Báo SGGP nhận được thắc mắc của nhiều bạn đọc liên quan đến những quy định của UBND TPHCM về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa (theo Quyết định 19/2009). Sở TN-MT TPHCM cho biết đã thống nhất với UBND các quận - huyện hướng giải quyết phù hợp những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Quyết định 19.
Trao quyền cho chủ tịch UBND quận - huyện
Tại quận Thủ Đức, có khá nhiều trường hợp được cấp nhà, đất tại khu biệt thự Làng Đại học, sử dụng làm nhà ở ổn định và nay có nhu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở theo hiện trạng. Tuy nhiên, nếu áp dụng quy định tách thửa theo Quyết định 19, những trường hợp trên không được giải quyết, vì nơi đây thuộc khu vực quy hoạch đất làng biệt thự (theo điểm a khoản 1 Điều 3).
Về vướng mắc này, Sở TN-MT đã hướng dẫn phân loại để giải quyết. Cụ thể, đối với những trường hợp cán bộ, chiến sĩ được cấp nhà, đất từ năm 1993, việc hình thành thửa đất ở đã có từ trước ngày Quyết định 19 có hiệu lực thi hành, do vậy sẽ không điều chỉnh theo quy định về tách thửa mà áp dụng theo thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở để giải quyết cấp giấy chứng nhận theo hiện trạng.
Đối với trường hợp thửa đất ở (tách từ đất khu biệt thự) hình thành sau khi Quyết định 19 đã có hiệu lực, do khu vực này đang là biệt thự tiếp tục quản lý theo quy hoạch nên không được xem xét tách thửa. Trường hợp quy hoạch chi tiết này không còn phù hợp thì phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo quy định pháp luật trước khi thực hiện tách thửa. Thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị thuộc UBND quận Thủ Đức.
Một vướng mắc khác tại nhiều quận - huyện là những hộ nghèo muốn tách thửa để chia cho các thành viên trong gia đình hoặc những trường hợp chia thừa kế, hòa giải tranh chấp nên có nhu cầu tách thửa nhưng diện tích lại quá nhỏ, dưới hạn mức đất ở tối thiểu theo quy định của Quyết định 19. Đối với những trường hợp này, UBND TP đã trao quyền cho chủ tịch UBND quận - huyện căn cứ quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật đô thị, điều kiện để hợp khối, cảnh quan khu vực và quy chuẩn xây dựng để xem xét giải quyết, nhưng diện tích tối thiểu của các thửa đất hình thành (đất ở) không nhỏ hơn 25m².
Tách thửa theo nhu cầu và khả năng tài chính của người dân
Điểm vướng mắc người dân “kêu” nhiều nhất là quy định về tách thửa đất nông nghiệp nằm xen cài trong khu dân cư, thuộc khu vực đã có hạ tầng. Nhiều gia đình khi muốn tách thửa, chia một phần đất cho con cái xây nhà ở đã “choáng” khi bị địa phương yêu cầu phải nộp tiền chuyển mục đích sử dụng cho toàn bộ diện tích đất rồi mới được làm thủ tục tách thửa (ví dụ, một hộ dân ở huyện ngoại thành có 1.000m² đất vườn, chỉ muốn tách thửa 120m² cho con xây nhà ở khi lập gia đình nhưng lại bị yêu cầu đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất cho toàn bộ 1.000m² đất vườn sang đất ở).
Điều này gây khó khăn và bức xúc trong dân vì nhiều hộ không có khả năng tài chính hoặc không có nhu cầu chuyển mục đích toàn bộ diện tích đất. Sở TN-MT đã trao đổi với các quận - huyện và thống nhất cách giải quyết.
Theo đó, việc chuyển mục đích sử dụng đất phải đảm bảo theo quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt, theo nhu cầu của người sử dụng đất. Do vậy, UBND các quận - huyện cần căn cứ vào quy hoạch để xem xét giải quyết việc tách thửa theo nhu cầu và khả năng tài chính của người sử dụng đất, không buộc người sử dụng đất phải chuyển mục đích toàn bộ thửa đất khi không có nhu cầu hoặc không đủ khả năng để thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Ngoài ra, việc xem xét giải quyết tách thửa dứt khoát phải căn cứ vào quy hoạch chi tiết 1/2000 đã được phê duyệt. Những khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt thì chưa đủ cơ sở để giải quyết tách thửa, UBND các quận, huyện có trách nhiệm khẩn trương hoàn thành việc lập, trình duyệt quy hoạch chi tiết.
HOÀNG TRỌNG KHÔI