Điều kiện để giải quyết lại các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật

Thanh tra Chính phủ đã có văn bản gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ cho ý kiến về điều kiện xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật. 

Tại báo cáo số 176/BC-CP do Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký gửi đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong quá trình giám sát về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, Chính phủ cho biết đã ban hành Nghị định số 124/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 75/2012/NĐ-CP). Nghị định số 124 không thiết kế cơ chế để xem xét, giải quyết lại các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật. Quy định này nhằm tạo điểm dừng trong giải quyết khiếu nại và khuyến khích người dân khởi kiện vụ án hành chính khi không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại.

Như vậy, không có cơ sở để kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành quy định điều kiện xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại hành chính đã có hiệu lực pháp luật, đã hết thời hiệu khởi kiện ra Tòa án nhân dân nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại.

Tuy nhiên, tại báo cáo số 55 của UBTVQH tiếp tục đề cập đến trường hợp đã có quyết định giải quyết khiếu nại về hành chính có hiệu lực pháp luật, đã hết thời hiệu khởi kiện ra Tòa án nhân dân, nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại; nên Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tham mưu. Thanh tra Chính phủ đã có văn bản gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ban Dân nguyện của UBTVQH, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ cho ý kiến về điều kiện xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật. Hiện nay Thanh tra Chính phủ đang tổng hợp các ý kiến, trên cơ sở đó sẽ có báo cáo đề xuất cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo UBTVQH.

Về chỉ đạo tăng cường trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, Chính phủ cho biết, đã chỉ đạo các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp thực hiện nghiêm, có hiệu quả Luật Tiếp công dân, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền đối với công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân và Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

“Kết quả thời gian qua cho thấy, việc tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp có chuyển biến tích cực, thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước đã quan tâm thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân hơn so với trước đây, nhưng vẫn chưa thực hiện được đầy đủ như quy định của Luật Tiếp công dân”, báo cáo nêu rõ. Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, đề xuất và Thanh tra Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị báo cáo đánh giá nội dung này (và những nội dung khác trong thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo) để làm cơ sở báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đối với việc tiếp công dân trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, xây dựng cơ chế tiếp công dân trực tuyến đối với những vụ việc phức tạp, đông người để hạn chế tình trạng công dân tập trung đông người lên các cơ quan Trung ương, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như bảo đảm công tác an toàn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua, thực tế, một số địa phương đã triển khai việc tiếp công dân trực tuyến và đánh giá bước đầu cho thấy có hiệu quả tốt.

Tin cùng chuyên mục