Bên cạnh việc phát triển nguồn hàng cung ứng cho thị trường TPHCM, những năm gần đây các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn thị trường (BOTT) của TP đã tiến hành đầu tư xây dựng nhà xưởng tại một số tỉnh, thành phía Bắc nhằm đa dạng hóa sản phẩm, với giá bán cạnh tranh nhất. Những DN chưa có điều kiện đầu tư chiều sâu cho sản xuất cũng đã mạnh dạn thành lập các chi nhánh, văn phòng đại diện tại Hà Nội để phát triển mạng lưới tiêu thụ tại miền Bắc.
Dồn sức cho đầu tư nhà xưởng
Sau nhiều năm đưa hàng hóa chinh phục người tiêu dùng các tỉnh phía Bắc, ngày 19-6-2015, Công ty cổ phần Vissan đã hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng giai đoạn 2, đặt tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, với công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm. Nhà máy hiện sản xuất khoảng 30 mặt hàng các loại, bao gồm xúc xích, đồ hộp, thịt nguội, chả giò... Trên thực tế, việc đầu tư ra miền Bắc, Vissan còn tính xa hơn bài toán về vị trí chiến lược để tiến công mạnh ra thị trường bên ngoài khu vực, bởi cứ điểm sản xuất tại phía Bắc sẽ là bàn đạp để công ty chi phối thị trường Lào, bên cạnh việc nhà máy sản xuất tại phía Nam để xuất khẩu sang Campuchia. Ngoài ra, với việc đưa nhà máy tại Bắc Ninh đi vào hoạt động, Vissan tăng được tốc độ cung ứng hàng hóa ra thị trường, đồng thời kỳ vọng sẽ thỏa mãn được khẩu vị của người tiêu dùng. Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Chi nhánh Công ty Vissan tại Hà Nội, hiện hàng tháng thị trường phía Bắc (tính từ Hà Tĩnh đến các tỉnh Tây Bắc, tức 25 tỉnh) đang tiêu thụ khoảng 250 tấn thực phẩm chế biến các loại.
Cũng trong năm 2015, Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood đã động thổ xây dựng Nhà máy Sữa NutiFood Việt Nam. Đây là nhà máy chế biến sữa có quy mô lớn nhất khu vực phía Bắc, xây dựng trên diện tích 10ha, tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng, công suất đạt 200 triệu lít sữa nước và 31.000 tấn sữa bột/năm, đặt tại Cụm công nghiệp Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Dự án được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ quý 2-2015 đến quý 2-2016, kinh phí đầu tư 700 tỷ đồng, công suất đạt 80 triệu lít sữa nước và 10.000 tấn sữa bột/năm; giai đoạn 2 sẽ hoàn thiện vào năm 2018, kinh phí đầu tư 900 tỷ đồng, công suất thêm 120 triệu lít sữa nước và 21.000 tấn sữa bột/năm.
Xuất phát từ đơn đặt hàng của nhiều đối tác tại khu vực phía Bắc đang tìm mua các loại trứng gia cầm được xử lý và chế biến theo quy trình công nghệ hiện đại, ngày 12-5-2016 vừa qua, Công ty TNHH Ba Huân đã khởi công xây dựng nhà máy với công suất xử lý 65.000 quả trứng/giờ đặt tại Phúc Thọ, Hà Nội. Nhà máy có quy mô 2ha, tổng vốn đầu tư trên 110 tỷ đồng, Công ty Ba Huân đã nhập thiết bị xử lý trứng tự động hóa 100% của hãng Moba (Hà Lan), là hãng đứng đầu thế giới về các thiết bị xử lý trứng gia cầm. Quy trình xử lý trứng qua các công đoạn: rửa trứng, sấy khô, chiếu tia UV diệt khuẩn, soi tìm trứng hư, tạo một lớp dầu bảo vệ giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài vào trong trứng, in nhãn hiệu và ký hiệu để truy xuất nguồn gốc từng quả trứng khi cần, cân trọng lượng và đóng hộp thành phẩm. Với quy trình này, trứng được xử lý và diệt khuẩn đạt chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tất cả các công đoạn được tự động hóa hoàn toàn 100%.
Ngoài ra, tại nhà máy còn xây dựng hệ thống kho mát, kho lạnh giúp trung chuyển các mặt hàng chế biến như xúc xích, lạp xưởng... từ TPHCM ra, cùng với các sản phẩm trứng muối, trứng bắc thảo được sản xuất theo công thức gia truyền phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng miền Bắc. Dự kiến, khi chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2017, Công ty Ba Huân sẽ giải được bài toán về việc cung ứng lượng hàng với số lượng lớn và giá bán cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Dây chuyền kiểm tra xúc xích tại Nhà máy Chế biến thực phẩm Vissan, đặt tại KCN Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Hải Hà
Phát triển mạng lưới phân phối
Có dịp khảo sát thị trường tại một số tỉnh, thành phía Bắc, chúng tôi nhận thấy hàng hóa của các DN BOTT được bày bán khá nhiều trên các quầy kệ siêu thị, cũng như các cửa hàng tạp hóa. Cùng với các sản phẩm của các DN đã và đang đầu tư nhà máy sản xuất, còn có các mặt hàng như ba lô, cặp xách của Công ty Hương Mi (Hami), Công ty Minh Tiến (Miti); các loại thủy hải sản chế biến của Công ty Sài Gòn Food như lẩu và nước lẩu cô đặc; thực phẩm và nước chấm của Công ty APT, một số loại gạo đặc sản; bún, nui, mì của Safooco…
Bên cạnh các mặt hàng bình ổn, sản phẩm của các DN TPHCM cũng tìm được chỗ đứng vững chắc tại các trung tâm thương mại tại Hà Nội, với các thương hiệu nổi tiếng như hàng thời trang của Nino Max, Foci, Blue Exchanger, Việt Tiến, May Nhà Bè, Thắng Lợi, Paltal, giày dép của Biti’s, Bi’tas… Chị Đặng Thị Hải Minh, nhân viên kế toán của một DN hiện đang cư ngụ tại tòa nhà 29T1 Trung Hòa - Nhân Chính, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết có dịp vào Sài Gòn công tác nhiều lần nên gia đình chị rất tín nhiệm các sản phẩm của DN đến từ TPHCM nhờ chất lượng ổn định, giá cả lại rất cạnh tranh. Riêng với các mặt hàng thực phẩm chế biến đã chiếm trọn tình cảm của gia đình chị nhờ khẩu vị thơm ngon, đậm đà, đặc biệt là xuất xứ các loại nguyên liệu rất rõ ràng, cụ thể.
Ông Trần Bá Dũng, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Hami, cho biết năm 2010, lần đầu tiên công ty tiến hành đợt khảo sát thị trường miền Bắc. Nhận thấy tiềm năng ở Hà Nội và các tỉnh là rất lớn nên ngay lập tức, Hami đã phối hợp với Miti lập công ty phân phối sản phẩm tại Hà Nội. Chỉ sau 5 năm “Bắc tiến”, từ vài chục ngàn sản phẩm ban đầu, năm 2015, công ty đã tiêu thụ được hơn 150.000 sản phẩm, chiếm 30% tổng sản lượng hàng sản xuất của công ty. Theo ông Dũng, thế mạnh của các loại ba lô, cặp xách mang thương hiệu Hami không chỉ dừng lại ở chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đa dạng, giá bán phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng, mà còn là những sản phẩm siêu nhẹ, giúp các em học sinh giảm tải khi đến trường. Chính điều này đã tạo sự khác biệt, cạnh tranh rất tốt với các công ty tại Hà Nội, cũng như với hàng Trung Quốc.
Qua tìm hiểu của chúng tôi tại hầu hết các DN đang đầu tư ra miền Bắc, sản lượng và doanh thu hàng năm tăng bình quân từ 10% - 15%. Cá biệt có một số DN mức tăng trưởng doanh thu ở một vài thời điểm tăng tới 40%, như Công ty Vissan… Để đạt được những con số này, thực tế cho thấy, cuộc “trường chinh” của DN TPHCM ra phía Bắc là không đơn giản. Vậy đâu là thuận lợi, khó khăn? Làm cách nào để hàng hóa đứng vững trên thị trường? Chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập những vấn đề này trên chuyên trang “Chương trình Bình ổn thị trường” số báo phát hành vào thứ hai tuần tới 27-6.
THÚY HẢI