Gần đây, nông dân các tỉnh Tây Nguyên đổ xô trồng cây đinh lăng ở khắp các rẫy đất trống, hàng rào, khuôn viên nhà; trồng xen, thậm chí còn phá vườn cà phê để trồng. Nhiều chuyên gia cảnh báo, trồng đinh lăng tuy có giá trị nhưng cũng tồn tại nhiều rủi ro nếu trồng ồ ạt.
Ra vườn gặp… đinh lăng
Nhiều năm trước, cây đinh lăng chỉ trồng rải rác xen trong các hàng rào để lấy gốc ngâm rượu. Khoảng 3 năm trở lại đây, phong trào trồng cây đinh lăng bắt đầu nở rộ. Do cây đinh lăng dễ sinh sống nên được trồng xen khắp nơi trong vườn nhà, tường rào, đất trống. Thậm chí còn xuất hiện tình trạng phá cà phê để trồng. Gia đình anh Nguyễn Văn Sông (xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) hiện có 8 sào đinh lăng 2 năm tuổi với khoảng 11.000 cây. Trong đó, 5 sào do anh phá vườn cà phê để trồng, số diện tích còn lại được anh trồng trên đất trống. Anh Sông cho biết, khoảng đầu năm 2014, anh đến nhà dân mua đinh lăng về bán lại cho thương lái. Dù được thu mua giá cao, từ 1 - 4 triệu đồng/cây nhưng số lượng trong dân ít nên anh không gom đủ hàng. Vì thế anh Sông bắt đầu phá vườn cà phê để trồng. “Trồng đinh lăng ít nhất sau 3 năm sẽ cho thu hoạch. Hiện chưa có ai đặt hàng mua 8 sào đinh lăng của tôi. Tôi đang tính khi thu hoạch sẽ bán cho một công ty dược trong nước hoặc xuất sang Trung Quốc”, anh Sông nói.
Người dân xã An Phú, TP Pleiku trồng đinh lăng trên diện tích đất trước kia trồng rau củ quả
Tương tự, vào tháng 6-2015, chị Đỗ Thị Tuyết (hàng xóm của anh Sông) cũng phá 5 sào cà phê để trồng khoảng 10.000 cây đinh lăng. Tiền giống, phân bón cho 5 sào này hết 40 triệu đồng. Chị Tuyết dự kiến sang năm 2017 sẽ tiếp tục lấy 1,5ha đất trống và phá thêm 1,5ha cà phê già cỗi của gia đình để trồng thêm đinh lăng. Tuy nhiên, hiện tại chị Tuyết vẫn chưa ký hợp đồng với đơn vị thu mua nào, còn nếu ế hàng thì bán cho dân ngâm rượu.
Theo đại diện phòng NN-PTNT các huyện Chư Sê, Ia Grai (Gia Lai), trên địa bàn các huyện này hầu như ở xã nào cũng trồng đinh lăng, thậm chí còn nhập giống từ ngoài Bắc về trồng. Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Sê, cho biết cây đinh lăng được trồng tự phát chứ địa phương chưa có chủ trương. Trên địa bàn cũng chưa thấy cơ sở nào đăng ký thu mua cây đinh lăng.
Không nên trồng ồ ạt
Theo ông Đào Lân Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ia Grai, đinh lăng là cây trồng không nằm trong quy hoạch. Trên địa bàn huyện, cây đinh lăng phát triển mỗi nơi một khác nhau. Có vùng đất, cây đinh lăng phát triển tốt và ngược lại. “Tôi cho rằng cây đinh lăng chưa nên trồng ồ ạt mà cần phải có sự đánh giá mang tính khoa học, tránh tình trạng trồng rồi mà không phù hợp với đất hoặc chất lượng củ kém, cũng như đầu ra không có”, ông Hưng cảnh báo.
Tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho rằng đinh lăng là cây trồng mới. Vì vậy, muốn trồng đại trà phải qua khảo nghiệm, xem tính thích hợp, thích nghi của nó như thế nào. Ngoài ra, cũng cần tính toán đến yếu tố thị trường. Tiếp nữa, đối với cây dược liệu không phải chỗ nào cũng trồng hiệu quả. Có chỗ trồng được nhưng hoạt chất tốt hay không còn do vùng đất, dinh dưỡng, khí hậu, nhiệt độ, lượng mưa quyết định. Vì thế, người dân không nên ồ ạt trồng hoặc chặt các cây trồng chính như cà phê, tiêu để trồng đinh lăng. Nếu muốn, người dân có thể trồng xen trong các vườn cây. Sau này, nếu không bán được cũng không ảnh hưởng gì lớn. Riêng cơ quan chức năng địa phương cần khuyến cáo người dân thận trọng trong việc trồng cây đinh lăng, trồng phải có mục đích, định hướng, đầu ra.
|
Hữu Phúc