, nghe chuyện sai sót đề thi, đáp án chấm thi, nhiều người lại cười xòa: “Chuyện thường ngày”!
HỒNG LIÊN