Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012, trong đó sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao được ưu tiên hàng đầu. Tương lai, lúa gạo sẽ trở thành mặt hàng đặc biệt được sản xuất theo đơn đặt hàng. Nhưng trước mắt, cần nhìn lại những điểm yếu của sản xuất lúa gạo hiện nay, nhất là ở vựa lúa ĐBSCL.
Sản xuất manh mún
Tháng 5-2012, lúa hàng hóa đông – xuân ở ĐBSCL vẫn tồn đọng khá lớn trong dân. Giá mua lúa của thương lái ở vùng sâu các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp… vẫn chênh lệch 200 - 300 đồng/kg so với những nơi gần đô thị hoặc có đường giao thông thuận tiện. Trong khi các doanh nghiệp thu mua gạo, thương lái vẫn là kênh thu mua lúa chính. Chính khâu tiêu thụ tréo ngoe này làm đường đi của lúa gạo qua nhiều tầng nấc trung gian (thương lái nhỏ, vựa, nhà máy xay xát, lau bóng, doanh nghiệp xuất khẩu). Hệ lụy của nó là nhiều giống lúa xô bồ được thương lái thu mua trộn chung. Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Mê Kông thừa nhận: “Tồn tại lớn nhất là gạo Việt Nam không đồng đều, dòng đời sản xuất ngắn”. “Trên cùng cánh đồng có hàng chục giống lúa, chất lượng không đồng đều, không đảm bảo chất lượng hạt gạo. Thương lái gom mua tạo ra sản phẩm không thương hiệu, cạnh tranh rất kém”, GSTS Võ Tòng Xuân cho biết.
Các chuyên gia về lúa gạo cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh trong nước và hiện nay đang gia tăng với nhiều công ty nước ngoài bước vào thị trường nội địa, cạnh tranh trên thị trường thế giới khi xuất khẩu nông sản thì mô hình sản xuất nông hộ quy mô canh tác nhỏ, phân tán, trình độ quản trị yếu kém, ứng dụng khoa học công nghệ kém đã không đủ sức đương đầu. Khó khăn lớn nhất trong việc định vị thương hiệu gạo Việt Nam hiện nay nằm ở chiến lược kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp. Không có nước nào xuất khẩu từ hạt gạo như Việt Nam mà họ xuất khẩu từ hạt lúa. Nghĩa là doanh nghiệp phải sát cánh, hỗ trợ nông dân ngay từ công đoạn sản xuất chứ không chỉ phân phối. Bởi quá trình sản xuất từ lúa thành gạo chứa đựng nhiều rủi ro như sâu bệnh, dịch hại, thiên tai mà hiện nay chỉ người nông dân lãnh đủ. Còn khâu phân phối lưu thông vẫn giao cho thương lái rồi mới đến tay doanh nghiệp. Chuỗi giá trị qua nhiều trung gian, rất khó kiểm soát. Chuỗi sản xuất từ lúa đến gạo hiện nay là quy trình ngược. Thay vì sấy lúa chờ giá cao rồi chà gạo bán, các doanh nghiệp lại dùng lúa tươi chưa sấy chà ra gạo trước rồi mới đi sấy. Điều này làm cho hạt gạo không bảo quản được lâu, dễ bị ẩm mốc, đổi màu.
Thêm chính sách cho gạo
Trong vụ lúa đông – xuân vừa qua và hè thu hiện nay, nông dân các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ đã sản xuất hàng chục ngàn hécta lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với sự bao tiêu của doanh nghiệp. Mô hình này bước đầu đã hình thành được một phần chuỗi sản xuất như liên kết được nhiều công đoạn: xuống giống đồng loạt, thu hoạch bằng cơ giới, sấy lúa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật đồng bộ. Thực tế, nông dân sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết… nên doanh nghiệp xuất khẩu gạo khó ký hợp đồng sản xuất lúa với số lượng lớn. Từ thực trạng này, Bộ NN-PTNT đã đưa ra khẩu hiệu “Nông hộ nhỏ, cánh đồng lớn”: nhiều nông hộ nhỏ liên kết sản xuất hình thành cánh đồng lớn. Và mô hình cánh đồng mẫu lớn mà các địa phương thực hiện hiện nay là cách cụ thể hóa phương châm này. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Hiện nay không nên gọi là cánh đồng mẫu lớn nữa mà nên gọi là cánh đồng lớn vì nhiều địa phương đã qua giai đoạn làm mẫu!
Hiện nay, Bộ Công thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam đang cùng triển khai thực hiện đề án tạo lập thương hiệu cho lúa gạo. Theo đó, sẽ triển khai trước trên mặt hàng gạo thơm và các loại cao cấp 5% tấm. “Sẽ có chính sách thêm như: bảo hiểm 100% diện tích sản xuất lúa ở cánh đồng lớn. Doanh nghiệp đầu tư vào mô hình này sẽ được ưu tiên hỗ trợ. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ triển khai rộng ở đây”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho biết. Đây cũng là giải pháp căn cơ để công nghiệp hóa chuỗi giá trị sản xuất, tạo lập thương hiệu lúa gạo Việt Nam.
| |
| |
Cao Phong