(SGGP).- Đây là khẳng định của TS Lê Thị Nam Giang, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Luật TPHCM tại hội thảo “Xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ nước mắm, nước chấm truyền thống” do Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam và Trung tâm Truyền thông Báo Pháp Luật Việt Nam tổ chức ngày 11-11 tại TPHCM.
Theo TS Lê Thị Nam Giang, tại Việt Nam đã có 43 chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ, trong số đó chỉ có 2 chỉ dẫn địa lý đối với nước mắm được bảo hộ là nước mắm Phan Thiết và nước mắm Phú Quốc. Hiện có khá nhiều vùng miền, địa danh chuyên sản xuất các loại nước mắm nổi tiếng, nhưng chưa thực hiện đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Riêng trong lĩnh vực đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, đến nay vẫn chưa có DN nước mắm truyền thống nào thực hiện việc bảo hộ, mặc dù có nhiều loại chai nước mắm có kiểu dáng rất đẹp.
Nhiều vùng miền, địa danh chuyên sản xuất các loại nước mắm nổi tiếng, nhưng chưa thực hiện đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, cho biết, trung tâm sẵn sàng hỗ trợ cung cấp quy trình, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, thủ tục xác lập đối với “chỉ dẫn địa lý” và “tên gọi xuất xứ hàng hóa”, cũng như những phương pháp trong hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho nước mắm truyền thống.
Tại hội thảo, các DN thể hiện sự khát khao liên kết để có thể đưa ra tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ cho nước mắm truyền thống. Để làm được việc này, Chính phủ nên sớm giao cho các bộ chuyên ngành soạn thảo và ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm nước mắm truyền thống để phân biệt rõ với nước mắm công nghiệp hoặc nước chấm.
Hải Hà