Dinh dưỡng lứa tuổi thanh thiếu niên

Những vấn đề dinh dưỡng thanh thiếu niên
Dinh dưỡng lứa tuổi thanh thiếu niên

Những vấn đề dinh dưỡng thanh thiếu niên

Thanh thiếu niên là giai đoạn trẻ phát triển vượt bậc về thể chất, theo đó nhu cầu các chất dinh dưỡng cũng ở mức cao nhất, các thành phần đạm, canxi, sắt, kẽm, vitamin... rất dễ bị thiếu hụt nếu cung cấp không đầy đủ.

Lứa tuổi này có một số thuận lợi trong dinh dưỡng là nhờ nhu cầu dinh dưỡng cao, trẻ đã lớn nên thường dễ ăn ngon miệng, biết ăn nhiều loại thực phẩm nên nếu được cung cấp đầy đủ thực phẩm và quan tâm đúng mức trẻ dễ dàng nạp đủ nhu cầu cho sự phát triển.

Tuy nhiên, có không ít những bất lợi trong dinh dưỡng ở lứa tuổi này, vì trẻ đã lớn, có thể tự lập trong ăn uống nên cha mẹ thường ít để ý chăm chút như lúc còn nhỏ. Lứa tuổi này lại rất dễ hình thành những thói quen xấu về dinh dưỡng do đang ở trong độ tuổi có nhiều xáo trộn về tâm lý, trẻ dễ bắt chước, dễ có tâm lý đám đông nên dễ bị ảnh hưởng bởi thói quen ăn uống của bạn bè, thích ăn các thức ăn mà bạn chọn thay vì ăn thức ăn tốt cho sức khỏe. Trẻ dễ dàng chọn lựa thực phẩm nghèo dinh dưỡng nhưng tiện lợi, thơm ngon hợp khẩu vị thay vì ăn uống khoa học, trẻ cũng dễ bỏ bữa ăn sáng do thói quen ngủ nướng, dậy muộn, vội vã không kịp ăn, làm cơ thể luôn phải khởi động ngày mới trong tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu phát triển của cơ thể. Nhiều trẻ bắt đầu chú ý đến ngoại hình nên đôi khi chạy theo trào lưu nhịn ăn, giảm cân không khoa học, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển tầm vóc của trẻ.

Chính vì vậy, trong nuôi dưỡng cần chú ý việc giáo dục dinh dưỡng để hướng cho trẻ biết ăn uống đúng cách có vai trò hết sức quan trọng, lứa tuổi này trẻ không chỉ ăn uống trong gia đình mà trẻ còn ăn uống nhiều bữa bên ngoài như ở truờng, đi ăn hàng quán bên ngoài cùng bạn bè, một số trẻ đã phải đi học xa nhà, phải ở trọ một mình tự lo chuyện ăn uống.

Thức ăn nhanh có tốt cho thanh thiếu niên?

Với sự phát triển của xã hội, các hàng quán thức ăn nhanh cũng phát triển theo, đây là ngành hàng rất được ưa chuộng với một bộ phận không nhỏ người lao động, học sinh, sinh viên vì tính tiện lợi của nó. Đặc biệt với lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên thì đây là những thực phẩm hết sức hấp dẫn với hương vị quyến rũ, hình thức bắt mắt, lại tiết kiệm được thời gian, rất thích hợp để hẹn hò nhâm nhi cùng bạn bè trong các dịp lễ hội, sinh nhật... chưa kể hàng quán những chỗ này được trang trí bày biện rất tiện nghi thoải mái. Và không ít trẻ trở nên “nghiện” với những loại thức ăn này.

Thực tế thức ăn nhanh có nhiều ưu điểm, giúp người dùng tiết kiệm thời gian, công sức nấu nướng, hương vị thơm ngon... nhưng về mặt khoa học dinh dưỡng, chỉ nên xem đó là những món ăn chơi, thỉnh thoảng dùng thì không sao, nếu dùng thường xuyên sẽ có nhiều nguy cơ cho sức khỏe vì những lý do sau:
Giàu năng lượng, thiếu vitamin: Với thành phần chủ yếu là thịt và chất béo nên rất giàu năng lượng, lại rất ít rau xanh nên thiếu trầm trọng chất xơ, vitamin và chất khoáng.

Giàu đạm, giàu béo: Chất đạm trong thức ăn nhanh chủ yếu có nguồn gốc động vật có thể đáp ứng nhu cầu đạm hàng ngày của con người, tuy nhiên thường một bữa ăn với thức ăn nhanh sẽ được cung cấp với lượng rất lớn, không cân đối với nhu cầu dinh dưỡng. Chất béo trong đồ ăn nhanh lại ẩn chứa rất nhiều nguy cơ, do được chế biến ở nhiệt độ cao, dễ sản sinh ra các gốc tự do có hại cho cơ thể.

Thừa muối: Lượng natri trong bánh burger, khoai tây chiên… cao hơn rất nhiều so với nhu cầu của cơ thể, vì vậy nếu kéo dài việc thường xuyên ăn thức ăn nhanh sẽ đặc biệt nguy hiểm, nguy cơ tăng huyết áp, tăng gánh nặng cho thận...

Nếu dùng thức ăn nhanh trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì với hàng loạt nguy cơ bệnh lý liên quan như rối loạn chuyển hóa mỡ, cao huyết áp, tiểu đường, đột quỵ, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim… Các nhà khoa học khuyến cáo chỉ nên ăn thức ăn nhanh một tuần một lần nếu muốn tận hưởng được những hương vị khoái khẩu, nhưng vẫn đảm bảo được sức khỏe.

Dinh dưỡng cân đối giúp thanh thiếu niên khỏe mạnh, phát triển tối đa tầm vóc

Cần giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho trẻ từ nhỏ, trẻ biết cách chọn lựa và sử dụng thực phẩm phù hợp độ tuổi.

Ăn đủ năng lượng, cân đối các thành phần dinh dưỡng. Đây là độ tuổi có nhu cầu năng lượng rất cao, cần ăn đủ ngày 3 bữa chính với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm (bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất), đặc biệt chú ý rau và trái cây trong khẩu phần, không được bỏ bữa ăn sáng. Mỗi ngày ăn thêm 2 - 3 bữa phụ là những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như sữa, sữa chua, trái cây, khoai củ...

Hạn chế ăn vặt, ăn thức ăn nhanh, thức ăn béo, ngọt. Nên ăn uống tại gia đình vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu ăn ngoài chú ý chọn các món ăn giàu dưỡng chất, ăn nhiều rau xanh, hoa quả.

Uống nhiều nước, thích hợp nhất là nước lọc, nước hoa quả tươi, hạn chế sử dụng các loại nước ngọt có gas.

BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
 PCT HĐQT Công ty NutiFood

Tin cùng chuyên mục