Mặc dù Di chỉ khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi (ở thôn Trung Sơn và Bắc Sơn, thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) đã được Bộ VH-TT-DL xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ đầu năm 2013, nhưng đến nay di tích này vẫn chưa được cơ quan chức năng quan tâm, đầu tư các phương án bảo vệ, quy hoạch...
Nơi giao thoa văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh
Di chỉ khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi với diện tích khoảng 60.000m² được phát hiện vào năm 1974. Đến năm 1976, Khoa lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), Ban Đông Nam Á và Ty Văn hóa Nghệ Tĩnh phối hợp thám sát, khai quật trong phạm vi 150m² về phía Đông Nam đã thu được 460 hiện vật bằng đá và 34.991 mảnh gốm, khuyên tai, rìu… với nhiều loại hình khác nhau. Căn cứ vào đặc trưng đồ gốm, đá và mối quan hệ giữa các di chỉ trong vùng, các nhà nghiên cứu nhận định Phôi Phối - Bãi Cọi là một di chỉ cư trú, niên đại hậu kỳ đá mới, thuộc văn hóa Bàu Tró.
Bẵng một thời gian dài, vào cuối năm 2008, sau khi nhận thông tin từ Bảo tàng Hà Tĩnh và người dân xã Xuân Viên đào được nhiều hiện vật gốm tại Phôi Phối - Bãi Cọi, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã vào phối hợp khai quật lần 1 và phát hiện được 16 mộ (14 mộ đất, 2 mộ quan tài) cùng nhiều di vật tùy táng. Lúc đó, các nhà khảo cổ nhận định đây là di chỉ mộ táng mang dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh, nhưng có sự giao thoa, ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn. Tiếp đó, năm 2009-2010, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tiến hành đợt khai quật lần thứ hai và phát lộ tại đây là một kho báu hiện vật bằng gốm, đồng, sắt, cụm mộ táng, mộ chum, đồ tùy táng... vô cùng quý giá, đồng thời đưa ra nhận định đây là di chỉ mộ táng của văn hóa Sa Huỳnh.
Đặc biệt, trong đợt khai quật lần thứ ba, từ tháng 11 đến ngày 20-12-2012, do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc thực hiện tiếp tục phát lộ thêm nhiều mộ chum, mộ nồi, mộ bình, di vật tùy táng cổ có giá trị bằng các chất liệu đồ đá, sắt, đồng, gốm… đã góp phần giúp các nhà khảo cổ học củng cố tư liệu, mở rộng nghiên cứu khảo cổ, làm sáng tỏ những điều bí ẩn về giá trị văn hóa nội sinh của các cộng đồng cư dân cổ ở vùng phía Bắc Hà Tĩnh có liên quan mật thiết với các nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh trong thời kỳ sơ sử ở nước ta - niên đại cách ngày nay hơn 2.000 năm.
Ông Đâu Xuân Hải (ở thôn Bắc Sơn, xã Xuân Viên) đứng tại Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Phôi Phối - Bãi Cọi
Di tích bị lãng quên
Trước những giá trị to lớn của kho tàng hiện vật khai quật được tại Phôi Phối - Bãi Cọi, ngày 7-2-2013, Bộ VH-TT-DL đã ký quyết định xếp hạng Di chỉ khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 năm nhưng di tích này dường như đã bị lãng quên. Một ngày đầu tháng 11-2015, chúng tôi có mặt tại di tích và nhận thấy mọi thứ nơi đây hoàn toàn không thay đổi, vẫn chỉ là bãi đất cát nhấp nhô mênh mông, hoang vu, đìu hiu và lạnh lẽo. Xung quanh cây cối, cỏ dại mọc um tùm, không có hệ thống bờ tường hoặc hàng rào che chắn, khoanh vùng cắm mốc phân tách ranh giới giữa di tích với diện tích đất vườn của người dân, không có phương án trông coi bảo vệ… Đặc biệt, trên các tuyến đường ra vào di tích và thậm chí ngay tại trung tâm di tích cũng không có bất kỳ biển báo chỉ dẫn, giới thiệu về lịch sử, gốc gác của di tích để mọi người biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngụy Khắc Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Viên, cho biết: “Thời gian qua, xã tạm thời cắt cử lực lượng thường xuyên kiểm tra để ngăn chặn không cho người dân trong và ngoài xã vào khai thác đất cát, xăm đào trộm hiện vật, phá vỡ di tích. Xã cũng đã nhiều lần có văn bản kiến nghị huyện hỗ trợ kinh phí để xây hàng rào bảo vệ, biển báo chỉ dẫn, khoanh vùng cắm mốc địa giới… nhưng đến nay chưa có kết quả”.
Được biết, hàng năm tỉnh Hà Tĩnh đều trích nguồn kinh phí để hỗ trợ công tác bảo tồn, trùng tu, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, tuy nhiên đối với Di tích Phôi Phối - Bãi Cọi lại không được cấp kinh phí. Thiết nghĩ cơ quan chức năng, chính quyền các cấp ở tỉnh Hà Tĩnh và huyện Nghi Xuân cần sớm xem xét, giải quyết, khắc phục thực trạng này, đừng để di tích cấp quốc gia bị lãng quên.
DƯƠNG QUANG