Dù còn hơn một tháng nữa mới kết thúc Chương trình bình ổn các mặt hàng phục vụ mùa khai trường 2013 và 5 tháng nữa mới bước vào cao điểm kinh doanh các mặt hàng cặp xách, tập vở và đồng phục học sinh, nhưng ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình đã và đang tập trung mọi nguồn lực để dự trữ nguyên vật liệu, đáp ứng tốt nhất cho việc sản xuất hàng hóa.
Tăng sản lượng từ 10% - 20%
Theo nhận định của bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, năm 2013 là năm đầu tiên TPHCM triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ mùa khai trường xuyên suốt 12 tháng, kể từ ngày 1-4-2013 đến 1-4-2014, thay vì chỉ thực hiện kể từ ngày 1-4 đến 31-10 hàng năm. Đây cũng là năm đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ các DN tham gia chương trình, thông qua việc đầu tư, phát triển nhà xưởng, tăng sản lượng, đa dạng hóa mẫu mã và không ngừng nâng cao, hoàn thiện chất lượng hàng hóa.
Cụ thể, trong sản xuất, các DN luôn chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn nguyên liệu, tích cực dự báo cung - cầu thị trường để xây dựng phương án sản xuất phù hợp, thể hiện tính chuyên nghiệp cao trong việc điều phối hàng hóa kịp thời đến các hệ thống điểm bán, đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường luôn sẵn sàng khi có biến động.
Theo kế hoạch, năm 2014, TPHCM tiếp tục bình ổn thị trường đối với 3 nhóm mặt hàng chính gồm tập vở, đồng phục học sinh và cặp - ba lô - túi xách (có bổ sung mặt hàng giày dép, bút viết…). Để thực hiện chương trình này, ngay tại thời điểm này, các DN tham gia chương trình bình ổn đều đã bắt tay xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho năm 2014, với sản lượng hàng hóa tăng bình quân từ 10% - 20% tùy nhóm mặt hàng.
Ông Trần Bá Dũng, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH SX Hương Mi (Hami) cho biết, tính đến ngày 20-2, công ty đã tiến hành đặt hàng cho các đối tác cung ứng nguyên vật liệu, đồng thời trong kho của Hami cũng đã dự trữ được khoảng 50% nguyên phụ liệu cung ứng cho sản xuất năm 2014, số còn lại đang được thực hiện theo đúng tiến độ.
Theo kế hoạch, năm nay, Hami cũng sản xuất và cung ứng cho thị trường từ 500.000 - 600.000 sản phẩm các loại, trong đó hàng bình ổn sẽ chiếm khoảng 300.000 - 400.000 sản phẩm. Để đảm bảo sản lượng năm nay tăng 20% so với năm ngoái, Hami cũng huy động mọi nguồn lực để đầu tư, tăng diện tích kho, nhà xưởng lên gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013.
Tương tự, ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty TNHH may túi xách Minh Tiến (Miti) cũng cho rằng, tiến độ dự trữ nguyên vật liệu đã đạt khoảng 40% kế hoạch. Năm nay, Miti dự kiến sẽ cung cấp cho chương trình bình ổn thị trường của TP khoảng 200.000 sản phẩm cặp, ba lô, túi xách các loại. Miti cũng đầu tư, xây dựng thêm 5.000m2 nhà xưởng, phục vụ cho việc tăng sản lượng từ 10% - 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM - Saigon Co.op dự kiến năm nay tiếp tục chuẩn bị nguồn hàng bình ổn đối với 2 nhóm mặt hàng gồm đồng phục học sinh và tập vở. Là một DN phân phối nên Saigon Co.op đang thăm dò thị trường để lên kế hoạch tăng sản lượng các nhóm hàng cho phù hợp với sức mua. Đối với các DN cung cấp tập vở và đồng phục học sinh khác, việc chuẩn bị nguyên phụ liệu đang được thực hiện theo đúng kế hoạch.
