Qua đó sẽ tiếp thu những ý kiến phù hợp làm cơ sở xây dựng các giải pháp cho Đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm ATTP giữa TPHCM và các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” (do Sở Công thương TPHCM phối hợp Trường Đại học Kinh tế TPHCM soạn thảo), dự kiến trình UBND TPHCM xem xét vào cuối năm nay.
Theo điều tra của Ban chủ nhiệm đề án, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (bao gồm TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang) có quy mô khoảng 24 triệu dân, tiêu thụ một lượng lớn nông sản thực phẩm. Ước tính mỗi năm cả vùng tiêu thụ đến 1,5 triệu tấn gạo, 500.000 tấn thịt các loại, 800.000 tấn thủy hải sản, 3 triệu tấn rau quả và 1.500 triệu quả trứng. Đây cũng là vùng chăn nuôi trồng trọt tập trung với quy mô lớn, cung ứng nông sản thực phẩm cho các đô thị lớn trong cả nước.
Trên thực tế, sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh, thành đang gặp nhiều khó khăn, chưa có pháp lý cụ thể quy định trong sản xuất nên tình trạng “mạnh ai nấy làm” diễn ra rất phổ biến. Việc không thống nhất trong sản xuất cũng có nghĩa, chúng ta không thể tiến tới kiểm soát được chất lượng, ATTP.
Hạn chế liên kết vùng cũng xuất phát từ thực tế là các địa phương không thể cung cấp thông tin chi tiết và chính xác tỷ lệ diện tích hoặc quy mô sản lượng trồng trọt hoặc chăn nuôi đạt chuẩn an toàn. Chỉ có thể ước lượng tỷ lệ diện tích trồng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP trong toàn vùng vào khoảng 5%-10% tổng diện tích trồng rau, không có số liệu cụ thể về tỷ lệ quy mô đàn heo, gà thịt, trứng được chăn nuôi theo VietGAP hoặc các quy chuẩn sản xuất an toàn sinh học. Điều quan trọng là hệ thống quản lý của Việt Nam hiện nay chưa có cấp vùng, bị chia cắt theo địa giới hành chính, dẫn đến việc phân bổ các nhân tố sản xuất và quản trị liên kết cung cầu kém hiệu quả.
Tại nhiều hội thảo, tọa đàm, đại diện các tỉnh, thành cũng như doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực đều thống nhất khi cho rằng cần xây dựng chuẩn hàng hóa bắt buộc khi đưa vào lưu thông phân phối trên thị trường. Nói cách khác, việc đầu tiên là phải xác lập tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật bắt buộc trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Vấn đề khác cũng được đặt ra là nên chọn chuẩn nào cho hàng nông sản: sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, GloboGAP hay Organic… Theo Ban chủ nhiệm đề án, trước mắt nên có cơ chế khuyến khích kết hợp bắt buộc hình thành các liên kết dọc và ngang để dần thay đổi hành vi sản xuất không liên kết. Cần thống nhất chọn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chỉ có hàng VietGAP, có truy xuất nguồn gốc, có thương hiệu, có bao bì đóng gói mới được đưa vào lưu thông.
Để làm được điều này, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có sự thống nhất về quan điểm tiếp cận và tổ chức triển khai quyết liệt và đồng bộ. TPHCM, với vai trò hạt nhân liên kết vùng cùng với những thế mạnh của mình, có đủ năng lực chủ trì thiết lập các quy định mới. Cụ thể, TPHCM là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất vùng, tất cả các tỉnh đều có nhu cầu bán hàng vào TPHCM; TP cũng có kênh phân phối hiện đại (chiếm 15% thị phần bán lẻ cả nước) được tổ chức bài bản theo chuỗi. Mặt khác, TP hiện có 3 chợ đầu mối nông sản chiếm đến 80% thị phần hàng thực phẩm thiết yếu của TPHCM, do đó TP chỉ cần tập trung chỉ đạo thiết lập tiêu chuẩn mới mang tính bắt buộc đối với tất cả hàng hóa đưa vào chợ thì chúng ta có thể kiểm soát hầu hết thị trường mà không cần mất sức kiểm soát các chợ bán lẻ.
Bên cạnh đó, cần thêm nhiều cơ chế, chính sách từ phía Trung ương và các địa phương, cũng như cần một lộ trình triển khai và chuyển đổi sản xuất phù hợp mới có thể đưa đề án vào cuộc sống. Hơn lúc nào hết, vấn đề đảm bảo ATTP cho miếng ăn hàng ngày của người dân nhằm đảm bảo sức khỏe giống nòi cần phải xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn vùng cũng như cả nước.