Khác với người lớn, trẻ cần phải lớn lên mỗi ngày, các tế bào cơ thể, các cơ quan chức năng không ngừng tăng trưởng và phát triển cả về kích thước, số lượng cũng như hoàn thiện về chức năng từ lúc sinh ra cho đến trưởng thành để trở thành người lớn khỏe mạnh. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng đóng vai trò quyết định đến tầm vóc và trí tuệ của trẻ sau này.
Có 3 giai đoạn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ cần được cha mẹ, người nuôi trẻ lưu tâm đặc biệt đó là giai đoạn bào thai, giai đoạn 3 năm đầu đời và giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì.
Giai đoạn bào thai
Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của mỗi đời người. Nhiều nghiên cứu cho thấy tầm vóc của người trưởng thành và số lượng tế bào thần kinh phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn trong bào thai và năm đầu tiên. Do đó, muốn trẻ cao to hơn, thông minh, khỏe mạnh hơn, cha mẹ cần chăm sóc ngay khi trẻ còn trong bụng mẹ, mẹ phải tăng cân tốt khoảng 10 - 12kg trong suốt thời gian mang thai. Điều này giúp thai nhi phát triển tốt về cân nặng, chiều dài, hình thành đầy đủ và khỏe mạnh các cơ quan, bộ phận, đặc biệt hệ thần kinh và số lượng tế bào thần kinh, đồng thời còn giúp mẹ dự trữ 4 - 5kg mỡ để tiết sữa sau này.
Chế độ dinh dưỡng của bà mẹ mang thai cần chú ý theo các giai đoạn của thai kỳ, nguyên tắc đảm bảo đủ dinh dưỡng cho mẹ và phần tăng thêm hợp lý để nuôi dưỡng thai nhi và các phần phụ của thai. Những tháng đầu, mẹ ăn gần như bình thường, tăng cường các chất dinh dưỡng cho não thai nhi như DHA có nhiều trong cá biển, đậu đỗ…, tăng cường rau, trái cây tươi, tăng thêm sữa trong khẩu phần hàng ngày. Các tháng cuối là giai đoạn thai phát triển nhanh về cân nặng, chiều dài cần tăng cân đối toàn bộ khẩu phần, mỗi bữa thêm nửa chén cơm so với bình thường, tăng thêm ngày 3 bữa phụ với sữa, bánh, trái cây, bún… càng đa dạng càng tốt.
Giai đoạn 3 năm đầu đời
Đây là giai đoạn phát triển nhanh nhất về thể chất cũng như tinh thần từ sau sinh đến tuổi trưởng thành. Trẻ 1 tuổi cân nặng gấp 3 lần lúc sinh, trọng lượng não cũng tăng gấp 3 lần, chiều cao tăng thêm 50% so với lúc chào đời. Khi trẻ 2 tuổi chiều cao đúng bằng một nửa chiều cao lúc trưởng thành. Năm thứ 3 chiều cao bé tăng thêm khoảng 20% so với lúc mới sinh.
Giai đoạn này còn là thời điểm trẻ học ăn, học nói, học ngồi, học đi, học giao tiếp với cha mẹ, mọi người xung quanh và thế giới bên ngoài, trẻ thay đổi và lớn lên mỗi ngày về vóc dáng, sự hiểu biết. Dinh dưỡng đúng và đủ giai đoạn này giúp trẻ phát triển tối đa so với tiềm năng, phòng tránh suy dinh dưỡng, giúp trẻ lớn nhanh khỏe mạnh và thông minh.
Trẻ cần được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho ăn dặm đúng cách từ tháng thứ 6 với chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất, chế biến phù hợp độ tuổi của trẻ. Tập trẻ ăn quen dần với nhiều loại thức ăn, đảm bảo bữa ăn của trẻ đủ 4 nhóm thực phẩm, cân đối về năng lượng và thành phần các chất dinh dưỡng, cho bú mẹ hoặc uống đủ sữa theo độ tuổi. Sử dụng thực phẩm giàu dưỡng chất cho não bộ như DHA, ARA, Cholin, Taurin..., giàu vitamin, khoáng chất...
Lứa tuổi tiền dậy thì và dậy thì - một giai đoạn đặc biệt
Sau giai đoạn phát triển đặc biệt nhanh trong 3 năm đầu đời, tốc độ phát triển của trẻ giảm xuống và tăng chậm khá ổn định. Cho đến lứa tuổi dậy thì, 10 - 18 tuổi lại có sự gia tăng đột biến về sự tăng trưởng. Đây là giai đoạn tăng tốc phát triển đồng thời cũng là giai đoạn cuối cùng quyết định tầm vóc của người trưởng thành. Trong giai đoạn này, sự phát triển cân nặng chiếm đến 50% và chiều cao chiếm đến 15% so với cân nặng và chiều cao ở người trưởng thành. Đặc biệt trong giai đoạn tiền dậy thì, trước khi trẻ gái hành kinh, trước khi trẻ trai có biểu hiện xuất tinh lần đầu có 1 hoặc 2 năm trẻ tăng vọt về chiều cao đến 8-10cm/năm. Khi đã có biểu hiện dậy thì, tốc độ phát triển giảm mạnh, chiều cao tăng rất ít hoặc gần như không tăng thêm nữa.
Giai đoạn này còn là giai đoạn tích lũy xương quan trọng nhất, tích lũy đến gần 50% khối lượng xương giúp phòng tránh loãng xương sau này, vì sau tuổi 30 - 35, bộ xương không được tích lũy nữa mà mất dần đi.
Dinh dưỡng trong giai đoạn này cực kỳ quan trọng, giúp trẻ phát triển tối đa tiềm năng của mình, giúp tích lũy xương cao nhất, giúp trẻ trở thành người lớn với vóc dáng cao to, khỏe mạnh, thông minh vượt trội. Chế độ ăn cần đảm bảo đủ về năng lượng, cân đối các thành phần dinh dưỡng, tăng cường thực phẩm giàu đạm, giàu canxi, sắt, kẽm...
Bên cạnh một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý theo từng giai đoạn phát triển, cần chú ý vấn đề chăm sóc nuôi dưỡng tâm hồn, vận động và giấc ngủ cũng là những yếu tố góp phần quyết định sự phát triển toàn diện của trẻ.
BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
Thành viên HĐQT Công ty NutiFood