Vụ cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung
Ngày 22-4, đoàn công tác Trung ương do bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN-PTNT) làm trưởng đoàn cùng đại diện Viện Nghiên cứu hải sản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an)… đã đến tỉnh Thừa Thiên - Huế làm việc với các sở, ban ngành về tình hình cá chết bất thường xảy ra dọc bờ biển tỉnh này trong những ngày qua (Báo SGGP đã thông tin).
Sẽ sớm có kết luận nguyên nhân cá chết
Tại buổi làm việc, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết từ ngày 15 đến 18-4 là những ngày cao điểm xảy ra tình trạng cá nuôi và cá biển tự nhiên bị chết, tập trung ở huyện Phú Lộc và rải rác ở một số địa phương khác trên địa bàn. Điều bất thường là giữa cá nuôi và cá tự nhiên đều chết cùng một thời điểm, chết rất nhanh và không có biểu hiện về bệnh tật. Trước yêu cầu của đoàn công tác Trung ương về việc cung cấp mẫu cá chết còn tươi để đưa đi xét nghiệm, ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thừa Thiên - Huế, cho rằng hiện cá chết không còn xảy ra, xác cá chết trước đó đã phân hủy, đơn vị không lưu trữ, bảo quản cá chết nên hiện không có mẫu. Cũng theo ông Bình, hiện chưa rõ nguyên nhân cá chết nhưng rất có thể cá tự nhiên chết xuất hiện ở Thừa Thiên - Huế do “từ nơi khác tới”, và “dưới tác động bởi tác nhân nào đó” từ môi trường biển. Về cá nuôi lồng bè chết ở khu vực thị trấn Lăng Cô thì xảy ra trước đó khoảng 1 tháng, nhưng chỉ 2-3 ngày rồi ngưng lại.
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản cho rằng, nhiệm vụ của đoàn là phải nắm vững về hiện trạng cá chết ở Thừa Thiên - Huế, trong đó có cá nuôi lồng và cá tự nhiên. Đồng thời cho biết, đoàn đã tiến hành lấy mẫu nước, cá chết ở Quảng Bình và sẽ tiếp tục lấy mẫu ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh để đưa đi xét nghiệm. Hiện chưa thể đưa ra nhận định về nguyên nhân cá chết hàng loạt dọc 4 tỉnh miền Trung. Trong khi ông Trần Quang Thư, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường biển (Viện Nghiên cứu hải sản, Bộ NN-PTNT) cho biết, việc lấy mẫu sẽ giúp cơ quan chức trách sớm kết luận nguyên nhân cá chết hàng loạt.
Người dân vẫn mua cá chết được vớt dọc bờ biển Quảng Trị
Formosa khẳng định kênh xả thải không ảnh hưởng tới môi trường
Từ ngày 6-4 đến 14-4-2016, tình trạng cá nuôi lồng bè các loại và cá tự nhiên chết hàng loạt bất thường tại vùng biển Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh tấp vào bờ bốc mùi hôi thối ô nhiễm môi trường, sau đó lan dần sang địa bàn ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, người dân địa phương đã đặt nhiều nghi vấn, trong đó có nghi vấn hệ thống xả thải ngầm của dự án Formosa ở Khu kinh tế Vũng Áng.
Theo một số ngư dân ở thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, trong khi lặn biển, họ nhìn thấy đường ống ngầm lớn nối liền từ dự án của Formosa ra biển. Đường ống này dài khoảng 1,5km, đường kính khoảng 1m được chôn nông dưới đáy biển, phủ phía trên là lớp đá hộc cùng bao tải cát. Nước trong ống phun ra rất mạnh, có màu vàng đục, mùi hôi thối khó thở… Sau đó, ngư dân đã thông báo cho Đồn biên phòng Đèo Ngang (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh). Đồn biên phòng Đèo Ngang cũng xác nhận có sự việc ngư dân đến trình báo về một đường ống xả thải được nối liền từ khu vực dự án Formosa ra biển. Đồn biên phòng đã báo cáo lên Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh biết và đang chờ ý kiến chỉ đạo.
Ngày 22-4, trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo cao cấp (xin giấu tên) của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cho biết, xung quanh việc cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung, đặc biệt là ở Hà Tĩnh, mấy tuần qua công ty nhận được rất nhiều ý kiến, trong đó có ý kiến về việc hệ thống đường ống cống xả nước thải ra biển. Vị lãnh đạo này cho biết, thực ra phía Formosa gọi những ống cống chôn dưới lòng biển đó là một phần của hệ thống kênh xả thải thuộc dự án Formosa, kênh rộng 1m, dài 1,5km, nằm ở độ sâu cách mặt nước biển 17m và cách bờ biển khoảng 1,5km. Hệ thống kênh này được khởi công xây dựng từ tháng 12-2012. Vị lãnh đạo Formosa khẳng định, khu công nghiệp nào cũng phải có kênh xả thải. Hàng ngày, công ty xả khoảng chục ngàn khối nước thải qua kênh này. Các mẫu nước thải đều đạt theo tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, có máy tự động kiểm tra nước và đều được ghi rất chi tiết vào máy vi tính.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh, tính từ ngày 6-4 đến 14-4 tại thị xã Kỳ Anh (nằm trong phạm vi Khu kinh tế Vũng Áng) xảy ra hiện tượng cá nuôi trong lồng bè bị chết, ước tính tổng thiệt hại khoảng 4,71 tỷ đồng. Ngoài ra, tại các vùng biển quanh đảo Sơn Dương, vùng biển gần bờ xung quanh cảng Vũng Áng và vùng cửa sông Vịnh (giữa xã Kỳ Hà và xã Kỳ Ninh) đều có hiện tượng một số loài cá tự nhiên chết bất thường tấp vào bờ. Hiện tình trạng cá nuôi và cá tự nhiên chết trên vùng biển Vũng Áng không còn nữa.
| |
DƯƠNG QUANG - VĂN THÁNG
>> Người dân hoang mang, cơ quan chức năng bối rối
>> Khẩn trương làm rõ tình trạng cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung