Còn đúng 1 tuần nữa sẽ khép lại mùa kinh doanh cao điểm Tết Bính Thân 2016. Hiện các doanh nghiệp (DN) trong Chương trình Bình ổn thị trường (CTBOTT) của TPHCM đã có sự chuẩn bị chu đáo lượng hàng hóa thiết yếu cung ứng thị trường nên dự báo tết năm nay khó xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa làm tăng giá đột biến. Nhằm thúc đẩy sức mua và hướng đối tượng phục vụ đến người lao động thu nhập thấp, các DN đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp thiết thực để giữ giá và giảm giá sâu nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu.
Mua bánh tết tại Co.opmart Lý Thường Kiệt. Ảnh: CAO THĂNG
Đồng loạt khuyến mãi các mặt hàng thiết yếu
Thông thường, người lao động thu nhập thấp ít có điều kiện mua sắm tết sớm do phải chờ lương, thưởng, nên sẽ tập trung mua sắm vào 2-3 ngày cận tết. Đây cũng là thời điểm thường có biến động giá một số mặt hàng như thịt gà, thịt heo, trứng gia cầm... do nhu cầu tăng đột biến và một số tiểu thương lợi dụng tết để tăng giá bất hợp lý. Xác định trách nhiệm của mình với những người dân lao động và nhờ có sự đầu tư chu đáo, mở rộng và liên kết sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu... nên các DN trong chương trình đã tự tin cam kết với Sở Công thương TPHCM sẽ không điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng bình ổn thị trường trong khoảng thời gian 1 tháng trước tết và 1 tháng sau tết. Đây thực sự là tin vui đối với tất cả người dân lao động TP do những mặt hàng được áp dụng đều là hàng thiết yếu đối với đời sống hàng ngày cũng như những ngày tết.
Cụ thể, trong tháng trước tết, các DN sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi như giảm giá 5%-49%, tặng sản phẩm, rút thăm trúng thưởng,... Cao điểm vào các ngày cận tết, DN sẽ thực hiện giảm giá sâu các mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt gia cầm, gia súc… Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, ngoài việc giữ giá các mặt hàng trong CTBOTT, đơn vị cũng sẽ chủ động giữ giá một số mặt hàng thiết yếu khác thuộc phân khúc hàng nhãn riêng của Co.opmart, thấp hơn so với thị trường tối thiểu 10% cùng chất lượng, chủng loại trên toàn hệ thống Co.opmart, Co.op Food, cửa hàng Co.op. Đến những ngày cận tết, tại các hệ thống của Saigon Co.op sẽ cùng các nhà cung cấp giảm thêm một số mặt hàng khác 10%-50%.
Về phía các nhà sản xuất, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, khẳng định, do có sự chuẩn bị chu đáo về nguồn hàng nên Vissan đã chốt giá bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống ngay từ ngày 8-1 đến ngày 8-3, tức trước tết 1 tháng và 1 tháng sau tết. Bên cạnh việc chốt giá bán, Vissan cũng đang thực hiện khuyến mãi giảm giá thực phẩm đến 5.000 đồng/kg. Đặc biệt, trong 3 ngày trước tết, từ ngày 27 đến 29 Tết, Vissan tiếp tục khuyến mãi giảm 8.000 đồng/kg để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân nghèo TP sẽ có được một nồi thịt kho đón tết. Mặt khác, trong 2 ngày sau tết, tức mùng 2 và mùng 3 Tết, Vissan sẽ giữ nguyên mức giảm giá này. Như vậy, tổng số ngày khuyến mãi lên tới 5 ngày chứ không dừng ở mức 2 ngày như những năm trước đây.
Riêng mặt hàng trứng gia cầm, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cho biết, sẽ thực hiện khuyến mãi giảm giá bán trong 10 ngày liên tục, tức là từ ngày 20 đến 29 Tết để kích cầu tiêu dùng. Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt, cũng cho rằng, công ty đã chốt giá trứng gia cầm các loại, đồng thời thực hiện khuyến mãi giảm giá 1.000-2.000 đồng/chục trong những ngày giáp tết. Hiện các công ty đã nâng sản lượng trứng cung ứng cho thị trường tết tăng bình quân 20%-30% nên không lo thiếu hàng mà chỉ sợ sức mua sẽ không đạt như mong muốn.
Tại nhiều DN khác như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty San Hà, Công ty Phạm Tôn,… cũng đều có kế hoạch ổn định giá hàng tết, đồng thời giảm giá bán trong những ngày cận tết vừa để kích cầu tiêu dùng, vừa hỗ trợ người dân mua hàng hóa về đón tết.
Tăng lượng hàng đến điểm bán bình ổn vùng ven
Nhằm phục vụ nhu cầu người dân tại các quận ven, huyện ngoại thành, công nhân trong các KCX- KCN, xí nghiệp đông công nhân, bên cạnh việc phát triển mạng lưới bán hàng cố định, công tác bán hàng lưu động sẽ được thực hiện thường xuyên hơn. Đây là giải pháp hiệu quả để đưa hàng bình ổn đến với người dân, góp phần ổn định giá cả thị trường. Do vậy, trong 2 tháng trước tết, các DN đăng ký phát triển thêm 252 điểm bán (2 siêu thị, 25 cửa hàng tiện lợi, 15 cửa hàng liên kết phụ nữ và 210 điểm bán của DN). Thành đoàn TPHCM đẩy mạnh phát triển mô hình “Bán hàng bình ổn thông qua phiếu đặt hàng trước”, tăng tần suất các chuyến bán hàng lưu động, phiên chợ hàng Việt, phiên chợ thanh niên... Hội Liên hiệp Phụ nữ đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động hội viên tham gia bán hàng bình ổn thị trường, phát triển điểm bán tại chợ truyền thống, phối hợp Saigon Co.op phát triển cửa hàng liên kết... phối hợp với các chợ đầu mối, chợ truyền thống triển khai mô hình thí điểm Tổ ngành hàng kiểu mẫu, tăng cường nguồn hàng bình ổn vào chợ truyền thống, công tác kiểm tra kiểm soát nguồn hàng đầu vào để đảm bảo an toàn thực phẩm, tiểu thương kinh doanh niêm yết và bán đúng giá quy định.
|
Ngoài ra, các đơn vị cũng tăng cường thực hiện các chuyến bán hàng lưu động tại các quận ven - huyện ngoại thành, KCX-KCN, khu lưu trú công nhân, các công ty, xí nghiệp đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn tết... Theo đó, các DN bình ổn cũng chia làm 3 tổ bán với 339 chuyến bán hàng lưu động trong 2 tháng trước tết tại các quận ven, huyện ngoại thành, KCN-KCX. Riêng tháng cao điểm tết thực hiện trên 180 chuyến, trong đó có 40 chuyến ưu tiên phục vụ công nhân không có điều kiện về quê ăn tết. Tính đến nay, tổng số điểm bán của 4 CTBOTT là 9.200 điểm bán. Trong đó, riêng CTBOTT các mặt hàng lương thực - thực phẩm đã có hơn 3.600 điểm bán. Trên thực tế, nếu việc mở các siêu thị, cửa hàng cần có thời gian thì việc đưa hàng tết thông qua các chuyến bán hàng lưu động là biện pháp tối ưu để hàng hóa đến tay người tiêu dùng vùng ven và các huyện ngoại thành nhanh và hiệu quả nhất. Đồng thời, các DN cũng sẵn sàng bán hàng lưu động xử lý các tình huống khan hiếm hàng hóa, tăng giá cục bộ (nếu có).
Song song với các công tác phát triển điểm bán và bán hàng lưu động, Tổ công tác bình ổn thị trường của TP đã đi thực tế, kiểm tra công tác chuẩn bị nguồn hàng cung ứng tết. Theo chỉ đạo của UBND TP, từ nay đến tết, mỗi DN cần chủ động hơn nữa trong việc chuẩn bị nguồn hàng, tăng cường các chuyến xe bán hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa, phục vụ tối đa nhu cầu mua sắm của người dân ngoại thành. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần báo cáo ngay với các sở, ngành trình TP tìm biện pháp tháo gỡ.
Theo nhận định của ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương, hiện nguồn hàng phục vụ tết rất dồi dào, hàng bình ổn đã phủ kín khắp 24 quận, huyện trên địa bàn TP. Với sự chuẩn bị đầy đủ và chu đáo, thị trường Tết Bính Thân 2016 tại TPHCM sẽ không rơi vào tình trạng thiếu hàng, sốt giá, đảm bảo cho nhân dân TP đón tết “vui tươi, đoàn kết, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm”.
HẢI HÀ