Đổ xô săn rùa

Đổ xô săn rùa

Từ nhiều ngày qua, rùa xuất hiện nhiều, hàng trăm người dân xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đổ xô lên núi bắt rùa bán với giá nhiều triệu đồng một ký. Giá một ký rùa liên tục tăng khiến hàng trăm người dân bất kể ngày hay đêm cũng lũ lượt kéo nhau lên núi bắt rùa.

Rùa đầy núi

Sáng 24-1, vượt qua những quãng đường đèo dốc quanh co, PV Báo SGGP có mặt tại khu vực Hố Cau, nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa (thuộc thôn Hòa Phát, xã Hòa Phú), nơi có hàng trăm người đi săn rùa trong nhiều ngày qua. Con đường dẫn từ UBND xã Hòa Phú vào khu vực Hố Cau người đông nghẹt. Trên đường, từng đợt xe máy chở người mang ba lô, tay cầm rựa cán dài và cây gậy chạy hướng về Hố Cau. Trong khoảng mười ngày qua, khu vực này xuất hiện rất nhiều rùa, từ con vài lạng đến con nặng 3,5kg nên người dân gọi tên là Hố Rùa.

Mỗi ngày có hàng trăm người dân đi săn rùa.

Con đường dẫn vào Hố Rùa lởm chởm đá dài chừng 5km. Tại hiện trường, hàng chục người dân đi săn rùa với ba lô trên lưng, tay cầm rựa cán dài để phát quang bụi rậm tìm rùa, tay cầm gậy để lao núi. Khu vực xuất hiện nhiều rùa trong thời gian qua là hai hồ nước rộng và dài, phía trên là khe suối, hai bên là đồi núi cao với nhiều bụi rậm. Cạnh bên là một trang trại nuôi heo công nghiệp lớn và nước thải đổ thẳng ra hồ chứa nước này. Hàng ngày, tại khu vực này có hàng trăm lượt người lùng sục khắp nơi, kẻ leo núi, người lội hồ để săn rùa. Trong đó, một số người dùng ruột ô tô bơm căng để chèo ra giữa hồ nước đầy bèo tìm rùa. Trên bờ, kiểm lâm viên địa bàn Ngô Trường Trung (Hạt Kiểm lâm Hòa Vang) cố vận động bà con dừng săn rùa để về nhà.

Ngồi nghỉ trên bờ hồ, bà Phan Thị Hoa (60 tuổi, thôn Hòa Phát, xã Hòa Phú) cho biết: “Mấy ngày qua, nghe người dân trong thôn trúng rùa bán hàng chục triệu đồng nên tôi cũng bỏ việc nhà lên đây tìm rùa. Đi mấy ngày rồi nhưng chưa được con nào, trong khi người ta thì trúng nhiều”.

Biết chúng tôi là nhà báo, nhiều người dân đi tìm rùa chạy đến kể vanh vách tên những người trúng nhiều rùa mấy ngày qua. Trong số đó, có bà Nguyễn Thị Lợi (thôn Hòa Phát) bắt được 1 con rùa nặng 2,7kg, anh Lê Tấn Hoạch (còn gọi là Ụt) trúng rùa bán hơn 40 triệu đồng...

Em Hứa Điền Minh Nhựt (15 tuổi, thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú) móc con rùa gần 0,5kg giấu trong đôi ủng ra khoe: “Mấy ngày nay nghe dân trúng rùa bán cả chục triệu đồng nên em cũng ra đây săn rùa. Đi khoảng hơn 1 giờ em săn được con rùa này đây”.

Em Hứa Điền Minh Nhật, ở xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, khoe con rùa gần 0,5kg vừa bắt được.

Anh Phan Văn Triều, người cùng nhóm bạn săn được con rùa nặng hơn 2kg, kể: “Cách đây chừng 10 ngày, mấy người ở thôn Hòa Hải đi rừng phát hiện rùa bò lên núi, bắt bán với giá gần 2 triệu đồng/kg nên người dân đổ vào núi tìm rùa. Mấy ngày qua người dân bắt được khoảng gần 100kg rùa. Ban đầu bán 2 triệu đồng/kg nhưng nay lên gần 7 triệu đồng/kg. Ngày 22-1, tôi cùng 2 người bạn bắt được con rùa hơn 2kg, bán 4,8 triệu đồng/kg. Do giá rùa cao nên người dân ở đây vào núi tìm rùa cả ngày lẫn đêm”.

Ô nhiễm môi trường hay lời cảnh báo thảm họa?

Liên tục có mặt nhiều ngày tại nơi có hàng trăm người săn rùa, kiểm lâm viên địa bàn Ngô Trường Trung (thuộc Hạt Kiểm lâm Hòa Vang) cho biết: Nhiều ngày qua, mỗi ngày có hàng trăm người đổ vào núi săn rùa nên kiểm lâm phải có mặt để vận động bà con nhân dân về nhà nhưng người dân vẫn kéo vào. Tuy nhiên, nhiều người đi săn mấy ngày liền không có cũng nản nên hiện nay còn khoảng vài chục người tiếp tục săn rùa trong núi.

Ông Ngô Trường Trung cũng cho biết, đây là loại rùa nước ngọt và rất quen thuộc với người dân nơi đây. Tuy nhiên, trước đây rùa này chỉ chừng 200.000 đồng/kg nên không có ai đi bắt, nay giá nhiều triệu đồng nên họ đổ xô đi bắt.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, cho biết: Tại khu vực Hố Cau cách đây nhiều năm có người nuôi rùa nhưng do lụt bão nên vỡ hồ và rùa tràn ra ngoài. Tại khu vực này, thi thoảng người dân vẫn bắt được rùa mang về ăn thịt. Loại rùa này không phải là động vật quý hiếm nhưng do có giá cao nên người dân đổ xô đi tìm. Để vãn hồi trật tự, UBND xã Hòa Phú phối hợp với kiểm lâm địa bàn, trưởng thôn vào hiện trường vận động bà con nhân dân về nhà nên ban đầu vài trăm người nhưng nay chỉ còn khoảng 50 người vào núi tìm rùa. UBND xã cũng chỉ đạo lực lượng Công an xã kiểm tra các đầu nậu thu mua, kiểm soát chặt chẽ tình trạng mua bán rùa cũng như sự xuất hiện của những đối tượng lạ mặt để đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời báo cáo lên UBND huyện Hòa Vang tìm hướng xử lý và nghiên cứu hiện tượng rùa xuất hiện bất thường.

Ông Nguyễn Ngọc Hải cũng lo lắng: Khi rùa mới xuất hiện, tôi nghĩ là do hồ nước ô nhiễm nên rùa bò lên núi, nhưng sau đó tại các khe suối nước sạch rùa vẫn bò lên núi và người dân bắt được. Vì vậy không biết là do môi trường hay biến động thiên nhiên gì mà rùa lại bò lên núi như vậy?

Chiều 24-1, trao đổi với PV Báo SGGP, TS Võ Văn Minh, Trưởng khoa Sinh - Môi trường, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, cho biết: Hiện tượng rùa di chuyển từ dưới nước lên trên khô có khả năng là do chất hữu cơ dưới hồ cao, khi trời nắng mạnh khiến hàm lượng khí mêtan (CH4) lên cao nên các sinh vật dưới hồ phải ngoi lên mặt nước hoặc lên bờ để thở. Bên cạnh đó, sự tác động tiêu cực đến môi trường sống và nguồn thức ăn cũng khiến các sinh vật di cư. Ngoài ra, một số động vật di cư cũng “dự báo” cho một sự biến đổi bất thường của thiên nhiên, khí hậu sắp xảy ra. Tuy nhiên, phải nghiên cứu kỹ mới có thể xác định được nguyên nhân của hiện tượng rùa di cư lên núi như thế này.

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục