Đỉnh núi Bình Ấm đang “lạnh”

Rừng phòng hộ trên đỉnh núi Bình Ấm, giáp ranh giữa xã vùng cao Phú Mỡ và xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) đã bị chặt hạ trên 108ha. Các đối tượng thuê người dân dựng lều trại, dùng cưa máy, rìu rựa dàn hàng ngang phát trắng.
Đỉnh núi Bình Ấm đang “lạnh”

Rừng phòng hộ trên đỉnh núi Bình Ấm, giáp ranh giữa xã vùng cao Phú Mỡ và xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) đã bị chặt hạ trên 108ha. Các đối tượng thuê người dân dựng lều trại, dùng cưa máy, rìu rựa dàn hàng ngang phát trắng.

Ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân trả lời phỏng vấn báo chí tại hiện trường vụ phá rừng

Cây rừng ngã la liệt

Khi chúng tôi cùng ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân; ông Vũ Công Tâm, Trưởng hạt Kiểm lâm huyện và lãnh đạo Phòng TN-MT huyện đi thực tế điểm nóng phá rừng ở Tiểu khu 83 và 90 (người dân quanh vùng gọi là núi Bình Ấm, thuộc xã Phú Mỡ), chứng kiến các cây gỗ cầy, giẻ, cồng, chò, sổ… bị đốn ngã la liệt trên các sườn núi.

Tại hiện trường trên núi Bình Ấm, ông Vũ Công Tâm cho biết: Tổng diện tích đã phát dọn 108,7ha, gồm 27,5ha rừng và 81,2ha đất lâm nghiệp. Qua kết quả kiểm tra của tổ công tác liên ngành, Hạt Kiểm lâm Đồng Xuân nhận thấy trên diện tích đã phát dọn được quy hoạch là đất lâm nghiệp chưa có rừng (theo bản đồ kết quả kiểm kê rà soát 3 loại rừng) nhưng thực tế trên khu vực đã phát dọn có 27,5ha đủ tiêu chí xác định là rừng. “Diện tích này có trạng thái thực bì rất dày, một số loài cây lấy gỗ như: cầy, giẻ, cồng, chò, sổ… Vì vậy hành vi phát dọn thực bì trên diện tích này có dấu hiệu của hành vi phá rừng. Đối với rừng phòng hộ, phá hoại 3.000m2 là đủ để truy tố”, ông Tâm nói.

Tổ công tác cũng đã tiến hành đo tính trữ lượng cây gỗ trên diện tích rừng 27,5ha theo phương pháp ô tiêu chuẩn điển hình, có trữ lượng gỗ bình quân khoảng 18,880m3/ha, (tương đương 517m3).

Những ngày qua, dư luận trong nhân dân huyện Đồng Xuân cho rằng, việc phá rừng này do các đối tượng ở xã Xuân Quang 1 đứng ra thuê đồng bào dân tộc thiểu số chặt phát, đằng sau đó có sự tiếp tay của một số cán bộ địa phương? Tại hiện trường, ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, khẳng định: Huyện chỉ đạo thành lập đội công tác liên ngành gồm công an, viện kiểm sát… lập 4 tổ chia ra 4 hướng điều tra, thu thập chứng cứ để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Huyện kiên quyết xử lý không nương tay những cán bộ tiếp tay phá rừng.

Nguy cơ lũ ống cuốn trôi làng

Liên quan vấn đề này, ông Đoàn Cảnh Mai, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đồng Xuân, cho biết: “Sau khi nghe nhân dân phản ánh tình trạng phá rừng phòng hộ đầu nguồn, tôi đi thực tế hiện trường và rất bức xúc vì vạt rừng này trước đây là khu kháng chiến phía Tây của tỉnh Phú Yên, nay đã bị phá nát. Trong chiến tranh, nơi đây có trạm xá Hồ Tây, kho đạn dược. Tôi đề nghị ngành chức năng xử lý nghiêm minh”.

Người dân lo ngại, việc phá rừng này sẽ làm đứt mạnh suối Cây Cau (bắt nguồn từ núi Bình Ấm), ảnh hưởng đến đời sống nhân dân ở các làng Bà Đẩu, Suối Trưởng (xã Xuân Quang 1). Đây cũng là khu vực đầu nguồn sông Kỳ Lộ (con sông lớn thứ hai ở Phú Yên, sau sông Ba), sau này có thể trở thành dòng sông chết. Ông La O Hố, người Chăm H’ roi ở làng Bà Đẩu, nói: Nguồn nước người dân ở đây sinh hoạt hàng ngày từ suối Cây Cau, nhưng rừng bị phá tan tành, nay mai sẽ không còn nước dùng nữa. Còn ông La Mô Thái, cũng ở làng Bà Đẩu than vãn: Việc để rừng phòng hộ Bình Ấm bị phá, mùa nắng suối khô cạn, còn mùa mưa không có rừng giữ nước, lũ ống tràn về sẽ cuốn trôi cả làng.

MẠNH HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục