Cho đến tận bây giờ, khi các nhà biệt thự lừng lững mọc lên trên phần đất của làng hoa Nghi Tàm, quất Quảng Bá, đào Nhật Tân… thì trong tôi vẫn giữ nguyên những hình ảnh một Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân trải rộng với những loài hoa đủ sắc màu, với những vườn đào, quất xanh mướt trong ngày hè oi nóng, rực rỡ trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc – một nỗi nhớ nghèn nghẹn với xúc cảm bị “đánh cắp” mất những hình ảnh thân thương của một thời. Có người nói: Đô thị hóa - tất yếu điều đó sẽ xảy ra. Nhưng từ thực tế đang diễn ra tại các khu vực nói trên thì những thách thức đối với các nhà quy hoạch không phải là nhỏ.
Theo quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội, nếu như trước đây, dự kiến nghiên cứu gồm Hà Nội và 7 tỉnh xung quanh là: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Hòa Bình và Hà Nam (với tổng diện tích 13.377km2, dân số trên 12 triệu người, chiếm 4,08% diện tích, 15% dân số và 17% GDP cả nước) thì vừa qua, phạm vi nghiên cứu được nhiều chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế đề xuất mở rộng ảnh hưởng từ 30-50km lên thành 100km (thêm Hải Phòng và Quảng Ninh). Chiếc áo đô thị Hà Nội trong tương lai sẽ rộng hơn rất nhiều. Nhưng hôm nay, khi tất cả vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu thì chiếc áo ấy đang quá chật.
Nhìn ngay khu vực làng Nhật Tân, cả một vùng đất với nghề trồng đào truyền thống nay đang dần thu hẹp và có nguy cơ bị xóa sổ. Một phần bản sắc đô thị dường như đã mất, thay vào đó là những khu nhà nửa Âu, nửa Á với “cò bay, ngựa nhảy”. Không chỉ có vậy, những tác động của quá trình đô thị hóa thể hiện rất rõ ở khắp các lĩnh vực liên quan đến đời sống của người dân: cơ sở hạ tầng, xã hội không đáp ứng được nhu cầu và điều kiện cần có của một đô thị.
Bài học về một Hoàng Mai, Ngọc Hà, Nhân Chính... trong tiến trình đô thị hóa đã xảy ra sự chắp vá tùy tiện không theo một quy hoạch cụ thể nào, dẫn đến những hậu quả hết sức tai hại về môi trường sống. Không những thế, hàng loạt vấn đề như: mất đất nông nghiệp, việc làm cho dân nông nghiệp khi lấy đất phát triển đô thị, rác thải từ đô thị và từ chính sự phát triển của khu vực nông thôn, dòng di dân giữa nội thị và ngoại thị tăng... đã và đang là những điểm nóng trong hướng giải quyết để phát triển.
Dễ nhận thấy điều này tại một số khu vực quận mới như Tây Hồ, Hoàng Mai, Long Biên... Tại một số xã giáp ranh nội thành thể hiện rõ hơn cả ở sự phát triển manh mún, xây dựng vô tội vạ, không theo một quy hoạch cụ thể nào. Không gian thoáng đãng vốn có của khu vực ngoại thành đang dần bị lấn át bởi làn sóng đô thị hóa quá nhanh. Tình trạng úng ngập xảy ra thường xuyên. Thêm vào đó, hệ thống lưới điện dù đã phủ khắp nhưng tại nhiều nơi tình trạng quá tải vẫn luôn xảy ra vào các giờ cao điểm...
Một điểm đáng lo ngại khác là tình trạng đang mất dần các không gian mặt nước của Hà Nội. Từ hơn 210 hồ nguyên thủy ở nội và ngoại thành trước đây, hiện Hà Nội chỉ còn khoảng hơn 20 hồ trong nội thành. Những tác hại của việc san lấp, lấn chiếm vô tội vạ hàng loạt hồ thời gian qua còn chưa tính đến thì nay hệ thống hành lang còn lại cũng đang tiếp tục bị đe dọa. Quanh Hồ Tây, hồ Trúc Bạch, Thành Công, Thanh Nhàn, Đồng Nhân, Hồ Văn... hàng loạt các công trình kiến trúc đã mọc lên bám sát mép hồ. Những khối bê tông lừng lững mọc lên đe dọa cắt đứt sự liên hệ giữa các hồ với cảnh quan thiên nhiên chung toàn thành phố. Sự phát triển một cách thái quá, vô độ ấy có nguy cơ cắt đứt mọi liên hệ giữa con người với cảnh quan mặt nước của thành phố. Chúng ta đang đối xử với những gì mà thiên nhiên ban tặng cho chính chúng ta một cách không kiểm soát và vượt ra khỏi những chuẩn mực cần có.
LÝ NGỌC THANH