Điều nhân được đề nghị đưa ra khỏi danh mục kiểm dịch thực vật

Ông Lê Sơn Hà, Trưởng Phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, sẽ kiến nghị lên Bộ NN-PTNT đưa mặt hàng này ra khỏi danh mục kiểm dịch thực vật, vì nguy cơ gần như không có.

Chiều 28-9, tại cuộc họp phổ biến các quy định pháp luật về kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tổ chức ở TPHCM, ghi nhận phản ánh của Hội Điều Bình Phước trước đó về vướng mắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nhân điều, ông Lê Sơn Hà, Trưởng Phòng Kiểm dịch thực vật (KDTV) cho biết, sẽ kiến nghị lên Bộ NN-PTNT đưa mặt hàng này ra khỏi danh mục KDTV, vì nguy cơ gần như không có.

Trước đó, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước cho biết, trong quá trình chế biến, nhân hạt điều đã được làm chín rất kỹ. Điều thô được hấp ở nhiệt độ trên 100 độ C, trên 30 phút. Nhân điều có vỏ lụa tiếp tục được sấy ở nhiệt độ từ 70-80 độ C trong 18 tiếng. Nhân hạt điều trước khi đóng gói được xử lý hun trùng, sau đó được đóng gói chân không, bảo quản trong 24 tháng.

Các quốc gia như Hoa Kỳ, Úc dù quy định KDTV rất nghiêm ngặt với các sản phẩm nguồn gốc thực vật nhập khẩu, cũng chỉ kiểm tra hạt điều từ Việt Nam với xác suất chưa đến 1%. Bởi vì, họ coi hạt điều như là thực phẩm đã được làm chín.

Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cũng giải thích và hướng dẫn các doanh nghiệp (DN) về một số vướng mắc trong việc xác định nguồn gốc hạt giống nhập khẩu từ nước thứ ba, về việc nhập khẩu bột mỳ, về chữ ký điện tử...

Điều là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nông sản Việt Nam, vừa gặp vướng mắc thời gian qua

Điều là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nông sản Việt Nam, vừa gặp vướng mắc thời gian qua

Theo đại diện Cục BVTV, để cấp Giấy chứng nhận KDTV xuất khẩu hoặc tái xuất, cần kiểm tra tính hiệu lực mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, và kiểm tra việc đảm bảo tuân thủ các điều kiện để được cấp. Nhất là các sản phẩm rau củ quả tươi như thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, chuối, thạch đen và khoai lang xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, Ả rập xê út… Đây là yêu cầu bắt buộc của các thị trường nhập khẩu và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định về KDTV, an toàn thực phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc.

Với việc KDTV nhập khẩu, DN cần nắm quy định, thủ tục, hoạt động kiểm tra về an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật quá cảnh... đang được thực hiện tại các Chi cục KDTV vùng (thuộc Cục BVTV).

Hiện nay, yêu cầu đòi hỏi đẩy mạnh xúc tiến mở cửa thị trường, tạo điều kiện thuận lợi trong thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, việc KDTV vừa phải đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam nhưng cũng phải đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, vừa phải nâng cao giá trị, chất lượng và uy tín hàng hóa nông sản của Việt Nam, tuân thủ các cam kết tại Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) của WTO và các hiệp định thương mại FTA mà Việt Nam đã ký.

Ông Đặng Văn Hoàng, Chi Cục trưởng Chi cục KDTV vùng 2 cho biết, cuộc họp nhằm minh bạch hóa các quy định, thủ tục hành chính, cũng như đồng hành cùng các DN khi thực hiện các quy định về KDTV xuất nhập khẩu một cách hiệu quả. Các DN cần nắm rõ quy định trong nước cũng như cập nhật những thay đổi các quốc gia nhập khẩu từ đối tác để không vi phạm, gây thiệt hại quyền lợi DN cũng như hình ảnh các mặt hàng nông sản Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục