Dinh dưỡng theo y học cổ truyền

Đã là con người thì ai cũng phải theo quy luật của tạo hóa sinh - lão - bệnh - tử, nhưng ai cũng muốn kéo dài giai đoạn sinh - lão một cách có chất lượng, nghĩa là không mắc phải bệnh tật, tuổi thọ được nâng cao.
Dinh dưỡng theo y học cổ truyền

Đã là con người thì ai cũng phải theo quy luật của tạo hóa sinh - lão - bệnh - tử, nhưng ai cũng muốn kéo dài giai đoạn sinh - lão một cách có chất lượng, nghĩa là không mắc phải bệnh tật, tuổi thọ được nâng cao.

Làm gì để ước muốn trở thành hiện thực?

Y học hiện đại ngày càng phát triển, nhiều phương pháp y học tiên tiến giúp cứu chữa được nhiều căn bệnh nan y, đem lại cuộc sống cho nhiều người. Các vấn đề dinh dưỡng và vận động ngày càng được chú trọng nhằm nâng cao sức khỏe. Song song đó là y học cổ truyền, kế thừa và phát triển từ những kinh nghiệm quý báu của cha ông, đề cao việc phòng bệnh, khống chế bệnh ngay từ khi bệnh còn chưa phát sinh bằng các phương pháp dưỡng sinh, ẩm thực… giúp con người đạt được mong ước sống lâu, sống khỏe.

Đông y cũng như Tây y quan niệm việc duy trì một cơ thể khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ có chất lượng bao gồm nhiều yếu tố, trong đó yếu tố ăn uống đóng vai trò quan trọng và là một biện pháp phòng bệnh cũng như chữa bệnh khi cơ thể không khỏe mạnh.

Dinh dưỡng trong y học cổ truyền thường được nói đến là đạo dưỡng sinh, là cách sống phù hợp với thiên nhiên, tránh hư tà tặc phong (khí độc và gió độc), ăn uống đúng bữa và đủ chất, rèn luyện thân thể, điều tiết tinh thần.

Ăn uống theo đạo dưỡng sinh

Theo Đông y, thức ăn được phân loại theo tính âm dương, việc tạo sự quân bình âm dương trong ăn uống sẽ giúp thân thể khỏe mạnh, trẻ trung. Ăn uống để dưỡng sinh bao gồm rất nhiều nội dung: Vệ sinh thực phẩm, phối hợp thức ăn, gia công chế biến, loại thức ăn, cách thức và thời gian ăn uống…

Cách thức và thời gian ăn uống: Tạo quân bình cho cơ thể bằng ăn uống phù hợp âm dương, ăn chậm, nhai kỹ... Nên xây dựng thói quen ăn uống tốt, hợp lý, đúng giờ, với số lượng vừa phải, không nên để quá đói hay quá no thất thường. Theo Đông y, ăn uống đúng giờ có thể giúp cơ thể không bị bệnh. Lượng thức ăn nên tùy mỗi người, nếu ăn quá no hay quá đói đều dễ gây thực trệ, tổn thương chức năng vị tràng hoặc có thể gây các bệnh khác. Nếu để đói lâu ngày làm tạng phủ và cơ thể không được nuôi dưỡng, chính khí ngày càng hư, tạo điều kiện cho ngoại tà xâm phạm.

Loại thức ăn: Theo Đông y, thức ăn quân bình giúp giữ cơ thể cân bằng, không ốm đau bệnh tật, không đẩy nhanh tiến trình lão hóa. Thức ăn được phân loại tự nhiên hay chế biến, thuộc âm hay dương? Những thức ăn có màu tối, đen, đục, chua đắng, mặn, lạnh, mát... thuộc âm. Những thức ăn có màu đỏ, vàng, xanh, tráng, trong, cay, the, ngọt, nóng... thuộc dương.

Từ đó có thể chọn thức ăn phù hợp theo mùa, theo tình trạng cơ thể như mùa nóng hoặc người cảm thấy nóng nên chọn thức ăn thuộc âm và ngược lại... Việc chế biến thức ăn khéo léo cũng giúp tạo sự quân bình, chẳng hạn thịt vịt có tính mát thuộc âm nên chấm với nước mắm gừng thuộc dương, trứng lộn ăn với rau răm cũng vậy... Không phải ngẫu nhiên mà các món ăn của người Việt luôn có nhiều loại gia vị đi kèm, mục đích cũng nhằm tạo sự quân bình âm dương.

Nên ăn đủ chất, cơ thể muốn tồn tại phải nhờ ăn uống. Nhu cầu các chất dinh dưỡng của cơ thể rất đa dạng. Các thức ăn giàu chất dinh dưỡng có thể giúp cơ thể sinh trưởng thuận lợi, chống lão hóa, tránh các bệnh do thiếu dinh dưỡng gây ra. Muốn vậy, khi ăn uống cần kết hợp các thức ăn theo nguyên tắc toàn diện, hợp lý, kết hợp với nhau nhằm đủ chất dinh dưỡng, cân bằng âm dương.

Theo Đông y, thuốc để chữa bệnh, ngũ cốc để nuôi dưỡng, ngũ quả để giúp đỡ, ngũ súc để giúp ích, ngũ rau để bổ sung... hay khí vị hợp lý có thể bổ ích tinh khí, nói lên tính chất cần đa dạng trong ăn uống. Đạo dưỡng sinh cũng khuyên khắc phục thói quen chỉ thích ăn một loại thức ăn, như chỉ thích ăn thức ăn thiên về âm hoặc thiên về dương. Nếu chỉ thích ăn, ăn thường xuyên một loại thức ăn nào đó sẽ làm ảnh hưởng các phủ tạng, chức năng của nó sẽ rối loạn, làm cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng khác, dễ phát sinh bệnh tật.

Vệ sinh thức ăn: Hết sức quan trọng, luôn dùng thực phẩm sạch. Gia súc, tôm cá và một số loại rau mọc dưới nước có thể là vật chủ của một số loại ký sinh trùng. Thực phẩm trong quá trình chế biến, cất giữ, vận chuyển cũng có thể bị lây nhiễm trứng, bào nang và một số vi sinh vật, thậm chí có thể bị ô nhiễm bởi các chất thải công nghiệp, các thuốc dùng trong nông nghiệp, thú y… Nếu dùng các loại thực phẩm này có thể dẫn đến bệnh tiêu hóa, truyền nhiễm, ngộ độc… Cũng không nên dùng các thức ăn quá hạn, thịt động vật, gia cầm chết do dịch bệnh để tránh nhiễm bệnh do thức ăn gây ra.

Đạo dưỡng sinh trong y học cổ truyền còn khuyên con người luôn duy trì vận động cơ thể thường xuyên hợp lý, hít thở điều hòa, đồng thời chủ động xây dựng đời sống tinh thần khỏe mạnh, điều tiết tinh thần, tình cảm để luôn đạt được trạng thái ổn định và cân bằng. Kết hợp nhiều biện pháp với nhau thì sẽ giữ cho cơ thể khỏe mạnh và trường thọ.

BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
 Thành viên HĐQT Công ty NutiFood

Tin cùng chuyên mục