
Như thông lệ, bước vào đầu tháng 1 hàng năm, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM, đặc biệt là DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) đều đã hoàn thành kế hoạch chuẩn bị hàng tết. Ngoài việc chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường chung, các DN BOTT còn phải dự trữ một lượng hàng khá lớn để thực hiện nhiệm vụ chính trị là giữ ổn định về cung - cầu, giá cả trong trường hợp thị trường có dấu hiệu biến động.
Hàng tết đã sẵn sàng
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Giám đốc Kinh doanh Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết, năm nay Satra tham gia cung ứng riêng tháng Tết Bính Thân 2016 là 6.819,36 tấn hàng hóa, tính chung lượng hàng cung ứng trong 3 tháng trước, trong và sau tết khoảng 21.000 tấn, tương đương với 1.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 5 DN trực thuộc Satra (gồm công ty Vissan, Thực phẩm công nghệ Sài Gòn, Cầu Tre, APT và Cần Giờ) tham gia cung ứng BOTT tết với 6 nhóm mặt hàng là gạo, thực phẩm chế biến, đường, nước mắm, dầu ăn và thịt gia súc. Tổng lượng hàng tết là 27.000 tấn, với giá trị 2.100 tỷ đồng.
So với cùng kỳ tết năm ngoái, năm nay các đơn vị của Satra đều đã chuẩn bị lượng hàng tăng khoảng 10%, cụ thể, thịt gia súc 9.000 tấn, thực phẩm chế biến 5.500 tấn, đường 4.500 tấn, gạo các loại 2.000 tấn, dầu ăn 500 tấn. Ngoài ra, các mặt hàng không nằm trong danh sách BOTT cũng được chuẩn bị chu đáo như bia và nước ngọt 500.000 thùng, 250.000 thùng bánh, kẹo các loại và 1 triệu quả trứng gia cầm.
Ở mặt hàng trứng gia cầm, ông Trương Vĩnh Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt - 1 trong 3 đơn vị chủ lực cung ứng trứng gia cầm BOTT cho biết, công ty đăng ký theo kế hoạch cung ứng cho thị trường tết là 6 triệu quả trứng, nhưng thực tế chuẩn bị lên đến 10 triệu quả. Giá trứng gia cầm bình ổn cũng đã được chốt trong 2 tháng tết. Để đảm bảo nguồn hàng, năm nay Vĩnh Thành Đạt đã thực hiện liên kết, đầu tư với các vệ tinh chăn nuôi ở các tỉnh, từ đó bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định từ 6 tháng hoặc 1 năm để đối tác yên tâm sản xuất. Theo tính toán của ông Thiện, hiện có tới 30% sản lượng trứng tiêu thụ đã được bao tiêu với mức giá ổn định. Trong năm 2016, công ty tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất để chủ động hơn về giá bán và nguồn hàng, đảm bảo nguồn cung ứng tốt hơn cho BOTT.
Tương tự, mặt hàng thịt gia cầm cũng được các DN như Phạm Tôn, San Hà chuẩn bị từ khá sớm, sản lượng tăng khoảng 30% so với tết năm ngoái, trong đó Phạm Tôn đã chuẩn bị lượng hàng bình ổn tương đương 366 tỷ đồng. Đối với nhóm các mặt hàng rau củ quả, ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thảo Nguyên, khẳng định, nguồn hàng rất dồi dào, phong phú, với sản lượng dự trữ tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2015. Giá bán sẽ không biến động kể từ nay đến sau tết.
Trong lĩnh vực phân phối, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM - Saigon Co.op đã tăng lượng hàng thiết yếu lên gấp 2 - 3 lần so với tháng kinh doanh bình thường. Tổng lượng hàng hóa dự kiến cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau tết được dự trữ là hơn 95.000 tấn, tăng gần 10% so với Ất Mùi 2015. Trong đó, lượng hàng bình ổn tăng từ 5%-30% tùy nhóm, các mặt hàng còn lại có độ tăng trưởng khác nhau từ 10%-20%, dự kiến tăng cao nhất nằm ở nhóm nước ngọt, bia, trái cây. Để chủ động nguồn cung, Saigon Co.op đã liên kết với các đối tác để phát triển sản lượng, tập trung vào những sản phẩm sản xuất trong nước như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng may mặc, hàng gia dụng và đồ uống.

