Điều chỉnh nhỏ, tác dụng lớn

Điều chỉnh nhỏ, tác dụng lớn

Những diễn biến gần đây đã ít nhiều chứng minh, chỉ cần ngành giao thông vận tải TPHCM đưa ra vài động tác điều chỉnh đơn giản, nhẹ nhàng thì kết quả ban đầu đáng khích lệ: giao thông đi lại hợp lý hơn, giảm tải cho các cơ quan chức năng và gây được nhiều thiện cảm về giao thông công chánh trong mắt cư dân thành thị.

Điều chỉnh nhỏ

Một trong những điều chỉnh giao thông mới nhất vừa được ngành giao thông TP triển khai áp dụng, đó là ở đường Lý Chính Thắng, quận 3 đoạn từ Nguyễn Thông đến ngã sáu Dân Chủ. Cụ thể, từ 6 giờ sáng ngày 22-9 vừa qua, xe hai bánh bắt đầu được phép rẽ từ Nguyễn Thông vào Lý Chính Thắng để ra ngã sáu Dân Chủ, tức là được phép lưu thông hai chiều trên đoạn đường này. Trước thời điểm “đổi mới” ấy, các phương tiện gắn máy hai bánh từ hướng Kỳ Đồng quẹo sang Nguyễn Thông muốn ra ngã sáu Dân Chủ chỉ có 2 lựa chọn: hoặc chấp nhận đi ngược chiều vào đường Lý Chính Thắng, tức chấp nhận phạm luật giao thông đi vào đường một chiều, hoặc nếu chấp hành luật thì phải đi theo một vòng cung vừa xa, vừa quanh co: từ Kỳ Đồng rẽ phải sang Nguyễn Thông, rẽ trái vào đường Rạch Bùng Binh rồi tiếp tục rẽ trái vào đường Nguyễn Phúc Nguyên để trổ ra ngã sáu Dân Chủ. Điều đáng nói ở chỗ toàn bộ các tuyến đường dẫn xe hai bánh ra ngã sáu nêu trên đều có bề rộng khiêm tốn và mật độ phương tiện dày đặc.

Trên thực tế, trước khi cho phép xe máy hai bánh được lưu thông hai chiều trên đoạn đường Lý Chính Thắng vừa nêu, tình trạng ken đặc ùn ứ phương tiện diễn ra triền miên ở các đường “né” đoạn Lý Chính Thắng, đặc biệt trong các giờ cao điểm.

Điều chỉnh nhỏ, tác dụng lớn ảnh 1

Việc điều chỉnh cho xe 2 bánh từ đường Nguyễn Thông rẽ vào đường Lý Chính Thắng đã mang lại hiệu quả tốt. Ảnh: KIM NGÂN

Hiệu quả tức thì

Động tác điều chỉnh giao thông đơn giản của ngành giao thông TP tại đoạn đường Lý Chính Thắng, từ Nguyễn Thông đến ngã sáu Dân Chủ rõ ràng là một quyết định đúng: giảm tải cho đường Nguyễn Phúc Nguyên, rút ngắn cự ly hành trình cho xe hai bánh cần ra ngã sáu Dân Chủ.

Sự thay đổi này gợi nhớ tới tam giác Nguyễn Thái Sơn - Phạm Ngũ Lão thuộc quận Gò Vấp. Trước đây, ô tô muốn từ ngã ba Chú Ía theo đường Nguyễn Thái Sơn quẹo vào Phạm Ngũ Lão để ra ngã sáu Gò Vấp thì buộc phải đi theo nhánh đường Phạm Ngũ Lão phía trên, bởi nhánh đường Phạm Ngũ Lão phía dưới - đoạn đi ngang UBND phường 3 Gò Vấp chỉ cho phép xe hai bánh lưu thông. Do quy định này, thường xuyên xảy ra tình trạng ô tô các loại nối đuôi rồng rắn, ùn ứ trên đường Nguyễn Thái Sơn để chờ đèn xanh quẹo sang Phạm Ngũ Lão. Từ khi lệnh cấm được dỡ bỏ, tức là ô tô nhỏ được phép đi chung với xe hai bánh vào nhánh Phạm Ngũ Lão, tình trạng rồng rắn ô tô đã thuyên giảm mạnh.

