Đô thị lấn biển Cần Giờ gắn với biến đổi khí hậu

Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ có quy mô 2.870ha, dân số khoảng 230.000 người, khách du lịch ước 8-10 triệu lượt/năm. 
Tàu cá tại cảng thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Tàu cá tại cảng thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

“Đặc biệt lưu ý đến việc ứng phó biến đổi khí hậu, vì vùng đất có địa hình thấp, gần các cửa sông nên chịu nhiều ảnh hưởng từ các điều kiện tự nhiên và biến đổi khí hậu toàn cầu”, đó là chỉ đạo mới nhất của UBND TPHCM tại quyết định duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện cần Giờ.

Theo đó, Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ có quy mô 2.870ha, dân số khoảng 230.000 người, khách du lịch ước 8-10 triệu lượt/năm. Các hạng mục khu đô thị gồm có đất ở, công trình dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, công nghệ cao, mặt nước biển… Đối với yêu cầu và nguyên tắc cơ bản về phân khu chức năng, kiến trúc, cảnh quan, kết nối hạ tầng khu vực quy hoạch, trong đó định hướng quy hoạch hình dáng bờ biển: kết hợp hài hòa về yếu tố cảnh quan và yếu tố kỹ thuật, đặc biệt lưu ý đến việc ứng phó biến đổi khí hậu, vì khu vực xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh có địa hình thấp, sát biển, gần các cửa sông nên chịu nhiều ảnh hưởng từ các điều kiện tự nhiên và biến đổi khí hậu toàn cầu. Do đó, khu lấn biển phải nghiên cứu, đề xuất giải pháp khắc phục được các hạn chế của biến đổi khí hậu thông qua đầu tư hạ tầng, đê biển để giảm thiểu ảnh hưởng đến khu vực đất liền, hiện trạng.

Về quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phải đồng bộ, đảm bảo tầm nhìn dài hạn, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh và phát triển trong tương lai; kết nối đồng bộ với đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 trên địa bàn huyện Cần Giờ (sẽ được nghiên cứu cập nhật trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đã có kế hoạch tổ chức thiết lập).

Đối với đánh giá môi trường chiến lược, quyết định nêu rõ, khu vực ven biển tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ chịu nhiều ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, việc triển khai phải tuân thủ các quy định hiện hành về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, hành lang bảo vệ bờ biển; đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về tài nguyên nước; cần tham khảo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại Việt Nam.

Mặt khác, cần nghiên cứu kết nối tổng thể hạ tầng giao thông vận tải nói riêng, cơ sở hạ tầng nói chung của khu vực với hệ thống cơ sở hạ tầng của TP, đảm bảo đời sống cộng đồng người dân khu vực ven biển, bảo vệ hệ sinh thái, các loài thủy sinh vật biển có giá trị kinh tế, khoa học; tuân thủ nguyên tắc bảo vệ môi trường, không làm ảnh hưởng đến định hướng phát triển bền vững của TP và khu vực lân cận. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các yêu cầu đánh giá môi trường chiến lược theo đúng quy định hiện hành.

Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP, Bộ Tư lệnh TP lưu ý, khi triển khai dự án phải đảm bảo yêu cầu bảo tồn hệ sinh thái của Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ, được cơ quan tư vấn có năng lực, nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; không ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy, sa bồi làm ảnh hưởng địa hình lòng sông, không gây xói lở ven bờ và không ảnh hưởng đến giao thông đường thủy nội địa, hàng hải qua khu vực này kết nối với các cảng của TP.

Đặc biệt, dự án phải đảm bảo yêu cầu về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, đảm bảo khả năng phòng thủ bờ biển khu vực Cần Giờ. Đáng chú ý, nghiên cứu chứng minh khả năng cung cấp cát san lấp để thực hiện dự án trong điều kiện TPHCM không được khai thác cát theo quvết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cần tiếp thu, ghi nhận và giải trình các ý kiến đóng góp của cộng đồng dân cư có liên quan đến đồ án quy hoạch (theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở) để có giải pháp quy hoạch phù hợp, khả thi.

Tin cùng chuyên mục