Doanh nghiệp bình ổn các mặt hàng lương thực chạy đua với kế hoạch năm và hàng tết

Doanh nghiệp bình ổn các mặt hàng lương thực chạy đua với kế hoạch năm và hàng tết

Ngày 16-11 vừa qua, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên tiếp tục dẫn đầu đoàn công tác đi thực tế, kiểm tra việc chuẩn bị các mặt hàng lương thực tại nhiều doanh nghiệp (DN) hiện có nhà máy, cơ sở sản xuất đặt tại các tỉnh, thành như Vinh Phát, Tấn Vương, Tứ Sơn. Theo các DN, đến thời điểm này tiến độ chuẩn bị hàng hoá tết diễn ra khá thuận lợi. Nguồn hàng cung ứng cho thị trường tết rất dồi dào, phong phú, giá cả sẽ ổn định.

Tấp nập

Chúng tôi có mặt tại nhà máy và kho chứa gạo của Công ty TNHH Tấn Vương, đặt tại ấp Nhơn Hòa, xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang khi đồng hồ đã nhích qua con số 12 giờ. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là nhà máy vẫn hoạt động bình thường. Ghe thuyền tấp nập cập bến, chở hàng và “ăn hàng”. Các dây chuyền xay xát gạo vẫn chạy hết công suất, công nhân làm việc tất bật, người nào việc nấy, mồ hôi ướt đẫm trên lưng áo.

Đón chúng tôi là người phụ nữ hiền hậu, là Giám đốc Công ty Tấn Vương Võ Thị Phỉ. Bà cho biết, do công ty đang chuẩn bị đón các đoàn đối tác đến từ Singapore, Trung Quốc nên ngoài việc chạy đua trong sản xuất nhằm đảm bảo sản lượng cung ứng xuất khẩu, nhà máy phải dồn toàn lực để dọn dẹp và sắp xếp lại cho ngăn nắp hơn. Nhà máy xay xát gạo của Công ty Tấn Vương hiện được xem là một trong những nhà máy hiện đại nhất của Việt Nam và trong khu vực, với công suất lên đến 24 tấn/giờ. Đây cũng là nhà máy đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về an toàn, chất lượng đối với mặt hàng gạo như HACCP, BRC… Trong cơ cấu về hàng hóa, hiện sản lượng của Công ty Tấn Vương dành cho xuất khẩu vẫn chiếm gần 80%, trong đó chỉ riêng thị trường Trung Quốc sản lượng của công ty đã chiếm gần 50% tổng sản lượng và giá trị xuất khẩu của các DN Việt Nam sang thị trường này. Tiêu thụ nội địa chỉ chiếm hơn 20% sản lượng hàng hóa còn lại.

Bên cạnh việc sản xuất, Công ty Tấn Vương cũng đầu tư mạnh vào các vùng nguyên liệu, hình thành cánh đồng mẫu lớn sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu vào những thị trường khó tính cũng như tiêu dùng trong nước.

Là DN chuyên sản xuất gạo lâu năm và là DN tham gia bình ổn thị trường ngay từ năm 2008, đến nay Công ty cổ phần Đầu tư Vinh Phát đã phát triển được 4 nhà máy xay xát gạo để xuất khẩu và cung ứng cho thị trường trong nước. Trong số đó, nhà máy đặt tại Bình Đức, phường Bình Đức, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang được đầu tư quy mô hiện đại nhất, với công suất 1 tấn lúa/ngày. Đây cũng là nhà máy chuyên sản xuất các loại gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Về giá lúa nguyên liệu, ông Trần Ngọc Trung, Tổng Giám đốc Công ty Vinh Phát, cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, giá thu mua lúa nguyên liệu vẫn ổn định ở mức lúa thường khoảng 4.500 đồng/kg, lúa thơm từ 5.500 - 5.800 đồng/kg. Từ nhiều năm qua, Công ty Vinh Phát đã thực hiện việc thu mua bao tiêu cho nông dân trong vùng với giá hỗ trợ thêm từ 50 - 100 đồng/kg so với giá bán bình quân trên thị trường nên giúp yên tâm sản xuất và công ty cũng không lo đầu vào cho sản xuất. Theo ông Trung, việc mua trực tiếp từ nông dân, không chỉ giảm bớt qua khâu trung gian tăng thu nhập cho người dân, mà còn giúp công ty kiểm soát về mặt chất lượng lúa. Về lâu dài, Công ty Vinh Phát sẽ triển khai trồng lúa sạch trên cánh đồng mẫu lớn để đảm bảo nguyên liệu sạch cho sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.

Nguồn hàng chuẩn bị tăng gấp 3 lần so với kế hoạch

Hiện nay, các nhà máy sản xuất của Công ty Vinh  Phát cũng đang chạy hết công suất nhằm đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu, cũng như tăng lượng hàng dự trữ tại kho, ổn định nguồn lương thực cung ứng cho thị trường nội địa.

Cụ thể, về kế hoạch Tết Đinh Dậu năm nay, đối với mặt hàng gạo trắng thơm, thành phố giao chỉ tiêu cho Công ty Vinh Phát là 500 tấn, nhưng công ty chuẩn bị lên gấp 3 lần là 4.500 tấn; gạo trắng thường, gạo Jasmine 1.300 tấn, công ty chuẩn bị 6.500 tấn. Hiện các  loại gạo của Công ty Vinh Phát đang được phân phối chủ yếu ở kênh hiện đại, trong đó có 129 điểm bán, gồm 55 siêu thị, 65 cửa hàng tiện lợi và 9 sạp chợ. Theo kế hoạch Tết Đinh Dậu, công ty sẽ nâng lên 160 điểm bán, đồng thời tham gia 3 chuyến bán hàng lưu động đến các vùng sâu, vùng xa của TPHCM.

Tại Công ty Tấn Vương cũng được thành phố giao chỉ tiêu 150 tấn gạo trắng thường, nhưng công ty đã chuẩn bị lượng hàng tăng hơn gấp 3 lần là 540 tấn; gạo trắng thường 180 tấn, công ty chuẩn bị 450 tấn. Cùng với 2 loại gạo tham gia bình ổn thị trường là gạo trắng thơm và gạo trắng thường, các loại gạo thơm của Công ty Tấn Vương như Cát Tường, gạo trắng dài, hương nàng hoa, hương thơm lài… cũng đang được phân phối tại 97 điểm bán của thành phố. Theo kế hoạch, trong dịp Tết Đinh Dậu, công ty sẽ nâng lên 144 điểm bán gồm 9 siêu thị, 50 cửa hàng tiện lợi, 5 sạp chợ, 50 cửa hàng tạp hóa. Theo đó, công ty cũng tham gia 19 chuyến bán hàng lưu động.

Giám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên xem các loại hàng hóa được đóng gói tại Công ty cổ phần Vinh Phát. Ảnh: HẢI HÀ

Nhận định về nguồn gạo cung ứng cho thị trường tết, bà Võ Thị Phỉ cho rằng, không sợ thiếu hàng, sốt giá, vì ngoài lượng hàng bình ổn dự trữ cao gấp 3 lần so với kế hoạch thành phố giao, công còn có một kho dự trữ với sản lượng lên tới 30.000 tấn, trong đó gạo 20.000 tấn và lúa là 10.000 tấn. Hiện công ty cũng đang tăng cường các loại gạo đặc sản, gạo thơm và nếp để đa dạng sản phẩm. Do vậy, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm về mặt hàng gạo tết.

Kết thúc chuyến đi thực tế, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên, cho rằng, gần đây việc xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn vì nhiều lý do. Điều này đồng nghĩa, gạo cung ứng cho thị trường trong nước hiện rất dồi dào, phong phú. Tuy nhiên, gạo là mặt hàng thực phẩm thiết yếu, chiến lược, là nguồn thực phẩm tiêu dùng hàng ngày không thể thiếu của người dân nên không thể lơ là, chủ quan. Tại TPHCM, mặt hàng gạo cũng được báo cáo hàng tuần về khả năng cung cầu - giá cả. Nhưng nếu chỉ ngồi nghe các DN báo cáo không thôi thì chưa đủ, mà cần phải đi thực tế để “tai nghe, mắt thấy”, mới giúp thành phố yên tâm điều hành.

Theo ông Phạm Thành Kiên: “Qua chuyến đi khảo sát, cũng có thể thấy rõ năng lực thực sự của các đơn vị tham gia bình ổn đều là những DN hàng đầu của ngành gạo. Nguồn gạo trong nước rất dồi dào, gạo Việt Nam cũng rất ngon, nhưng điều khiến tôi còn băn khoăn là chúng ta vẫn chưa xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam cho DN của mình. Việc xuất khẩu chủ yếu vẫn phải thông qua các thương hiệu của chính các tập đoàn phân phối nước ngoài. Đây là điều cần sớm khắc phục để nâng tầm thương hiệu, giá trị gia tăng cũng như nâng sức cạnh tranh cho hạt gạo trong nước trong tiến trình hội nhập kinh tế”.

HẢI HÀ

Tin cùng chuyên mục