Nhưng đoạn đường một chiều Lý Chính Thắng trước đây, từ Nguyễn Thông đến ngã sáu Dân Chủ và khu tam giác Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp không phải là trường hợp cá biệt, hiếm hoi cần và nên được cho phép lưu thông hai chiều đối với xe gắn máy hai bánh. Bởi vì đã và đang có nhiều cung đường khác có “hoàn cảnh” tương tự như vậy.

Cần tiếp tục điều chỉnh

Có thể nhắc đến đường Trần Quốc Toản, đoạn từ ngã ba Pasteur - Trần Quốc Toản đến giao lộ Trần Quốc Toản - Huỳnh Tịnh Của, thuộc địa bàn quận 3. Lâu nay, đường Trần Quốc Toản chỉ cho phép lưu thông một chiều đoạn từ Hai Bà Trưng đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Điều này có nghĩa là khối lượng phương tiện xe hai bánh khổng lồ từ đường Pasteur muốn quẹo ra cầu Kiệu cách đó không xa cũng chỉ có hai chọn lựa. Nếu chấp hành luật thì xe hai bánh phải đi theo một vòng cung xa hơn là từ Pasteur rẽ trái sang Trần Quốc Toản, rẽ phải vào Nam Kỳ Khởi Nghĩa rồi lại rẽ phải sang Lý Chính Thắng trước khi quẹo trái ra Hai Bà Trưng để lên Cầu Kiệu đi về hướng Phú Nhuận, Gò Vấp. Bằng ngược lại, nhắm mắt chấp nhận vi phạm luật giao thông bằng cách đánh liều rẽ phải từ Pasteur vào Trần Quốc Toản, quẹo trái sang Huỳnh Tịnh Của để ra Lý Chính Thắng.

Thiết nghĩ, cũng giống như đường Lý Chính Thắng đoạn từ Nguyễn Thông đến ngã sáu Dân chủ, đoạn đường Trần Quốc Toản từ Pasteur đến Huỳnh Tịnh Của cũng nên được điều chỉnh lại giao thông, cho phép xe hai bánh được lưu thông hai chiều. Động tác điều chỉnh này chắc chắn sẽ được lòng dân vì họ không phải đi lòng vòng để ra cầu Kiệu và quan trọng không kém là giúp giảm tải cho đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đoạn từ Trần Quốc Toản đến Lý Chính Thắng, vốn dĩ lượng phương tiện tham gia giao thông đã quá hùng hậu.

Một trường hợp khác là đường Nguyễn Thượng Hiền, đoạn từ ngã sáu Dân Chủ đến Điện Biên Phủ. Đoạn đường này hiện cũng là đường một chiều theo hướng từ ngã sáu ra Điện Biên Phủ. Do đó các phương tiện từ đường Điện Biên Phủ hướng từ Lý Thái Tổ sang, nếu muốn đổ ra ngã sáu Dân Chủ thì buộc phải đi vòng lên giao lộ Điện Biên Phủ - Cách Mạng Tháng 8 rồi chờ đèn xanh, quẹo trái vào Cách Mạng Tháng 8 để ra ngã sáu. Tuy nhiên áp dụng đường một chiều cho đoạn đường này có gì đó chưa thật thỏa đáng, hợp lý, vì nhiều lẽ. Trước hết không thỏa đáng bởi vì đoạn đường Nguyễn Thượng Hiền còn lại, từ Điện Biên Phủ đến Nguyễn Thị Minh Khai vẫn được tổ chức lưu thông hai chiều, mặc dù bề rộng mặt đường của đoạn Nguyễn Thượng Hiền một chiều rộng hơn gấp rưỡi so với đoạn Nguyễn Thượng Hiền hai chiều. Thứ hai, trên thực tế lượng xe hai bánh có nhu cầu đổ ra ngã sáu Dân Chủ rất lớn, tức là chỉ vì tổ chức giao thông một chiều chưa thực sự hợp lý, vô hình chung ngành chức năng đã tạo thêm áp lực giao thông cho nút giao lộ Cách Mạng Tháng 8 - Điện Biên Phủ.

Những điều chỉnh giao thông thức thời, hợp lý kiểu như cho phép lưu thông hai chiều đường Lý Chính Thắng, đoạn từ Nguyễn Thông đến ngã sáu Dân Chủ rõ ràng sẽ cùng lúc đem lại nhiều tác dụng: hợp lòng dân, giảm tải cho những nhánh đường lân cận và cũng đồng thời giảm tải trách nhiệm xử lý vi phạm cho lực lượng cảnh sát giao thông. Đó là điều ngành giao thông TP phải cân nhắc.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục