Dinh dưỡng và bệnh lý dạ dày

Dinh dưỡng và bệnh lý dạ dày

Dạ dày là một bộ phận trong bộ máy tiêu hóa, có hình dáng giống một cái túi để đựng thức ăn, có vai trò quan trọng trong dinh dưỡng. Bệnh lý dạ dày thường gặp là viêm loét dạ dày - tá tràng do tăng tiết acid, có thể là bệnh mạn tính hoặc cấp tính, biểu hiện ở các triệu chứng khác nhau như đau bụng, khó tiêu, ợ nóng, ợ hơi, ợ chua, khó chịu... là bệnh thường gặp đứng đầu trong các bệnh ở đường tiêu hóa, bệnh có chiều hướng ngày càng gia tăng.

Ăn uống không hợp lý là một nguyên nhân gây bệnh

Có rất nhiều nguyên nhân gây tình trạng tăng acid dạ dày, trong đó một nguyên nhân hay gặp là do ăn uống thiếu khoa học, không đúng giờ giấc làm bệnh đau dạ dày phát triển.

- Ăn uống thất thường, bỏ bữa, ăn quá khuya đều là nguyên nhân gây tăng tiết acid dịch vị, dễ làm viêm loét niêm mạc dạ dày - tá tràng.

- Ăn quá nhanh, thức ăn chưa được nghiền nát, tiêu hóa một phần tại khoang miệng đã được đẩy xuống dạ dày làm tăng gánh nặng, dễ tổn thương niêm mạc dạ dày.

- Rượu, thuốc lá, trà, cà phê đậm đặc, thực phẩm có tính kích thích, quá chua, quá cay... cũng là những chất dễ làm tổn hại niêm mạc dạ dày.

- Việc ăn uống không vệ sinh rất dễ mắc các bệnh về đường ruột như viêm dạ dày cấp tính, đầy bụng, buồn nôn...

Nguyên tắc dinh dưỡng cho người mắc bệnh dạ dày

Dinh dưỡng và bệnh lý dạ dày ảnh 2

Quá trình tiêu hóa, hấp thụ thức ăn được thực hiện trong hệ thống tiêu hóa từ khoang miệng cho đến ruột non. Trong đó, dạ dày đóng vai trò quan trọng, vừa là nơi dự trữ thức ăn đưa vào để tiêu hóa dần, vừa là cơ quan nghiền nhuyễn thức ăn, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu hóa, hấp thụ thức ăn ở ruột non. Các yếu tố về lượng thức ăn, sự nhai nghiền thức ăn thành mảnh nhỏ tại miệng trước khi nuốt vào dạ dày có vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa. Người có bệnh dạ dày cần lưu ý:

- Nấu chín, ninh nhừ thức ăn, không nên ăn thực phẩm sống.

- Ăn chậm, nhai kỹ.

- Không bỏ bữa, chú ý bữa sáng, không ăn quá no trong một bữa, nên chia thành nhiều bữa nhỏ (4-5 bữa) để khỏi gây căng dạ dày (vì căng dạ dày dễ kích thích tiết nhiều acid), đảm bảo luôn có một lượng thức ăn giúp trung hòa acid.

- Không nên ăn nhiều canh chung với cơm, sẽ không nhai kỹ được cũng như gây loãng và giảm tiết nước bọt tại khoang miệng, do đó thức ăn chưa được tiêu hóa một phần tại miệng, làm tăng gánh nặng cho dạ dày.

- Ăn xong không nên lao động nặng, chạy nhảy ngay.

Thực phẩm nên dùng cho người có bệnh lý dạ dày

- Sữa, trứng có tác dụng đệm giúp trung hòa acid trong dạ dày: sữa bò, sữa hộp, bơ, phô mai...

- Thực phẩm giàu đạm: thịt, cá nạc nên chế biến luộc, hấp, nấu nhừ.

- Rau củ dùng rau non luộc hoặc nấu dạng súp, các loại rau củ nên ăn chín.

- Thực phẩm giàu tinh bột giúp trung hòa acid như cơm nấu mềm, cơm nếp nát, bánh mì, các loại khoai củ, cháo...

- Dầu ăn nên dùng với số luợng ít.

Những thực phẩm nên tránh

- Thức ăn nhiều mùi vị, chất thơm như thịt quay, rán, nướng, thịt ướp muối, cá ướp muối và những thức ăn xào rán nhiều dầu mỡ.

- Các loại thực phẩm chế biến sẵn như dăm bông, lạp xưởng, xúc xích, các loại nước sốt, nước thịt cá đậm đặc.

- Những thức ăn cứng, dai gây cọ xát niêm mạc dạ dày như thịt nhiều gân, sụn, rau có nhiều xơ già, quả sống…

- Các loại hoa quả có vị chua, các món ăn có vị chua, cay như gia vị, giấm tỏi, tiêu, ớt... hay các thực phẩm có thể gây chướng bụng đầy hơi như dưa cà, hành muối...

- Các chất kích thích như cà phê, trà, nước ngọt có ga...

- Thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.

- Thức ăn sống, lạnh, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Một chế độ dinh dưỡng khoa học hợp lý, điều độ kết hợp lối sống lành mạnh, tâm lý thoải mái giúp phòng tránh được bệnh lý dạ dày cũng như giúp người bệnh cải thiện tốt triệu chứng, tránh cho bệnh có chiều hướng trầm trọng hơn.

BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
 PCT HĐQT Công ty NutiFood

Tin cùng chuyên mục