Còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, các doanh nghiệp (DN) trong Chương trình Bình ổn thị trường của TP đã có sự chuẩn bị chu đáo lượng hàng hóa thiết yếu cung ứng thị trường nên dự báo tết năm nay khó xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Nhằm thúc đẩy sức mua và hướng đối tượng phục vụ đến người lao động thu nhập thấp, các DN đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp thiết thực.
Hướng đến người thu nhập thấp
Thông thường, người lao động thu nhập thấp thường ít có điều kiện mua sắm tết sớm do phải chờ lương, thưởng, nên sẽ tập trung mua sắm vào 2 – 3 ngày cận tết. Đây cũng là thời điểm thường có biến động giá một số mặt hàng như thịt gà, thịt heo, trứng gia cầm... do nhu cầu tăng đột biến và một số tiểu thương lợi dụng tết để tăng giá bất hợp lý.
Xác định trách nhiệm của mình với những người dân lao động và nhờ có sự đầu tư chu đáo, mở rộng và liên kết sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu... nên ngay từ tháng 10-2013, các DN trong chương trình đã tự tin cam kết với Sở Công thương TPHCM sẽ không điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng bình ổn thị trường trong khoảng thời gian 1 tháng trước tết và 1 tháng sau tết. Đây thực sự là tin vui đối với tất cả người dân lao động TP do những mặt hàng được áp dụng đều là hàng thiết yếu đối với đời sống hàng ngày cũng như những ngày tết.
Cụ thể, trong tháng trước tết, các DN sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi như giảm giá từ 5%-49%, tặng phẩm, rút thăm trúng thưởng... Cao điểm vào các ngày cận tết, DN sẽ thực hiện giảm giá sâu các mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt gia cầm, gia súc…
Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, ngoài việc giữ giá các mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường, đơn vị cũng sẽ chủ động giữ giá một số mặt hàng thiết yếu khác, thấp hơn so với thị trường tối thiểu 10% cùng chất lượng, chủng loại trên toàn hệ thống Co.opMart, Co.op Food, cửa hàng Co.op. Đến những ngày cận tết, tại các hệ thống của Saigon Co.op cùng nhiều nhà cung cấp giảm thêm một số mặt hàng khác từ 10%-50%. Công ty TNHH Ba Huân cũng thông báo sẽ giảm giá 2.000 đồng/chục trứng gà, 1.000 đồng/chục trứng vịt trong 2 ngày 29, 30 tháng chạp âm lịch...
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan khẳng định, trong thời gian gần đây, giá heo hơi đã vượt mốc 50.000 đồng/kg, nhưng do có sự chuẩn bị chu đáo về nguồn hàng nên Vissan đã tiến hành chốt giá bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống ngay từ cuối tháng 12-2013. Theo đó, Vissan sẽ giữ nguyên giá bán đến sau tết 1 tháng.
Đặc biệt, vào 2 ngày cận tết, Vissan sẽ đồng loạt giảm mạnh giá bán các loại thịt heo tươi sống và các mặt hàng thực phẩm chế biến để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân nghèo TP sẽ có được một nồi thịt kho đón tết.
Tương tự, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt cũng cho rằng, công ty đã tiến hành chốt giá trứng gia cầm các loại. Hiện công ty đã nâng sản lượng trứng cung ứng cho thị trường tết tăng bình quân từ 30%-40% nên không lo thiếu hàng mà chỉ sợ sức mua sẽ không đạt như mong muốn.
Nhiều DN khác như Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty San Hà, Công ty Phạm Tôn… cũng đều có kế hoạch ổn định giá hàng tết, đồng thời giảm giá bán trong những ngày cận tết vừa để kích cầu tiêu dùng, vừa hỗ trợ người dân mua hàng hóa về đón tết.
Tăng cường bán hàng lưu động
Nhằm phục vụ nhu cầu người dân tại các quận ven, huyện ngoại thành, công nhân trong các KCX- KCN, xí nghiệp đông công nhân, bên cạnh việc phát triển mạng lưới bán hàng cố định, công tác bán hàng lưu động sẽ được thực hiện thường xuyên hơn. Đây là giải pháp hiệu quả để đưa hàng bình ổn đến với người dân, góp phần ổn định giá cả thị trường.
Theo số liệu của Sở Công thương TP, tính từ ngày 1-4-2013 đến hết tháng 11-2013, các DN trong chương trình bình ổn thị trường của TP đã thực hiện 844 chuyến bán hàng lưu động tập trung, doanh thu đạt hơn 17 tỷ đồng. Nếu tính trung bình, các DN đã thực hiện 42 chuyến/tháng. Theo kế hoạch, trong tháng 1-2014, các DN sẽ tổ chức 180 – 200 chuyến bán hàng lưu động.
Cụ thể, nhóm DN do Saigon Co.op chủ trì sẽ phối hợp thực hiện tối thiểu 59 chuyến bán hàng lưu động gồm 12 chuyến tại huyện Củ Chi, 13 chuyến tại huyện Bình Chánh, 8 chuyến tại huyện Hóc Môn, 6 chuyến tại Cần Giờ, 7 chuyến tại huyện Nhà Bè, 13 chuyến tại các KCN, khu tập trung đông công nhân, trong đó có Công ty Pouyen với gần 70.000 công nhân. Nhóm DN do Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – Satra chủ trì phối hợp thực hiện tối thiểu 51 chuyến bán lưu động, gồm 6 chuyến tại huyện Củ Chi, 5 chuyến tại huyện Bình Chánh, 3 chuyến tại huyện Nhà Bè, 21 chuyến tại huyện Cần Giờ, 9 chuyến tại các KCN, 3 chuyến tại bệnh viện...
Nhóm DN do Công ty TNHH Ba Huân chủ trì phối hợp thực hiện 33 chuyến bán lưu động, chủ yếu tập trung tại các khu vực đông công nhân tại Tân Bình, Bình Chánh, quận 9, Tân Phú, quận 12...
Bên cạnh đó, đơn vị đầu mối cung ứng hàng bình ổn thị trường vào các KCN, KCX là Công ty TNHH MTV TM-DV Nhân Dân tiếp tục thực hiện định kỳ 20 chuyến bán hàng lưu động tại 20 xí nghiệp có hơn 5.000 công nhân.
Để “ứng cứu” kịp thời những điểm xảy ra khan hiếm hàng hóa cục bộ, Sở Công thương cũng đã phối hợp Sở Giao thông vận tải hỗ trợ cấp giấy phép lưu thông giờ cao điểm cho xe tải vận chuyển hàng hóa của DN bình ổn thị trường, đảm bảo hàng hóa được chuyển đến “điểm nóng” trong thời gian sớm nhất.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, cùng với việc tổ chức tốt nguồn hàng, sở sẽ tăng cường giám sát việc cung ứng và đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng ở vùng sâu, xa của TP thông qua các chuyến bán hàng lưu động. Cách làm này sẽ khắc phục được tình trạng khan hiếm hàng hóa ngày tết và tăng giá bất hợp lý, giúp bà con yên tâm mua sắm để đón tết vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm.
NGUYỄN MINH HÙNG