Nâng chất lượng, ổn định giá
Theo các DN, năm nay giá nguyên vật liệu đầu vào đều tăng khoảng 10% - 15% so với hồi đầu năm 2013, trong khi đó sức mua sẽ chỉ tăng nhẹ do kinh tế còn nhiều khó khăn nên người dân sẽ tiếp tục thắt chặt chi tiêu. Đối với nhóm hàng tập vở, nhiều DN cho rằng sẽ thuận lợi hơn, ngoài yếu tố sức mua tăng do mức độ tăng dân số cơ học thì đây là mặt hàng buộc phải mua cho con em có tập vở để viết. Thế nhưng, những mặt hàng còn lại như đồng phục, ba lô - túi xách sẽ khó đạt được mức tăng như mong muốn, nếu các DN không có những bài toán, bước đi thích hợp.
Theo ông Nguyễn Trí Kiên, để bán được hàng trong năm nay, Miti sẽ cơ cấu lại toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, bằng mọi cách phải ổn định giá bán ngang bằng với năm ngoái. Để làm được việc này, DN phải tăng dự trữ nguyên liệu ngay từ đầu năm, đồng thời đầu tư hiện đại hóa dây chuyền công nghệ nhằm kiểm soát tốt hao hụt nguyên liệu, giảm nhân công, tiến đến tăng năng suất lao động.
Mặt khác, Miti phải đầu tư nhiều hơn cho công tác nghiên cứu, phát triển và đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, đảm bảo mùa khai trường năm nay, Miti phải tung ra ít nhất 20 sản phẩm mới, độc đáo và bắt mắt. Việc tìm kiếm các chất liệu mới có nhiều ưu điểm như bền hơn, nhẹ hơn, ít độc hại cho trẻ em thay thế hoàn toàn cho các chất liệu cũ cũng sẽ được thực hiện triệt để tại Miti.
Ông Kiên hy vọng, với những nỗ lực làm mới, sản phẩm của Miti sẽ được người tiêu dùng TP đón nhận, từ đó DN sẽ ổn định sản xuất, tạo đà phát triển khi nền kinh tế hồi phục hoàn toàn.
Ông Trần Bá Dũng cũng cho rằng, năm nay Hami tiếp tục đầu tư để cải tiến khoảng 50%-60% mẫu mã sản phẩm. Những chi tiết của sản phẩm như khóa, dây kéo ở nhóm hàng cặp xách - ba lô học sinh chưa tốt sẽ được khắc phục, đảm bảo chất lượng tốt nhất nhưng giá bán vẫn ổn định.
Ông Dũng cho biết: “Đầu tư để hoàn thiện chất lượng sản phẩm cạnh tranh tốt hơn trên thị trường là việc phải làm thường xuyên của DN. Nhưng điều khiến tôi lo ngại nhất hiện nay là đã và đang xuất hiện khá nhiều các cơ sở sản xuất làm nhái, làm giả các sản phẩm của một số DN tham gia chương trình bình ổn. Tình trạng này sẽ gây xáo trộn thị trường, làm ảnh hưởng đến uy tín của DN. Tôi mong muốn có sự hỗ trợ, góp sức nhiều hơn từ phía các sở, ngành chức năng, các hệ thống phân phối trong việc cung ứng và đưa các sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng”.
Bên cạnh việc chuẩn bị hàng hóa, các DN chú trọng vào công tác phát triển điểm bán, tích cực đưa hàng hóa vào các chợ truyền thống, các hệ thống siêu thị - trung tâm thương mại - chuỗi cửa hàng tiện lợi, khu dân cư… góp phần tạo sức lan tỏa của chương trình ngày càng rộng rãi. Theo đó, sức mua năm nay dự báo sẽ không có sự đột biến do kinh tế còn khó khăn, do vậy có thể khẳng định, lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường sẽ rất dồi dào, phong phú, giá cả ổn định.
Kết thúc mùa kinh doanh cao điểm các mặt hàng phục vụ mùa khai trường, sản lượng và doanh thu của nhiều DN trong chương trình vượt khá cao so với kế hoạch TP giao, giá bán các mặt hàng đảm bảo luôn thấp hơn giá thị trường từ 10% - 15%. Đặc biệt, vào khoảng thời gian cuối tháng 8, đầu tháng 9, hầu hết các DN trong chương trình còn tổ chức các chương trình khuyến mãi giảm giá từ 15% - 30% đối với từng nhóm hàng nhằm hỗ trợ cho phụ huynh có điều kiện tốt nhất mua sắm hàng hóa. |
THÚY HẢI