Hàng chục năm trước, quần thể gỗ trắc tại các xã Ia Chim, Đoàn Kết, Đắk Năng (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã lần lượt bị đốn để nhường đất cho sản xuất hoặc các dự án trồng cao su. Gốc gỗ trắc bị vùi lấp dưới lòng đất mà chẳng ai thèm lấy. Đến khi cơn sốt gỗ trắc nổi lên, người dân nơi đây ùn ùn kéo nhau trở lại tìm kiếm, đào bới gốc, rễ về bán. Sau mỗi chuyến đi, có người trúng đậm và cũng có người trắng tay…
“Đánh hơi” tìm trắc
7 giờ 30 sáng, tại ngã tư dẫn vào làng Hno, xã Đoàn Kết (TP Kon Tum), hàng chục người dân chia thành các nhóm nhỏ chuẩn bị đi xăm gỗ trắc. Hành trang của từng nhóm người này ngoài cơm nắm và cá khô để ăn, cuốc để đào thì phương tiện không thể thiếu là cây xăm. Cây xăm được chế tạo bằng thanh sắt dài 1,2m, trong đó một đầu được mài nhọn, đầu kia gắn vào thanh sắt tròn làm tay cầm. Sau 20 phút hội ý về địa điểm, nhóm lên xe máy rồ ga tiến về thôn Tân Hưng (xã Ia Chim), sau đó chia tách từng nhóm nhỏ vào các rẫy cao su để bắt đầu xăm gỗ. “Nhóm tôi chọn khu rẫy cao su gần đường nhựa bởi nhiều già làng nói khu này trước đây trắc mọc nhiều. Hôm rồi nhiều người xăm gần khu vực này cũng trúng đậm. Hy vọng dưới lòng đất còn sót lại nhiều gốc trắc”, anh A Hrum (làng Hno) lý giải. Dứt lời, 6 người hớn hở tản ra từng góc xăm dò gỗ trắc. Hai tay anh A Hrum cầm chặt một đầu cây xăm rồi thọc sâu xuống đất. Không thấy động tĩnh gì, anh rút cây xăm lên và tiếp tục thọc xuống chỗ khác. Cứ thế, A Hrum xăm từ khoảnh cao su này sang khoảnh khác. 10 phút sau, cây xăm của Hrum xăm trúng vật cứng nghe tiếng cốp. Hrum rút lên và ngửi đầu nhọn cây xăm. “Mùi này không phải trắc, mà là gỗ hương”, Hrum nói rồi dùng cuốc xới tung đất lên. Một cành hương to khoảng 5cm, dài 70cm dần lộ ra. “Nhỏ thế này người ta không mua rồi”, A Hrum tiếc rẻ và tiếp tục cuộc đi xăm.
Khi xăm gần một cây cao su cổ thụ, mũi xăm của A Hrum lại đâm trúng một khúc gỗ khác. A Hrum lôi cây xăm lên, tiếp tục đưa vào mũi ngửi. “Tiếng kêu cốp này chứng tỏ gỗ rất cứng. Mùi này đúng gỗ trắc rồi”, Hrum nói to và ra hiệu cho bố ruột là ông A Hráo đến trợ giúp cùng đào. Hai bố con hì hục đào lớp đất sâu 50cm và lôi lên được khúc gỗ trắc dài 50cm, nặng 2kg. Đến 11 giờ trưa, tốp 6 người của A Hrum mệt lả, nhưng ngoài A Hrum, chưa ai xăm được miếng gỗ trắc nào. Họ tụ tập cùng nhau ăn trưa, nghỉ ngơi.
Cách vị trí của nhóm A Hrum chừng 3km, nhóm của anh A Canh gồm 3 người (cùng trú làng Ley, xã Ia Chim) cũng đang miệt mài tìm kiếm vận may qua những lần xăm. Khi hai người trong nhóm lần lượt đuối sức, phải nghỉ lấy hơi thì A Canh với cơ thể lực lưỡng vẫn cầm đồ nghề đi xăm từ khoảnh này đến khoảnh khác.
Anh A Hrum cùng chiến lợi phẩm là rễ trắc
Trông chờ vận may
15 giờ, chúng tôi có mặt tại con đường nhựa nối từ thôn Tân Hưng ra trung tâm xã Ia Chim. Lần lượt từng tốp người đi xăm buồn bã trở về nhà. Gặp thương lái, họ lắc đầu với hàm ý không có hàng bán. Có nhóm đào được một số rễ trắc nhỏ nhưng bị bọng nên thương lái chê, không mua, buộc người đi xăm phải mang chiến lợi phẩm về nhà… làm kỷ niệm. Buồn bã, mệt mỏi là những gì chúng tôi cảm nhận được từ gương mặt các thành viên trong đoàn. Trong số những nhóm đi xăm trắc, nhóm A Hrum về trễ nhất. “Nói thật, xăm trắc chỉ biết trông chờ vào vận may chứ chẳng ai tài giỏi gì cả. Lúc hên gặp gốc trắc to, bán kiếm chút tiền mua gạo. Còn về tay không là chuyện bình thường”, A Hrum nói. Cũng theo anh A Hrum, nghề xăm trắc trên địa bàn diễn ra từ 3 năm nay. Khi ấy, gỗ trắc được thương lái chào mua với giá cao ngất ngưởng, từ 70.000 - 80.000 đồng/kg nên mọi người đổ xô đi xăm, nhất là vào mùa mưa (từ tháng 5 đến hết tháng 11), khi ấy mặt đất mềm nhão. Hai bố con anh Hrum “gia nhập” đội xăm trắc từ 2 năm qua. “Năm nay, bố con tôi mới đi xăm 1 tháng, được 4 gốc trắc to, bán được 10 triệu đồng. So với năm ngoái thì không ăn thua vì gỗ ngày càng hiếm”, A Hrum cho biết.
Kém may mắn nhất trong đội xăm trắc là anh A Ngãi (làng Hno). “Đây là năm thứ 3 tôi đi xăm trắc. Những năm trước còn nhiều gốc trắc nên ngày nào đi cũng có tiền. Còn năm nay từ tháng 7 đến giờ chưa trúng được gốc nào. Nhưng biết sao được, mùa mưa không có việc làm mới đi xăm gỗ chứ ở nhà ngồi không cũng đói”, A Ngãi tâm sự.
Không cấm xăm gỗ
Ông Hoàng Nguyên Chiến, Chủ tịch UBND xã Ia Chim, cho biết, địa bàn xã từng có rất nhiều cây gỗ trắc. Mấy năm qua thương lái còn vào tận nhà thu mua hết số gỗ trắc mà dân dùng làm hàng rào, nhà cửa, chuồng trâu bò. Đến khi bán hết, người dân lại đi xăm gốc gỗ trắc bị vùi lấp dưới lòng đất để bán. Việc người dân đi mót gỗ trắc địa phương không cấm. Còn theo ông Phạm Ngọc Nhẫn, Hạt phó Hạt Kiểm lâm TP Kon Tum, đất trồng cao su là đất nông nghiệp. Theo quy định, người dân đi xăm gỗ trắc ở vùng ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp thì không cấm. Nhưng khi mua bán phải cần có chính quyền xã xác nhận số gỗ trắc đó được đào ở khu đất ngoài vùng quy hoạch đất lâm nghiệp là được.
HỮU PHÚC