Giải cứu 12 công nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện
* Thủ tướng khen ngợi lực lượng cứu hộ
Đúng 16 giờ 30 ngày 19-12, cả công trường cứu hộ vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã vỡ òa khi 12 công nhân bị mắc kẹt lần lượt được đưa ra khỏi cửa hầm. Vậy là sau 81 giờ chờ đợi, âu lo, hy vọng, nỗ lực quyết tâm và đồng lòng hợp sức của nhiều lực lượng, điều kỳ diệu đã đến.
Vui sao nước mắt lại trào!
16 giờ ngày 19-12, tại khu vực sở chỉ huy cứu nạn tại cửa hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, hoạt động cứu hộ diễn ra khẩn trương. Tại các lán trại, lực lượng bộ đội, công an, cán bộ y tế đang túc trực, sẵn sàng cứu hộ, cấp cứu cho các công nhân khi họ được giải cứu. Ở lán trại khác, người thân của một số công nhân âu lo chờ đợi. Đại diện ban chỉ huy cứu nạn cho biết, việc đào hầm diễn ra thuận lợi và với tiến độ như vậy, có thể trong đêm sẽ tiếp cận được 12 công nhân mắc kẹt. Nhưng điều kỳ diệu đã đến sớm hơn…
16 giờ 30 ngày 19-12, toàn bộ 12 công nhân bị mắc kẹt sau sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (Lâm Đồng) đã được cứu sống và đưa ra ngoài an toàn.
Đúng 16 giờ 30 phút, công nhân Phạm Viết Nam (41 tuổi, quê Nghệ An) được đưa ra khỏi cửa hầm. Cả khu vực chỉ huy cứu hộ như vỡ òa. Tiếng hò reo phá tan không khí căng thẳng suốt mấy ngày qua. Sau anh Phạm Viết Nam, lần lượt các công nhân khác được đưa ra khỏi cửa hầm. Có người phải nằm cáng, có người được dìu đến trạm y tế dã chiến để sơ cấp cứu. Bên ngoài các lán y tế, hàng trăm người nôn nao khó tả. Mỗi người một vẻ mặt, nhưng dù hớn hở rạng ngời hay xúc động đều chung cảm xúc sướng vui. Người thân của công nhân bật khóc trong niềm vui tột độ. Có mặt chỉ đạo công tác cứu hộ, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt xúc động: “Sung sướng và hạnh phúc! Cuộc cứu nạn đã thành công!”.
|
“Chiến tích” ý nghĩa của bộ đội công binh
Chưa hết cảm xúc vui mừng, những người có mặt tại hiện trường cứu nạn còn hết sức bất ngờ khi nghe tin 12 công nhân được giải cứu ra từ đường hầm phụ bên trái đường hầm chính. Đây là đường hầm do lực lượng bộ đội công binh thực hiện, triển khai đào sau đường hầm bên phải 1 ngày. Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh, người trực tiếp chỉ huy lực lượng cứu hộ trong hầm, cho biết: Ban đầu xác định phải chiều ngày 20-12 mới có thể tiếp cận các nạn nhân. Nhưng đến 12 giờ trưa 19-12, sau cuộc hội ý nhanh và được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến đồng ý, lực lượng bộ đội công binh đã có sự thay đổi mang đến hiệu quả rõ rệt. Theo đó, đường được chuyển hướng đào rút ngắn hơn phương án cũ. Phương pháp đào được lực lượng bộ đội công binh áp dụng, theo Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, đó là vừa áp dụng khoa học, vừa theo kinh nghiệm truyền thống. Trong đó điển hình là phương pháp đào hầm trong cát. Khi được hỏi về bài học kinh nghiệm thu được từ vụ giải cứu, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng cho biết: “Lực lượng công binh gắn nhiều với xử lý các sự cố sập liên quan tới các công trình, tìm kiếm cứu nạn. Vụ cứu hộ này không chỉ cứu được nhiều mạng người, mà còn là bài học lớn về công tác huấn luyện bộ đội để khắc phục các sự cố khi mà đất nước có xảy ra thiên tai, bão lụt cũng như sập đổ các công trình”.
Lực lượng công binh tiến hành đào hầm, các nạn nhân được giải cứu theo đường hầm này.
Một chiến sĩ công binh tham gia đào hầm cho biết, khi đào đến 14m thì phát hiện có nước rỉ ra khá nhiều, đến 16m, qua lớp đất mỏng thấy có dấu hiệu ánh sáng, nên anh em công binh đục ngang thì gặp đường hầm. Vẫn chưa hết xúc động và vui mừng, thiếu úy Nguyễn Xuân Diệu (Tiểu đoàn 32, Lữ đoàn 293 Binh chủng Công binh), người trong ca đào hầm vào thời điểm giải cứu các nạn nhân, cho biết: “Khi phát hiện ánh sáng đèn LED từ phía trước phát ra, anh em vô cùng bất ngờ. Mọi người gọi mấy lần thì có tiếng kêu “Cứu! Cứu! Cứu!”.
Công nhân được các lực lượng cứu hộ cứu thoát khỏi hầm.
Ngay sau khi lực lượng công giải cứu thành công 12 công nhân mắc kẹt, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến đã thay mặt địa phương cảm ơn sự vào cuộc tích cực, nỗ lực hết mình để lập chiến công của bộ đội công binh. Chiến công này càng đặc biệt ý nghĩa trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Tỉnh Lâm Đồng đã quyết định thưởng “nóng” lực lượng công binh 100 triệu đồng.
Chăm sóc đặc biệt cho 12 công nhân
Bác sĩ Nguyễn Bá Hy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, cho biết lực lượng y, bác sĩ túc trực thường xuyên tại hiện trường để kịp thời cấp cứu các công nhân khi họ được đưa ra khỏi hầm. Cứ mỗi công nhân, có một bác sĩ và một điều dưỡng chăm sóc, sơ cứu.
Khoảng 20 phút sơ cứu tại hiện trường, các công nhân được xe cứu thương chờ sẵn đưa đến Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng (cách hiện trường khoảng 30km) để tiếp tục chăm sóc, cứu chữa. Theo bác sĩ Nguyễn Bá Hy, đơn vị đã chuẩn bị sẵn một khu vực đặc biệt trong bệnh viện để điều trị, chăm sóc đặc biệt cho các công nhân. Ngoài lực lượng y, bác sĩ của Lâm Đồng, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử đoàn y, bác sĩ hơn 10 người, trong đó có 2 phó giám đốc lên hỗ trợ điều trị. Lúc 19 giờ, các công nhân được dùng bữa đầu tiên sau nhiều ngày bị mắc kẹt trong hầm. Đến 21 giờ 30, 11 công nhân nam đã ổn định sức khỏe, có thể đi lại. Còn công nhân nữ Đặng Thị Hồng Ngọc vẫn phải điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu.
Các công nhân được y, bác sĩ chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, dù các công nhân nam đã ổn định sức khỏe nhưng các bác sĩ vẫn hướng dẫn ở yên tại giường, sưởi quạt ấm và để các bác sĩ chăm sóc, phục hồi sức khỏe tốt hơn.
|
Cảm ơn chiến sĩ công binh!
Không có ngôn từ nào có thể diễn tả hết cảm xúc, niềm vui khi 12 công nhân trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo được lực lượng công binh giải cứu ra ngoài thông qua một ngách, đúng hơn là một địa đạo nằm sâu trong lòng đất. Điều kỳ diệu đã xảy ra vượt quá mong đợi của hàng triệu con tim Việt Nam đang nghẹt thở theo dõi vụ việc và trước sự bất lực của công nghệ hiện đại. Một lần nữa chứng minh rằng, địa đạo là sự cứu rỗi của người dân Việt Nam.
Nhiều ngày qua, hàng triệu người đã hồi hộp dõi theo công cuộc giải cứu 12 công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo sau một sự cố sụt lở đường hầm. Gần nhưng toàn bộ những các trang báo mạng đều tổ chức tường thuật trực tuyến cuộc giải cứu lịch sử này. Khi có thông tin mũi khoan bị gãy, bị mắc kẹt hay gặp sự cố vì gặp đá là tim mỗi người cứ như bị bóp nghẹt. Nhiều giải pháp được đưa ra, nhiều máy móc thiết bị công trình hiện đại được điều đến hiện trường và cả những chuyên gia cứu hộ mỏ ở Quảng Ninh cũng có mặt tham gia cuộc giải cứu nhưng mau chóng gây thất vọng vì thời gian cứ dần trôi qua mà 12 công nhân vẫn mắc kẹt.
Tại đường hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, những máy móc thiết bị khoan hiện đại cũng chỉ thành công ở những mũi khoan nhỏ để thông hơi, cung cấp thức ăn cho các nạn nhân mà không thể có một mũi khoan nào đủ lớn có thể đưa các nạn nhân ra khỏi đường hầm tối tăm lạnh giá kia đã làm hàng triệu con tim như bị bóp nghẹt. Nhưng khi lực lượng công binh có mặt tại hiện trường, báo chí tường thuật rằng họ sẽ giải cứu bằng cách thủ công: đào ngách vòng qua điểm sập để cứu người. Cái phương pháp thủ công ấy khiến nhiều người “bán tín bán nghi” cho rằng làm sao có thể phương pháp thủ công kia lại cứu được nạn nhân trong khi máy móc, thiết bị hiện đại không thể xuyên thủng? Rồi họ liên tưởng đến cuộc giải cứu ghi danh lịch sử ở đất nước Chile khi dùng các mũi khoan khổng lồ để giải cứu 33 thợ mỏ mắc kẹt sâu trong lòng đất rồi… thở dài. Cách mà công binh đưa ra là cách hữu hiệu nhất, nhanh nhất và kịp thời nhất. Bởi lẽ, trong một điều kiện hiện trường hầm sập chật hẹp, địa chất yếu, địa tầng phức tạp thì máy móc hiện đại như ta đang có chẳng thể cứu sống kịp thời các nạn nhân, mà thậm chí có thể gây ra thảm họa nếu đường hầm tiếp tục sụt đổ. Trong khi, nếu đào một địa đạo nhỏ chừng vài chục mét thì gần như là “chuyện thường ngày” đối với người dân Việt Nam.
Và điều kỳ diệu đã xảy ra. Hay nói đúng hơn, những chiến sĩ công binh đã làm nên điều kỳ diệu khi họ giải cứu 12 công nhân bằng chính cái ngách vòng - địa đạo. Lịch sử dân tộc đã chứng minh, không phải chỉ máy móc hiện đại là hiệu quả, cứ thủ công là lạc hậu. Những Vịnh Mốc, Kỳ Anh, Phú An - Phú Xuân, Củ Chi được đào thủ công nằm sâu trong lòng đất đã chiến thắng bom Mỹ, ghi danh vào lịch sử quân sự Việt Nam mà đến những chuyên gia quân sự của các nước tiên tiến cũng không thể ngờ. Đến nỗi, khi được chui vào những địa đạo thần kỳ ấy họ cũng không thể tin là sự thật...
Cuộc giải cứu 12 công nhân mắc kẹt trong đường hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo rồi sẽ được ghi vào lịch sử cứu hộ hầm mỏ Việt Nam. Cuộc giải cứu này cũng rút ra một bài học cuộc sống: phương pháp phù hợp mới là tối ưu chứ không hẳn là phương tiện!
Xin tri ân những người lính công binh!
NGUYÊN KHÔI
>> 12 công nhân đã được giải cứu, chuyển đến bệnh viện