Các bộ ngành, địa phương
(SGGP).- Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Theo đó, người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính Nhà nước gồm: người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước; người được người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (người phát ngôn). Họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ e-mail của người phát ngôn phải được công bố bằng văn bản cho các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí và phải được đăng tải trên cổng thông tin điện tử hoặc trang điện tử của cơ quan hành chính Nhà nước.
Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước có thể ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình phát ngôn (người được ủy quyền phát ngôn) hoặc phối hợp cùng người phát ngôn để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.
Quy chế cũng nêu rõ, các cá nhân của cơ quan hành chính Nhà nước được cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật nhưng không được nhân danh cơ quan hành chính Nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin báo chí; không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật công vụ, thông tin sai sự thật; trung thực khi cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp.
Cũng theo quy chế này, hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được cung cấp thông tin 1 tháng/lần cho báo chí bằng hình thức họp báo và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về hoạt động của cơ quan mình, về lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình (hàng tháng cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí và cập nhật thông tin trên cổng thông tin điện tử hoặc trang tin điện tử của cơ quan mình; ít nhất 3 tháng một lần tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho báo chí).
Quy chế nêu rõ, người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong 3 trường hợp đột xuất bất thường. Thứ nhất là khi thấy cần thiết phải thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn trong xã hội thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hành chính Nhà nước nhằm cảnh báo kịp thời và định hướng dư luận, trường hợp xảy ra vụ việc cần ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính Nhà nước thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời hạn chậm nhất 1 ngày, kể từ khi vụ việc xảy ra. Thứ hai, khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ đạo, quản lý Nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn hoặc cung cấp thông tin về các sự kiện, vấn đề của cơ quan, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đã được nêu trên báo chí hoặc về các sự kiện, vấn đề nêu trên. Thứ ba, khi có căn cứ cho rằng báo chí đăng tải thông tin sai sự thật về lĩnh vực, địa bàn do cơ quan mình quản lý, người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.
Cơ quan báo chí đăng, phát đúng nội dung thông tin mà người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn cung cấp thì không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đó.
Lâm Nguyên