Thành phố đã chuẩn bị đủ lượng hàng hóa phục vụ tết cho người dân. Trong ảnh: Người dân chọn lựa rau quả tại một siêu thị. Ảnh: CAO THĂNG
Chốt giá hàng bình ổn từ 8-1 đến 8-3-2016
Theo Sở Công thương TPHCM, năm 2015, nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại đăng ký dành cho các DN vay để thực hiện CTBOTT là 11.850 tỷ đồng, tăng tới 3.550 tỷ đồng so với năm 2014. Tính đến nay, các ngân hàng đã cấp hạn mức 1.100 tỷ đồng cho 9 DN vay đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà xưởng và cấp hạn mức cho DN dự trữ hàng hóa tết cho 18 DN là 1.610 tỷ đồng. Để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng chung trên thị trường, Sở Công thương đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM và các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các DN được tiếp cận gói 45.000 tỷ đồng. Riêng Ngân hàng TMCP Sacombank triển khai gói vốn 1.500 tỷ đồng cho các tiểu thương vay để chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường tết.
Tính toán của Sở Công thương cho thấy, tổng giá trị hàng hóa dành riêng để bình ổn thị trường tết năm nay là gần 6.900 tỷ đồng. Lượng hàng chuẩn bị tăng bình quân 10% so với kế hoạch TP giao và tăng 40% so với kết quả thực hiện dịp Tết Ất Mùi 2015. Trong số đó, nhiều nhóm hàng bình ổn có sản lượng lớn, chi phối từ 35%-52% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm chiếm 51,7%, dầu ăn 31,3%, đường 47,4%, thực phẩm chế biến 38,9%, trứng gia cầm 44,6%, thịt gia súc 25,9%...
Nhằm góp phần ổn định thị trường TPHCM và khu vực thông qua Chương trình hợp tác thương mại, các DN của TP đã tăng cường mở rộng sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kết nối và tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương. Qua 4 năm thực hiện kết nối cung cầu đã có 1.238 hợp đồng nguyên tắc được ký kết, tổng vốn giao dịch hơn 20.000 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm DN các tỉnh, thành đã vào hệ thống phân phối, làm nhãn hàng riêng cho các siêu thị, nhờ vậy lượng hàng cung ứng cho thị trường TP, đặc biệt là vào các dịp Tết Nguyên đán luôn đa dạng, phong phú, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa.
Năm 2015, TPHCM cũng đã đưa hàng hóa trong CTBOTT đến các địa phương để tiêu thụ. Đến nay, 16 DN sản xuất và phân phối trong chương trình đã phát triển mạng lưới cung ứng hàng hóa khắp các tỉnh, thành như Saigon Co.op, Vissan, Cầu Tre, Saigon Food, Colusa - Miliket, Lotte, Maximart… đều đã thực hiện bình ổn thị trường tại các tỉnh, thành.
Cùng với việc chuẩn bị hàng hóa, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, đã tiến hành chốt giá đối với 9 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm trong CTBOTT trong suốt 2 tháng tết (kể từ ngày 8-1 đến 8-3-2016) nhằm ổn định thị trường. Theo đó, các DN cũng sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá bán trong những ngày cận tết đối với các mặt hàng như thịt heo, thịt và trứng gia cầm, rau củ quả… để hỗ trợ người dân mua sắm hàng hóa.
Với sự chuẩn bị hàng hóa từ rất sớm và chu đáo, các sở, ngành chức năng hy vọng thị trường tết tại TPHCM sẽ không xảy ra tình trạng khan hàng - sốt giá, đảm bảo một mùa tết an lành và đầm ấm.
THÚY HẢI
| |