Sau hơn 1/4 thế kỷ vận chuyển các nhà du hành, vệ tinh, thiết bị của trạm không gian và thậm chí cả viễn vọng kính Hubble, đã đến lúc Discovery chia tay với vũ trụ. Chuyến bay cuối cùng của tàu con thoi Discovery vào ngày 3-11 đánh dấu “tuổi hưu” của con tàu này cũng như 2 tàu khác trong đoàn tàu con thoi của Mỹ.
Chuyến bay cuối
Trong chuyến bay cuối cùng này, có 6 người Mỹ trong tổ bay, với một phụ nữ. Discovery sẽ chuyển một module mang tên “Leonardo” dài 6,3m và ngang 4,5m để lắp vào Trạm không gian quốc tế (ISS), hoàn thành việc xây dựng trạm này trong hơn 10 năm qua. Ngoài ra, trong chuyến bay lịch sử này, Discovery cũng mang theo robot Robonaut 2 lên làm vệ sinh cho ISS cũng như đi bộ ra ngoài không gian khi cần thiết.
Discovery là tàu con thoi đầu đàn của đội tàu con thoi Mỹ bay chuyến đầu tiên vào năm 1984, tới nay đã bay tổng cộng 38 chuyến, nhiều nhất trong đội tàu con thoi của Mỹ. Tính chung, tổng thời gian trên quỹ đạo của Discovery gần tròn 1 năm với 5.628 vòng quanh Trái đất, tương đương quãng đường bay khoảng 228 triệu km. Sau khi tàu con thoi Challenger gặp thảm họa vào năm 1986, Discovery đã tiếp nối thực hiện hầu hết sứ mệnh lên ISS.
Đội tàu con thoi của Mỹ chỉ còn khoảng 2 hoặc 3 chuyến nữa là đồng loạt ngừng bay vào giữa năm 2011, chờ tàu không gian thế hệ mới. Chương trình tàu con thoi của Mỹ đạt đỉnh cao cách đây khoảng 2,5 năm với đội ngũ 16.000 nhân viên. Giờ đây hơn một nửa đã chuyển công tác khác. Sắp tới vài trăm người cuối cùng sẽ rời nhiệm sở. Tàu không gian Endeavour dự kiến có chuyến bay cuối cùng lên vũ trụ vào tháng 2-2011 và có thể tàu Atlantis sẽ có chuyến bay khóa sổ chương trình tàu con thoi vào mùa hè 2011. Lẽ ra các chuyến bay của đội tàu con thoi này đã kết thúc sứ mệnh trong năm nay nhưng buộc kéo dài thêm đến giữa năm 2011 do ISS chưa hoàn thiện.
Tổng thống Obama đã chỉ thị cho Cơ quan Không gian Mỹ (NASA) tập trung vào những mục tiêu dài hạn, thậm chí cho phép các công ty tư nhân tham gia vào dự án đưa người và hàng hóa lên vũ trụ. Một công ty mang tên SpaceX có trụ sở tại California đã phóng thử nghiệm thành công tên lửa Falcon 9 vào tháng 9-2010 và sẽ bắt đầu thực hiện chuyến bay mang hàng hóa lên ISS.
Với việc NASA dừng các chuyến bay của tàu con thoi lên trạm ISS, tàu vũ trụ Soyuz của Nga sẽ trở thành phương tiện duy nhất để đưa các nhà du hành và các nhà khoa học lên trạm không gian này từ năm 2011. Ước tính NASA phải thuê Nga mỗi lần đưa 1 người lên ISS là 10 triệu USD. Nhiều ý kiến cho rằng nên để số tiền này tiếp tục duy trì đội bay của tàu con thoi cho tới khi có thế hệ tàu vũ trụ mới.
Chương trình mới đầy tham vọng của Mỹ
Sau khi đoàn tàu con thoi “về hưu”, Mỹ đang muốn trở lại với chương trình dùng tên lửa đẩy thay vì dùng tàu con thoi. Nhưng sớm nhất đến năm 2015 NASA mới có phương tiện mới thay thế đội tàu con thoi. Như vậy, từ 2011 đến 2015, Mỹ sẽ không có tàu vũ trụ. Ngày 28-10-2009, NASA đã phóng thử nghiệm tên lửa Ares-I-X nằm trong chương trình không gian Constellation (Chòm sao). Chương trình này thiết kế khoang chở các nhà du hành gắn vào tên lửa thay cho các tàu con thoi.
Toàn bộ tên lửa Ares-I-X gồm 5 tầng, trong đó tầng thứ I (trên cùng) quan trọng nhất gắn liền với khoang chở các nhà du hành mang tên Orion. So với các tàu con thoi, khoang Orion không thể tự đáp trên mặt đất mà phải phụ thuộc vào tên lửa. Tên lửa này thường rơi xuống biển hoặc sa mạc. Khoang Orion dự kiến thiết kế có thể chứa từ 4 đến 6 nhà du hành.
NASA sẽ xem lại thiết kế của Orion vào cuối năm 2010. Hiện nay, các công đoạn thiết kế và lắp ráp đang được tiến hành tại cơ sở lắp ráp Michoud (thành phố New Orlean, bang Louisiana). Các cuộc thử nghiệm Orion sẽ kéo dài vài năm. Sau đó một nhà máy chuyên sản xuất Orion sẽ đặt tại Trung tâm không gian Kennedy. Dự kiến Orion đầu tiên được tên lửa Ares-I-X đưa vào không gian vào năm 2015. Một Orion có thể dùng tối đa 10 lần, đủ thời gian để NASA có thể đóng thêm nhiều Orion khác.
Ngoài ra, cũng nằm trong chương trình Constellation, còn có tên lửa đẩy Ares V chuyên vận chuyển hàng hóa và thiết bị phục vụ Trạm không gian quốc tế hoặc các chuyến bay thám hiểm Mặt Trăng, sao Hỏa.
Orion không phải là thiết kế mới so với các loại tàu con thoi hiện tại. Kỹ thuật dùng khoang chở các nhà du hành đã từng được Mỹ (Apollo), Liên Xô trước đây và Nga hiện nay (tàu Tiến Bộ, Hòa Bình) vẫn sử dụng, chỉ khác chăng là sức chứa của Orion được nâng lên. Việc NASA loại bỏ các con tàu con thoi cũng dễ hiểu vì các con tàu này trong vòng hơn 20 năm qua đã xảy ra 2 thảm họa: vụ nổ tàu con thoi Challenger ngay sau khi rời bệ phóng ngày 28-1-1986 làm 7 nhà du hành thiệt mạng và vụ nổ tàu con thoi Columbia ngày 1-2-2003 cũng làm 7 nhà du hành thiệt mạng. Ngoài ra sau đó, mỗi lần phóng tàu con thoi đều có sự cố. Trong khi đó các module chở các nhà du hành của Nga (còn gọi là tàu Hòa Bình, Tiến Bộ) vẫn hoạt động hiệu quả.
Vấn đề nan giải hiện nay là do tính cấp bách của chương trình Constellation nên NASA cần chi tiêu rất nhiều tiền để tập trung một lần vào hai thành phần là tên lửa đẩy Ares I và khoang Orion. Điều này đang gây nhiều tranh cãi trong bối cảnh kinh tế Mỹ chưa ra khỏi khủng hoảng.
Tổng thống Barack Obama đã đề nghị xem xét lại toàn bộ chương trình Constellation, trong đó chi phí đưa các chuyến bay có người lái lên Mặt Trăng và sao Hỏa đã ngốn sạch ngân sách hiện có của NASA. Tổng thống Obama đang nghiêng về khả năng chỉ phát triển hệ thống Ares V chở hàng hóa sau đó nếu cần sẽ phát triển bổ sung để chở các nhà du hành hơn là cùng một lúc xây dựng vừa Ares I và Ares V.
Cựu Giám đốc NASA, ông Michael D. Griffin, trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, cho rằng: “NASA nhận thấy rằng không có chương trình nào khác có thể an toàn hơn, đáng tin cậy hơn và rẻ hơn, nhanh hơn Constellation”. Cho tới nay chương trình Constellation vẫn đang tiếp tục và chưa có dấu hiệu thay đổi nào. Từ nay tới khi có chuyến bay đầu tiên của Orion, Mỹ còn phải nhờ cậy các nước, nhất là Nga đưa hàng hóa và các nhà du hành lên Trạm không gian ISS.
Chương trình tàu con thoi chính thức triển khai vào ngày 5-1-1972, khi Tổng thống Nixon tuyên bố rằng NASA sẽ tiến hành việc phát triển một hệ thống tàu con thoi có khả năng tái sử dụng. Con tàu đầu tiên hoàn thành được đặt tên Constitution, nhưng một chiến dịch đại chúng từ các khán giả của chương trình TV Star Trek đã thuyết phục Nhà Trắng thay đổi tên thành Enterprise. Trong sự cổ vũ lớn đó, tàu Enterprise được phóng lên vũ trụ ngày 17- 9-1976, và sau đó đã tiến hành một loạt thí nghiệm thành công của việc trượt trong khí quyển và những lần đáp thử, được xem là những kiểm chứng đầu tiên của thiết kế. Tàu con thoi với các chức năng hoàn chỉnh là Columbia, đóng ở Palmdale, California, được phóng lên lần đầu tiên vào ngày 12-4-1981 - nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 chuyến bay vũ trụ của Yuri Gagarin - với phi hành đoàn 2 người. Sau đó là tàu Challenger, Discovery và Atlantis. Challenger bị phá hủy khi vỡ tan trong quá trình phóng lên do 0-Ring bên phải không hoạt động vào ngày 28-1-1986. Endeavour được đóng để thay thế Challenger và được xuất xưởng vào tháng 5-1991 và được phóng lên một năm sau đó. Columbia bị tai nạn trong quá trình trở về Trái đất vào ngày 1-2-2003. |
Khánh Minh (tổng hợp)