Đổ nợ… giá thuốc

Quả là xác thực khi thông tin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra bên lề hội nghị nhân ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1-7) cho thấy, giá thuốc tại Việt Nam cao gấp từ 5 - 40 lần so với thế giới. Thực ra, đó là con số cụ thể đo đếm được, chứ trong ý thức của đại bộ phận người dân giá thuốc cao “ngất ngưởng” đã luôn thường trực mỗi khi họ bước chân vào nhà thuốc, chỉ còn biết móc hầu bao và than trời.
Đổ nợ… giá thuốc

Quả là xác thực khi thông tin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra bên lề hội nghị nhân ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1-7) cho thấy, giá thuốc tại Việt Nam cao gấp từ 5 - 40 lần so với thế giới. Thực ra, đó là con số cụ thể đo đếm được, chứ trong ý thức của đại bộ phận người dân giá thuốc cao “ngất ngưởng” đã luôn thường trực mỗi khi họ bước chân vào nhà thuốc, chỉ còn biết móc hầu bao và than trời.

Chính vì vậy khoản tiền chi tiêu thuốc điều trị bệnh của người dân cũng tăng lên hàng năm, Bộ Y tế đã thống kê mức chi phí bình quân 19,77 USD/người/năm. Với tỷ giá hiện thời, khoản tiền chi phí trung bình mặt hàng thuốc ấy đã ngang ngửa thu nhập nửa năm của nhiều bộ phận dân nghèo ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi. Dân gian vẫn thường có câu “Đói ăn rau, đau uống thuốc”, nhưng với mức giá thuốc “đội trần” như hiện nay không ít người dân bị bệnh không mua nổi thuốc để uống.

Nói đến điều này, xin đưa ra một dẫn chứng để thấy rằng, một bộ phận người dân hiện vẫn xem thuốc như một mặt hàng quý giá và xa xỉ, đôi khi thu nhập của họ không thể với tới được. Đó là nhân một chuyến đi khám bệnh từ thiện ở các xã nghèo thuộc tỉnh Kon Tum, cán bộ y bác sĩ của một bệnh viện ở TPHCM đã quyên góp và phát cho người dân một số loại thuốc phòng ngừa bệnh thông thường. Tuy nhiên, người dân nhận về rồi gói lại và treo lên giàn bếp vì cho rằng quá quý giá nên để dành. Khi được hỏi, nhiều người dân thật thà nói không phải họ lạc hậu mà lâu nay gần như mọi bệnh tật đều được giải quyết bằng cây cỏ trong vườn, trong rừng, chứ không đủ tiền mua thuốc tây.

Thống kê của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cho biết, tính đến hết năm 2009, tổng giá trị tiền thuốc sử dụng ở Việt Nam đã lên tới hơn 1.696 triệu USD, tăng gần 19% so với năm 2008. Điều này có nghĩa, tiền thuốc đã tăng mạnh qua từng năm và phản ánh hai khía cạnh, một là số lượng người bệnh tăng lên, sử dụng thuốc nhiều hơn, và hai là giá thuốc đã tăng cao và kéo theo chi phí bỏ ra mua cũng tăng theo.

Thế nhưng, khía cạnh thứ hai phản ánh đúng thực tế hơn khi Cục Quản lý dược cho biết chi phí tiền thuốc bình quân đầu người cũng tăng thêm hơn 3,3 USD so với năm 2008 và tăng 13,77 USD so với năm 2001, hiện đã đạt 19,77 USD như nói ở trên. Như thế, nếu thống kê năm 2010 và các năm tiếp theo nữa chi phí tiền thuốc bình quân đầu người vẫn cứ tăng… vù vù.

Vì lẽ đó, hàng năm không chỉ người bệnh “đổ nợ”, ngay chính Quỹ Bảo hiểm y tế cũng “thủng đáy”. Giá thuốc cao, địa phương phê duyệt khung giá ở mức cao nhất và Bảo hiểm y tế cứ thế mà thanh toán, nên năm 2009 thâm hụt xấp xỉ 2.000 tỷ đồng.
 

Thị trường dược phẩm Việt Nam hiện có tới hơn 22.000 sản phẩm nhưng nhiều người dân, nhất là người nghèo, phụ nữ và trẻ em, mỗi khi ốm đau vẫn không thể tiếp cận các loại thuốc thiết yếu do giá thuốc quá cao. Vấn đề này đã được WHO cảnh báo với Bộ Y tế Việt Nam. Tuy nhiên, liệu Cục Quản lý dược có nhận thức được vấn đề và có những biện pháp chấn chỉnh? Nên chăng cần công bố những danh mục thuốc thiết yếu (theo Bộ Y tế vào khoảng 200 loại sản phẩm) và có sự hỗ trợ của nhà nước để người dân nghèo có cơ hội tiếp cận, nếu không muốn… đổ nợ. 

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục