Người cao tuổi có nguy cơ suy dinh dưỡng rất cao, do tiến trình lão hóa tự nhiên, chức năng các cơ quan trong cơ thể đều suy giảm, đặc biệt hệ thống tiêu hóa, hấp thụ thức ăn trở nên kém hơn so với lúc trẻ, ngoài ra người cao tuổi thường có nhiều bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận, tai biến mạch máu não... Vì vậy, vấn đề dinh dưỡng cho người cao tuổi cần được quan tâm đúng mức.
Người cao tuổi việc cảm nhận mùi vị thức ăn giảm, sức nhai giảm, nuốt kém do tiết nuớc bọt giảm, nhu động co bóp của thực quản, dạ dày, ruột đều giảm. Người cao tuổi cũng dễ bị thiếu nước do giảm cảm giác khát, thận giảm cô đặc nước tiểu, hoặc do sử dụng thuốc lợi tiểu... kết hợp nhu động ruột giảm nên dễ gây táo bón. Tất cả các thay đổi này đều làm giảm tiêu hóa, hấp thu thức ăn do đó cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Chế độ ăn của người cao tuổi
Phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng hiện tại, thiếu cân hay thừa cân. Với người cao tuổi đang thừa cân béo phì cần hạn chế năng lượng ăn vào, mục tiêu giữ cơ thể ở mức cân nặng lý tưởng, hạn chế nguy cơ bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, thoái hóa khớp... với người gầy yếu cần tăng cuờng dinh dưỡng. Nhìn chung, so với người trẻ, người cao tuổi có nhu cầu năng lượng thấp hơn, do chuyển hóa cơ bản giảm, khối cơ giảm, vận động ít hơn, lượng thực phẩm ăn vào nên ít hơn lúc trẻ. Cụ thể:
- Giảm lượng bột đường ăn vào: Giảm số chén cơm trong ngày còn 1-2 chén, có thể ăn ít cơm hơn thay vào đó là khoai củ như khoai lang, khoai sọ, có nhiều chất xơ, chỉ số đường huyết thấp, vừa giúp chống táo bón, vừa giúp ổn định đường huyết sau ăn đối với người mắc bệnh đái tháo đường. Hạn chế các loại bánh kẹo ngọt, bánh snack, nước ngọt... vì dễ gây thừa cân béo phì.
- Nên ăn đủ lượng chất đạm từ thịt, cá, trứng, các loại đậu... như lúc còn trẻ, nên ăn cá nhiều hơn thịt, ít nhất có 3 bữa cá trong tuần, 2-3 quả trứng/tuần, kết hợp ăn các loại đậu hủ, đậu Hà Lan... đặc biệt đậu nành rất tốt có tác dụng bảo vệ tim và phòng ngừa ung thư.
- Giảm lượng chất béo ăn vào: Tỷ lệ mỡ trong cơ thể người cao tuổi cao hơn so với người trẻ. Do đó hạn chế chất béo trong chế độ ăn, đặc biệt là chất béo có hại, thực phẩm giàu cholesterol như thịt mỡ, bơ, lòng đỏ trứng, gan, tim... nên ăn dầu thực vật như dầu mè, dầu o liu, tránh dầu dừa, dầu cọ, nên ăn mỡ cá (cá hồi, cá nục, cá thu, basa...) vì chứa nhiều omega-3 có tác dụng bảo vệ tim, chống huyết khối và xơ vữa động mạch.
- Rau và trái cây: Rất tốt cho người cao tuổi, cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, nên ăn nhiều rau có màu xanh đậm (bông cải xanh, cải bó xôi, rau ngót, rau dền, mồng tơi...), củ quả có màu vàng, đỏ, tím như cà chua, cà rốt, cà tím, quả gấc, nho đỏ... cung cấp nhiều vitamin A và các chất chống oxy hóa, giúp làm chậm quá trình lão hóa, phòng chống ung thư. Khẩu phần nhiều rau còn giúp chống táo bón, giảm hấp thụ cholesterol, giảm nguy cơ ung thư đại tràng.
- Không nên ăn mặn, chỉ nên nêm vừa, nêm nhạt, thậm chí rất nhạt nếu có bệnh tăng huyết áp, giúp phòng tránh bệnh suy tim, cao huyết áp, bệnh thận... Không nên ăn các thực phẩm nhiều muối như các loại mắm, cá khô, dưa muối...
- Lưu ý cung cấp đủ nhu cầu canxi qua chế độ ăn, nên uống 1-2 ly sữa/ngày, ăn thêm sữa chua, cá nhỏ ninh nhừ ăn cả xương giúp phòng chống loãng xương. Sử dụng sữa giàu canxi, sữa hoặc thực phẩm dinh dưỡng cao năng lượng, giàu dưỡng chất, dễ uống, dễ tiêu hóa, dễ hấp thụ.
- Uống đủ nước, mỗi ngày nên uống từ 6-8 ly, dù không có cảm giác khát, có thể nước đun sôi để nguội, nước suối, nước chè tươi… giúp cơ thể thanh lọc tốt, đảm bảo sức khỏe, ngăn ngừa táo bón. Nên uống rải đều trong ngày, không nên uống nhiều ngay sau bữa ăn dễ gây chậm tiêu hóa thức ăn do làm loãng dịch vị, men tiêu hóa, tránh uống nhiều vào buổi tối để hạn chế đi tiểu đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Lưu ý trong chăm sóc người cao tuổi
Nhằm giúp người cao tuổi ăn uống ngon miệng hơn, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, cần lưu ý cách chế biến thực phẩm phải phù hợp với đối tượng này. Thức ăn phải mềm, nên ninh nhừ, hầm kỹ giúp dễ nhai, dễ nuốt, đồng thời quá trình tiêu hóa, hấp thu cũng dễ dàng hơn. Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, không nên ăn quá no trong cùng một bữa, không ăn quá muộn gần giờ đi ngủ. Bên cạnh đó, không khí bữa ăn cũng hết sức quan trọng, nên tổ chức bữa ăn gia đình với sự tham gia của tất cả các thành viên, tạo không khí thật ấm cúng, vui vẻ cũng góp phần giúp người cao tuổi ăn uống ngon miệng, đảm bảo dinh dưỡng.
BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
PCT HĐQT Công ty NutiFood