Điều trị sớm cho người nhiễm HIV sẽ giảm 96% nguy cơ lây nhiễm

Với đề án “Thí điểm điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV bằng phương thức xã hội hóa” vừa phê duyệt, UBND TPHCM đã thực hiện một bước đi mới trong cuộc chiến chống HIV/AIDS, với quyết tâm phấn đấu sau 10 đến 15 năm sẽ không còn người nhiễm mới HIV, tiến tới kết thúc đại dịch trên địa bàn TPHCM. Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân - Chánh Văn phòng Ủy ban phòng chống AIDS TPHCM - đã cho biết một số nét chính của đề án…
Điều trị sớm cho người nhiễm HIV sẽ giảm 96% nguy cơ lây nhiễm

Với đề án “Thí điểm điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV bằng phương thức xã hội hóa” vừa phê duyệt, UBND TPHCM đã thực hiện một bước đi mới trong cuộc chiến chống HIV/AIDS, với quyết tâm phấn đấu sau 10 đến 15 năm sẽ không còn người nhiễm mới HIV, tiến tới kết thúc đại dịch trên địa bàn TPHCM. Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân - Chánh Văn phòng Ủy ban phòng chống AIDS TPHCM - đã cho biết một số nét chính của đề án…

Điều trị sớm cho người nhiễm HIV sẽ giảm 96% nguy cơ lây nhiễm ảnh 1

Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân

* Phóng viên: Thưa bác sĩ, tại sao TPHCM xây dựng đề án thí điểm điều trị ARV sớm bằng phương thức xã hội hóa cho người nhiễm HIV?

* BS TIÊU THỊ THU VÂN: Trên địa bàn TPHCM hiện đã phát hiện hơn 48 ngàn người nhiễm HIV. Theo quy định của Bộ Y tế, một người nhiễm HIV muốn được đưa vào điều trị ARV miễn phí thì xét nghiệm tế bào CD4 phải ở mức dưới 350. Căn cứ theo tiêu chuẩn đó, hiện 35 phòng khám ngoại trú ở các bệnh viện, khoa tham vấn và hỗ trợ cộng đồng quận - huyện, các trung tâm chữa bệnh và các trại tạm giam đang điều trị ARV cho 23.800 bệnh nhân, chiếm gần 48% trên tổng số người nhiễm. Có thể thấy rõ, hơn 50% người nhiễm HIV chưa được can thiệp, điều trị còn lại là một trong những nguy cơ tiềm ẩn việc lây nhiễm trong cộng đồng.

Chương trình điều trị sớm nhắm vào những trường hợp có khả năng tài chính để tự chữa trị và nhóm đối tượng không thích sử dụng chương trình điều trị miễn phí bởi bị nhiều ràng buộc, trong khi họ có khả năng để tự chi trả. Với đề án này, tất cả người nhiễm HIV đều được điều trị ARV sớm theo phương thức tự nguyện, tự chi trả chi phí tại các phòng khám ngoại trú thí điểm của đề án.

* Đây quả là tin vui cho những người bị nhiễm HIV. Xin bác sĩ cho biết khi nào bệnh nhân được quyền điều trị tự nguyện? Điều kiện như thế nào để được tham gia chương trình?

* Hiện chúng tôi đang chuẩn bị các thủ tục, cơ sở vật chất, hệ thống cung ứng thuốc ARV theo giá ưu đãi, tập huấn cho cán bộ… Theo kế hoạch, dự kiến vào đầu năm 2015, thành phố bắt đầu triển khai thí điểm tại 4 - 5 phòng khám. Ở giai đoạn 2016 - 2018, đề án sẽ được mở rộng tại các cơ sở chăm sóc điều trị, các quận - huyện. Như vậy, người nhiễm HIV chưa thuộc đối tượng được điều trị trong chương trình theo quy định của Bộ Y tế có thể đăng ký tham gia điều trị theo phương thức tự trả chi phí.

Một điểm khám, tư vấn và điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV.

* Điều nhiều người quan tâm là nếu điều trị sớm thì khả năng phục hồi sức khỏe như thế nào?

* Khoa học đã chứng minh việc điều trị ARV sớm giúp người nhiễm duy trì và cải thiện sức khỏe, có thể kéo dài cuộc sống đến 40 năm, giảm nguy cơ tử vong. Khi tuân thủ điều trị, người nhiễm có tải lượng vi rút HIV trong máu giảm dần, thậm chí xuống đến mức không gây ra lây nhiễm cho người khác. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2011 đã khẳng định nếu điều trị ARV sớm sẽ làm giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV cho bạn tình.

Khi tham gia điều trị tự nguyện, người nhiễm HIV được cung cấp đầy đủ các dịch vụ khám, tư vấn, theo dõi sức khỏe định kỳ, thực hiện các xét nghiệm theo dõi tình trạng miễn dịch, các xét nghiệm chẩn đoán các bệnh nhiễm trùng cơ hội và những thuốc điều trị. Thực tế chương trình chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS trên địa bàn TPHCM đã giúp kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV/AIDS, góp phần dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

* Chi phí tham gia điều trị tự nguyện có cao không, thưa bác sĩ?

* Đề án huy động nguồn lực từ các nhà sản xuất dược phẩm trong nước cùng tham gia hoạt động xã hội, trợ giá thuốc và bán với giá ưu đãi bằng 1/3 giá thị trường. Ước tính, ở giai đoạn 2014 - 2015, bình quân mỗi bệnh nhân sẽ chi trả từ 12 ngàn đến 22 ngàn/đồng/ngày (tùy theo phác đồ điều trị gồm tiền khám, thuốc, chi phí xét nghiệm). Từ năm 2016 trở đi, khi không còn các nguồn tài trợ của quốc tế, bệnh nhân phải chi trả thêm chi phí xét nghiệm CD4, do vậy chi phí sẽ tăng lên từ 14 ngàn đến 24 ngàn đồng/ngày/bệnh nhân.

BỐI DIỆP

Tin cùng chuyên mục