“Điều kỳ lạ” Lê Trọng Cường

Được sinh ra giữa chiến khu, tuổi thơ Lê Trọng Cường (ảnh) lênh đênh từ núi rừng miền Trung ra Bắc rồi quay về quê hương sau ngày đất nước thống nhất. Dù đang là một kiến trúc sư thành đạt nhưng anh lại rất say mê nhiếp ảnh và hoạt động xã hội từ thiện. Có lẽ nhờ cái “gien” sinh từ núi rừng, nên anh yêu côn trùng, thiên nhiên, nhất là các loài bướm và thu về trong ống kính độc đáo của mình.
“Điều kỳ lạ” Lê Trọng Cường

Được sinh ra giữa chiến khu, tuổi thơ Lê Trọng Cường (ảnh) lênh đênh từ núi rừng miền Trung ra Bắc rồi quay về quê hương sau ngày đất nước thống nhất. Dù đang là một kiến trúc sư thành đạt nhưng anh lại rất say mê nhiếp ảnh và hoạt động xã hội từ thiện. Có lẽ nhờ cái “gien” sinh từ núi rừng, nên anh yêu côn trùng, thiên nhiên, nhất là các loài bướm và thu về trong ống kính độc đáo của mình.

Miền núi phía Tây tỉnh Phú Yên là một phần của Tây Nguyên, trước đây là một vùng căn cứ cách mạng và là chiến trường ác liệt thời chống Mỹ. Lê Trọng Cường được sinh ra ở đây năm 1972. Cha là bộ đội, mẹ là y sĩ. Không ít lần người mẹ phải ôm con trốn vào hang đá để tránh giặc vây càn và máy bay ném bom. Trước hoàn cảnh nguy nan đó, năm Cường lên 2 tuổi, mẹ anh được tổ chức bố trí ôm con thơ vượt Trường Sơn ra Bắc.

Kiến trúc sư Lê Trọng Cường bén duyên với nhiếp ảnh và những bức ảnh của mình.

Đất nước thống nhất, mẹ bế con lên tàu trở về Phú Yên sum họp gia đình. Lê Trọng Cường có năng khiếu mỹ thuật, nhưng thời bao cấp khó khăn, là con của một gia đình công chức nhỏ, làm gì có điều kiện để mua dụng cụ, phương tiện mà vẽ. Để thỏa mãn niềm đam mê, Cường vẽ mọi lúc mọi nơi, từ tường nhà ra mặt đất sân vườn. Vẽ bằng mọi vật dụng có được, từ chì màu, phấn, than củi. Và anh cũng thích làm mô hình nhà bằng hộp diêm, bao thuốc, đắp cát biển, vun bụi đất. Năng khiếu mỹ thuật và kiến trúc hun đúc thành tình yêu mạnh mẽ không dứt trong anh.

Lê Trọng Cường thi vào Đại học Kiến trúc, tốt nghiệp quay về quê hương làm việc. Công ty Delta của anh ra đời, nhiều công trình được anh thiết kế, xây dựng góp phần thay đổi bộ mặt tỉnh Phú Yên. Biệt danh Cường Delta cũng xuất hiện từ đó. Cường Delta nổi lên là một kiến trúc sư trẻ tài hoa và năng động, thực hiện nhiều công trình có tầm vóc, lãnh đạo một công ty đông đảo người lao động ở một vùng quê còn nhiều khó khăn.

Những lúc rảnh rỗi, Lê Trọng Cường xách máy ảnh đi chụp giải trí. Tưởng chụp chơi cho vui, nhưng nhờ có năng khiếu mỹ thuật, một số bức ảnh về phong cảnh thiên nhiên của anh được giới chuyên môn đánh giá cao. Bây giờ, Lê Trọng Cường đã là tay máy chuyên nghiệp, cùng nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Ngọc Minh đứng ra thành lập Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Sông Ba trực thuộc Hội VHNT tỉnh Phú Yên, anh giữ vai trò phó chủ nhiệm.

Lê Trọng Cường cùng hàng trăm thành viên CLB thường xuyên tổ chức những chuyến đi thực tế, lên rừng xuống biển để săn ảnh và tích cực làm công tác xã hội từ thiện, hỗ trợ bà con vùng sâu vùng xa và những người nghèo gặp bất trắc.

Vừa qua, tôi cùng đoàn văn nghệ sĩ 10 tỉnh thành bạn về Tuy Hòa tham dự Hội thơ Nguyên tiêu truyền thống núi Nhạn lần thứ 35. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Phú Yên, đưa chúng tôi đến khai mạc phòng triển lãm ảnh của hội và dự sơ khảo cuộc thi qua ảnh Người đẹp Nguyên tiêu Ất Mùi 2015. Thật bất ngờ, phòng triển lãm ảnh lại nằm trong khuôn viên Nhà hàng Café Delta do Lê Trọng Cường làm giám đốc. Đây là một cơ ngơi mới của anh, để vừa sản xuất kinh doanh cà phê vừa tạo không gian hoạt động triển lãm nghệ thuật.

Cuộc triển lãm tại Café Delta có hơn 100 bức ảnh sinh động của CLB Nhiếp ảnh Sông Ba, trong đó nổi bật những bức ảnh về côn trùng do chính Lê Trọng Cường thực hiện. Trước sự ngạc nhiên của tôi, Cường Delta mỉm cười giãi bày: “Trước đây tôi thích chụp ảnh lưu niệm, chụp cảnh đẹp cho vui thôi. Sau khi tiếp xúc giao lưu với một số nhà nhiếp ảnh thì biết thêm nhiều điều thú vị nên tôi quyết định chụp ảnh chuyên sâu. Đề tài côn trùng không mới nhưng nó gắn liền với thiên nhiên kỳ thú. Thế giới vi mô có muôn hình vạn trạng với màu sắc phong phú, để chụp được ảnh, ta phải hiểu về quy luật sinh trưởng của các loài vật và khu vực tồn tại của chúng. Đến nay tôi chụp được trên 200 loài côn trùng khác nhau và có khoảng trên 300 bức ảnh tôi thấy ưng ý”.

Để giúp tôi và các bạn ở tỉnh khác hiểu hơn nghệ thuật chụp ảnh về côn trùng cũng như giới thiệu những cảnh đẹp quê hương Phú Yên, hôm sau Lê Trọng Cường đã lấy xe đưa chúng tôi đi thăm Mũi Điện, Vũng Rô, đèo Cả, đập Đồng Cam, núi Nhạn… Đến đâu Lê Trọng Cường cũng bước từng bước nhẹ lia ống kính chụp bướm, rồi say sưa giải thích sự khác nhau của các loài bướm.

Một người trẻ phân thân, vừa thiết kế xây dựng các công trình, vừa quản lý điều hành nhà hàng và sản xuất cà phê, vẫn có thời gian dành cho đam mê nhiếp ảnh và làm công tác xã hội từ thiện, rõ ràng Cường Delta cũng là “điều kỳ lạ” của mảnh đất duyên hải miền Trung này.

HÙNG PHAN

Tin cùng chuyên mục